Phải khắc phục kiểu thi đua “đầu voi đuôi chuột”

29/06/2020 - 08:00

PNO - Để các phong trào thi đua đạt chất lượng thực sự, cần phải loại bỏ căn bệnh hình thức, các báo cáo phải trung thực và được giám sát chặt chẽ.

Ngày 19/5/2020, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã sơ kết đợt I phong trào thi đua 200 ngày chào mừng đại hội Đảng bộ các quận, huyện và Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.  
Dù cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” được triển khai rầm rộ nhưng trên thực tế, tình trạng xả rác vẫn chưa có chuyển biến đáng kể - Ảnh: HOÀNG NHIÊN
Dù cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” được triển khai rầm rộ nhưng trên thực tế, tình trạng xả rác vẫn chưa có chuyển biến đáng kể - Ảnh: Hoàng Nhiên

Tại lễ sơ kết, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ rõ hai nội dung không thi đua nhưng cần phấn đấu cải thiện, đó là chỉ số cạnh tranh địa phương và chỉ số cải cách hành chính.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác không tiến triển hoặc chậm khắc phục, thậm chí vi phạm còn tăng lên như tình trạng xây dựng trái phép, không phép ở các huyện ngoại thành, điển hình là huyện Bình Chánh.

Theo các báo cáo, tính đến tháng 5/2020, có 187/322 phường, xã, thị trấn (58%) trên toàn TPHCM được công nhận “không xả rác ra đường và kênh rạch”, nhưng trên thực tế, hầu như nơi nào cũng thấy rác xả tràn lan. Trước vấn đề này, Phó bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung yêu cầu không để phong trào thi đua rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.

Đến nay, bảy chương trình đột phá của nhiệm kỳ 2015-2020 vẫn chưa rõ kết quả đạt được, trong khi tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường vẫn còn là nỗi ám ảnh thường trực của người dân TPHCM. Đất nước mạnh cần địa phương mạnh, địa phương mạnh phải có cán bộ mạnh và được dân giám sát.

Nhìn vào lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, chúng ta không thấy được đâu là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố mà lại thấy nhiều chương trình lạc hậu, lãng phí.

Nhìn vào lĩnh vực công thương thì thấy các chương trình kích cầu vẫn chỉ làm giàu cho các hệ thống phân phối và trung gian vận chuyển, còn nông dân vẫn nghèo.

Lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng… nhiều lần bỏ lỡ cơ hội quy hoạch thành phố thông minh với không gian ngầm và các phương tiện giao thông xanh dành cho các hoạt động kinh tế đêm.

Trong khi đó, ở mỗi sở, ngành, đơn vị, năm nào cũng phát động phong trào thi đua yêu nước và năm nào cũng có báo cáo về các sáng kiến làm lợi cho cơ quan, có ích cho xã hội.

Nêu các điều trên, tôi muốn nói rằng, để các phong trào thi đua đạt chất lượng thực sự, cần phải loại bỏ căn bệnh hình thức, các báo cáo phải trung thực và được giám sát chặt chẽ.

Mai Thanh Hà (phường 7, quận 5, TPHCM)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI