Chuyến sơ tán không thể nào quên

30/04/2022 - 05:49

PNO - Theo lời kể, những mảnh ký ức cách đây 50 năm lần lượt trở về, sống dậy, chúng giúp tôi hình dung rõ hơn về một quãng đời của mẹ.

Thỉnh thoảng, trong những lúc rảnh rỗi, mẹ vẫn thường kể tôi nghe về những năm tháng tuổi thơ gian khó của bà. Những mảnh ký ức cách đây 50 năm về trước như những thước phim sống động cứ lần lượt trở về, sống dậy, chúng giúp tôi chắp vá để rồi hình dung rõ hơn về một quãng đời đau thương, cơ cực, nhưng cũng ắp đầy hạnh phúc, hồi hộp khi đoàn viên cùng làng xóm, gia đình.

Bây giờ, quê hương Cam Lộ (Quảng Trị) được xem là “miền sương ngọt” vì là miền quê đồng xanh, trù phú, gần núi, sát sông. Thế nhưng lật giở lại lịch sử, thì cách đây 50 năm về trước, trong cuộc đấu tranh giải phóng tỉnh nhà thì Cam Lộ chính là địa bàn chiến lược quan trọng, từng hứng chịu nhiều đạn bom. Đất chết, nhà cháy, người người, nhà nhà phải di tản, sơ tán để tìm chốn nương thân.

Một phần ký ức thanh xuân của mẹ chính là những cuộc sơ tán cùng gia đình
Mẹ tôi (bên trái), ảnh chụp năm 1979

Trong đợt tiến công chiến lược lần thứ nhất năm 1972, ngay sau khi nhận được lệnh từ cấp trên, Cam Lộ được xác định là địa bàn trực tiếp tác chiến và chiến đấu. Khắp nơi dội lên tiếng đạn bom, các đợt pháo kích dồn dập. Lực lượng quân dân, du kích địa phương ở lại phối hợp cùng bộ đội chủ lực chiến đấu, còn bộ phận dân thường thì tay đùm gạo nắm, gánh gồng nhau sơ tán vào phía Nam. Mẹ tôi kể: 

“Lúc đó mẹ mới 8 tuổi, cùng dì cả và dì út hòa vào đoàn người sơ tán, trùng trùng chạy vào Huế, Đà Nẵng.  Dì cả gánh mùng mền, gạo, muối, còn mẹ và dì Út vì còn nhỏ nên được ưu tiên chạy hai tay không. Trên đường đi mẹ thấy ai rơi gì cũng cúi xuống nhặt. Nhiều nhất là dép, nắp song nồi, nhặt đến khi quá tải không mang theo được nữa thì đành vứt lại”.

“Ba chị em chạy đến Huế, tá túc trong khuôn viên của một ngôi trường ở quận Phú Vang. Tiếng loa phóng thanh không ngừng vang lên, nhắc nhở mọi người giữ trật tự, bảo đảm an toàn đồ đạc.  Sau đó có một vài người đứng ra phát những suất quà cho người dân tị nạn. Suất quà gồm một ít thực phẩm khô, một ít áo quần trẻ em và tiền mặt”.

Sau hai ngày một đêm ở lại Huế, mẹ và các dì lại lên đường chạy tiếp vào Đà Nẵng. Lúc này, tại một ngôi trại tị nạn thuộc quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, mẹ gặp lại rất nhiều người quen, họ là những bà con chòm xóm từ quê nhà. Thế nhưng, vì họ vào sớm nên đã giải quyết xong xuôi những giấy tờ, thủ tục công nhận là người tị nạn. Họ được cấp phát đầy đủ lương thực, áo quần, thuốc men. Ba chị em mẹ vì chạy vào sau nên ngoài chỗ ở thì chẳng có gì. May sao, ai ai cũng tốt bụng, người đến trước sẵn sàng cưu mang, chia sẻ phần ăn của mình cho những người đến sau.

“Những ngày chưa làm xong thủ tục, mẹ và các dì mặc dù được cho đồ ăn nhưng vẫn muốn tự túc thêm nên đã hỏi han, lặn lội đi đến các làng chài  ở vùng cửa biển Nam Ô để xin tôm, xin cá. Những người dân địa phương thấy trẻ em dìu dắt nhau, áo quần lôi thôi, nhếch nhác nên ai cũng thương tình. Họ cho nhiều cá, mực lắm, toàn đồ ngon, đến nỗi ăn không hết, một phần mẹ đem đổi gạo, đổi thuốc men, bánh kẹo cho những người ở trại, phần thì phơi khô cất ăn dần. Rồi mẹ và hai dì còn tranh thủ trèo lên các triền đồi gần núi Bạch Mã để chặt củi về bán nữa. Làm được gì là làm, bận rộn nên ngày tháng tị nạn nhanh chóng trôi qua. Chỉ duy nhất một nỗi niềm luôn đau đáu trong lòng, gia đình có bốn chị em, nhưng dì thứ ba vì lý do sức khỏe nên đã không sơ tán theo gia đình được, dì vẫn ở lại quê nhà, không biết xấu tốt ra sao”.

Người dân trên đường di tản ( Ảnh tư liệu)
Người dân trên đường di tản (Ảnh tư liệu)

Sau một thời gian, đến năm 1974, khi tình hình bom đạn ở quê nhà yên ắng, ba chị em lên đường trở về Cam Lộ. Thế nhưng khi đến địa phận thôn Câu Nhi (xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) thì đoàn người di tản lại dừng chân, tạm thời dựng lán trại sinh sống ở trên các ngọn đồi gần đó. Một lần nữa, mẹ và các dì lại mưu sinh bằng nghề săn bắt, hái lượm.

“Mọi người trỉa các loại rau, ngô, đậu ngắn ngày trên các triền đồi. Rảnh ra thì đến các sông, suối, ao đầm để câu tôm, bắt cá. Có một lần, mẹ và dì Út đi rừng kiếm lá thuốc, ven theo các con đường lạ là nhiều dây leo, cây bụi tầm thấp. Gần đó có một chiếc đầm gần cạn hết nước, mẹ và dì trông thấy rất nhiều cá đang lúc nhúc quẫy đạp, có con khỏe còn phóng hẳn lên trên mặt hồ. Ngay lập tức, mẹ lấy túi nhào xuống bắt. Ai ngờ khi xuống đến nơi, cá thì chẳng bắt được mà người càng ngày càng lún sâu xuống bùn. Dì Út cố gắng lấy cành cây đưa ra cho mẹ, kéo trẹo cả lưng mà vẫn không được. May sao mẹ nhanh trí bảo dì cứ chạy về phía làng tìm người đến cứu. Nhờ thoát nạn, sau này mẹ mới có cơ hội gặp lại dì ba. Dì ở quê vẫn còn sống mạnh khỏe con à”, mẹ kể tiếp.

Trong câu chuyện, đến đoạn đại gia đình đoàn viên, cùng nhau mỗi người một tay dựng lại nhà, tiếp tục học hành và sinh sống thì giọng kể của mẹ bao giờ cũng reo vui, giòn giã. Tôi hiểu, với ai cũng vậy, sau chia ly, ngăn biệt, sự sum họp là một món quà quý giá không thể diễn tả hết bằng lời.

Tôi cũng hiểu thêm lý do vì sao trong cuộc sống hôm nay, gia đình tôi thỉnh thoảng vẫn trải qua những nốt trầm đầy trở trăn, gian khó nhưng thái độ sống và hành động của mẹ vẫn luôn bình tĩnh, tích cực và yêu đời đến vậy. Với mẹ, không có gì là không giải quyết được, nên hiểu việc chứ không nên lo. Có lẽ, nhờ mẹ nghị lực, nhờ mẹ được trui rèn, thử thách, lớn lên từ ngày quê hương còn gian khó.

 Diệu Thông

                                                                                                   

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI