Pháp không cho phép nhân viên y tế đi làm nếu chưa tiêm vắc xin

13/07/2021 - 20:33

PNO - Bộ trưởng Y tế Pháp hôm 12/7 tuyên bố không cho phép nhân viên y tế nước này đi làm và họ sẽ không được trả lương nếu không tiêm vắc xin COVID-19 trước ngày 15/9.

Nhân viên y tế sẽ không được phép đi làm và sẽ không được trả lương nếu họ không tiêm chủng trước ngày 15/9 - Ảnh: AP
Nhân viên y tế sẽ không được phép đi làm và sẽ không được trả lương nếu họ không tiêm chủng trước ngày 15/9 - Ảnh: AP

Phát biểu trên kênh truyền hình LCI, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết điều quan trọng là phải áp dụng các biện pháp bắt buộc vì mức độ lây lan nguy hiểm của biến thể Delta virus SARS-CoV-2.

Tất cả các nhân viên y tế ở Pháp đều phải tiêm vắc xin COVID-19 và bất kỳ ai muốn vào rạp chiếu phim hoặc lên tàu xe sẽ phải xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng hoặc xét nghiệm âm tính theo quy định mới được Tổng thống Emmanuel Macron công bố hôm thứ Hai (12/7).

Khi công bố các biện pháp sâu rộng để chống sự gia tăng lây nhiễm của virus, ông Macron lưu ý tiêm chủng hiện nay chưa bắt buộc đối với toàn thể người dân, nhưng ông nhấn mạnh rằng các hạn chế sẽ tập trung vào những người không tiêm chủng. "Chúng ta phải tiến tới tiêm chủng cho tất cả người dân Pháp, đó là cách duy nhất để tiến tới một cuộc sống bình thường, và nay đang diễn ra một cuộc chạy đua với thời gian", ông Macron phát biểu trên truyền hình quốc gia.

Nhấn mạnh yêu cầu tiêm chủng với các nhân viên y tế, Bộ trưởng Olivier Veran nói: "Từ nay đến ngày 15/9, tất cả các nhân viên y tế phải được tiêm mũi vắc xin thứ hai". Việc tiêm chủng bắt buộc, ngay cả đối với nhân viên y tế và các nhân viên chuyên môn tiếp xúc với những người dễ bị nhiễm COVID-19.

Nhưng sự chậm trễ trong tốc độ tiêm chủng và sự gia tăng mạnh các ca nhiễm mới do biến thể Delta dễ lây lan đã buộc chính phủ phải suy nghĩ lại đối với các nhân viên y tế, những người nay phải tiêm phòng trước ngày 15/9. Tiêm chủng cũng sẽ bắt buộc đối với những người làm việc trong các nhà dưỡng lão.

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Macron, Doctolib – một trang web đăng ký tiêm chủng – đã nhận được hàng ngàn cuộc hẹn tiêm vắc xin.

Tổng thống Macron nói “giấy thông hành y tế”, bằng chứng đã tiêm vắc xin hoặc gần đây xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 - giờ đây sẽ được sử dụng rộng rãi hơn nhiều, bao gồm để vào nhà hàng, rạp chiếu phim và rạp hát; nó cũng sẽ được yêu cầu khi lên tàu hỏa đường dài và máy bay từ đầu tháng 8, đã tạo thêm động lực cho người dân đi tiêm.

Tiêm vắc xin bắt buộc?

Pháp đã giảm từ mức trung bình hơn 400.000 mũi tiêm vắc xin đầu tiên mỗi ngày cuối tháng Năm xuống khoảng 165.000 mũi tiêm mỗi ngày hiện nay. Khoảng 53,1% người Pháp đã tiêm một liều vắc xin COVID-19 và 40,6% đã được tiêm chủng đầy đủ, nhưng vẫn chưa đủ để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Biến thể Delta lây lan nhanh có nguy cơ làm suy yếu sự phục hồi kinh tế nếu nó vượt khỏi tầm kiểm soát, điều đó buộc một số chính phủ phải suy nghĩ lại chiến lược COVID-19, trong khi người dân đang mong đợi kỳ nghỉ hè.

Hy Lạp hôm 12/7 cũng cho biết các nhân viên chăm sóc sức khỏe và nhân viên viện dưỡng lão sẽ phải tiêm vắc xin. Cho đến nay, Ý là một ngoại lệ khi bắt buộc nhân viên y tế phải tiêm chủng từ cuối tháng Ba. Chính phủ Hà Lan hôm 9/7 đã yêu cầu hạn chế hoạt động các hộp đêm, lễ hội âm nhạc và nhà hàng, trong khi Quần đảo Canary của Tây Ban Nha đã yêu cầu chính phủ áp dụng trở lại lệnh giới nghiêm.

Trong một thông báo khác được nhiều người chờ đợi, Tổng thống Macron cũng nói Pháp cần kéo lùi tuổi nghỉ hưu và chính phủ sẽ tiếp tục cải cách lương hưu ngay khi tình hình COVID-19 được kiểm soát.

Hòa Ninh (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI