Ông Minh “cô đơn” không đơn côi lúc hoạn nạn

15/12/2020 - 08:39

PNO - Bị trộm lấy mất chiếc xe ba gác dùng để chở đồ miễn phí cho sinh viên làng đại học, hiệp sĩ Minh “cô đơn” rất buồn. Thế nhưng, trong lúc hoạn nạn, ông lại nhận được chân tình của nhiều người quen lẫn chưa quen.

Nhận xe mới không quên xe cũ

Vậy là, hiệp sĩ Nguyễn Văn Minh (biệt danh Minh “cô đơn”, 58 tuổi, sống ở làng đại học Quốc gia TPHCM) đã nhận được xe ba gác mới. Số tiền mua xe mới do chị Nguyễn Đỗ Trúc Phương (26 tuổi, ngụ TPHCM) quyên góp từ lòng hảo tâm của nhiều người.

Để ghi lại kỷ niệm, hiệp sĩ Minh “cô đơn” đã dùng sơn viết tên chị Trúc Phương và dòng chữ “Cho đi là còn mãi” lên chiếc xe ba gác mới. Ông cũng chia sẻ: “Sau cháu Phương, nhiều người gọi điện thoại cho tôi và hứa cho xe ba gác nhưng tôi từ chối. Tôi nói, có người cho rồi, tôi không nhận thêm nữa”.

Hiệp sĩ Minh cô đơn được tặng xe ba gác mới sau khi xe cũ bị mất trộm
Hiệp sĩ Minh "cô đơn" được tặng xe ba gác mới sau khi xe cũ bị mất trộm

Cũng trong ngày (13/12), ông Minh quyết định dùng số tiền 17 triệu đồng được các mạnh thường quân hỗ trợ, mua lại 3 chiếc xe máy cũ, tặng cho 3 nữ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Theo ông Minh, ông quan sát trong thời gian qua các nữ sinh viên này thường đi làm thêm về khuya mà không có phương tiện di chuyển. Nay có cơ hội, ông liền hỗ trợ, san sẻ niềm vui ấy cho các bạn.

Trong niềm hân hoan, ông Minh vẫn không quên chiếc xe ba gác cũ - người bạn đồng hành cùng ông khắp các tỉnh thành trong các chuyến xe thiện nguyện.

“Chiếc xe cũ được mua từ tiền của sinh viên, cơ quan nhà nước, mạnh thường quân, người quen… Tôi gắn bó với nó hơn 1 năm. Chiếc xe chở không biết bao nhiêu chuyến đồ miễn phí cho sinh viên, chở nước ngọt cho bà con miền Tây, chở hàng từ thiện đi các tỉnh. Nó “chở” rất nhiều kỷ niệm. Tôi thương nó như thương con. Tôi không có xà bông tắm chứ ngày nào nó cũng được lau chùi, sơn sửa sạch bóng”, ông Minh chia sẻ.

Chiếc xe ba gác cũ rất được hiệp sĩ Minh 'cô đơn trân trọng
Chiếc xe ba gác cũ rất được hiệp sĩ Minh "cô đơn" trân trọng

Kể lại vụ mất trộm chiếc xe ba gác, ông Minh bảo còn “ức dữ lắm”. Tối 6/12, ông khóa xe cẩn thận ở chốt dân phòng quen thuộc, rồi lấy xe máy đi tuần tra trên các tuyến đường ở làng đại học Quốc gia TPHCM.

Khoảng 23g cùng ngày, ông về ngang chốt dân phòng thì vẫn thấy chiếc xe còn ở đó. Ông về chòi ngủ. Đến 4g sáng 7/12, ông thức dậy ra ngã tư quốc phòng để bắt đầu một ngày làm việc thì phát hiện cọng cáp khóa xe bị cắt đứt, chiếc ba gác không còn.

Phát hiện mất xe, ông điện cho hiệp sĩ ở nhiều địa phương như Bình Dương, Đồng Nai… nhờ hỗ trợ tìm xe và lên công an trình báo. Qua trích xuất camera, công an cho biết, có 3 người tham gia vào vụ trộm xe. Thế nhưng, camera cách xa vị trí để xe ba gác nên không rõ mặt đối tượng.

Cũng theo ông Minh, vụ mất trộm lần này không phải là lần đầu mà ông nhiều lần bị các đối tượng xấu quấy phá. Cách đây không lâu, ông bị nhiều người lạ mặt dàn cảnh châm lửa, đốt xe, đốt chòi. Sau vụ đó, chòi ông lâu lâu lại bị trộm viếng thăm. Ông Minh sợ trộm đến nỗi nếu người hảo tâm mua quần áo mới tặng ông đều không nhận mà chỉ xin quần áo cũ.

“Lấy đồ mới làm gì, cất ở chòi, tụi nó vô trộm hết. Tôi làm việc nghĩa ở đây hơn 15 năm thì tất nhiên đụng chạm người này người kia, băng này băng nọ. Mất mát của cải không sao, tính mạng còn thì mới có thể tiếp tục giúp đời, giúp người”, ông Minh lạc quan nói.

Rút kinh nghiệm lần mất xe này, ông Minh dự định mua thiết bị định vị và chìa khóa “xịn” để bảo vệ tài sản.

Minh “cô đơn” không cô đơn

Ở ngã tư quốc phòng, hơn 15 năm, người qua lại nơi đây đều đã nhẵn mặt ông Minh “cô đơn”. Nghèo rớt mồng tơi, ông Minh vẫn “đua đòi” làm việc thiện, việc nghĩa. Ông sắm bộ bơm xe để ở góc ngã tư, ai cần ghé vào bơm miễn phí.

Ông bơm vá xe miễn phí, cho người nghèo vỏ xe, chuyển đồ miễn phí cho mọi người
Ông bơm vá xe miễn phí, cho người nghèo vỏ xe, chuyển đồ miễn phí cho mọi người

Từ chỗ bơm xe miễn phí, ông lại phát hiện nhiều sinh viên, công nhân, thợ hồ… đi làm sớm bị thủng bánh xe phải đẩy bộ. Ông liền nảy ra việc mua vỏ xe, bộ dụng cụ vá xe để phục vụ miễn phí cho người nghèo.

“Người nào khó khăn, tôi thương mới cho, chứ ai nhìn được được, tôi vá lấy tiền công. Có vậy, tôi mới có vốn mua vỏ mới cho người khó khăn. Mỗi ngày, tôi vá và cho vỏ xe miễn phí khoảng 5-6 lần. Đợt rồi không tiền, tôi phải mượn tiền người quen mua vỏ xe cho người ta”, ông Minh cho biết.

Ngoài vá, bơm, thay vỏ xe miễn phí cho người nghèo, ông Minh còn dùng xe ba gác giúp sinh viên chuyển trọ miễn phí. Hễ muốn chuyển trọ, nhiều sinh viên nghĩ ngay đến ông Minh “cô đơn”. Số điện thoại của ông Minh được nhiều sinh viên, người nghèo ghi nhớ.

Ông chở miễn phí cho mọi người, kể cả người giàu có. “Có mất mát gì đâu mà không chở, họ đổ xăng cho tôi cũng được rồi, không cần tiền bạc. Chiếc xe này là tấm lòng của mọi người thì dùng vào việc chung thôi”, ông Minh cho biết.

Ngoài những việc kể trên, ông Minh còn nổi tiếng với tấm lòng hào hiệp, ngăn chặn trộm cướp, giải cứu nhiều nạn nhân. Ông từng tham gia hỗ trợ cơ quan chức năng bắt giữ nhiều vụ cướp tài sản. Nhiều nạn nhân may mắn được ông hỗ trợ mà không mất của, không nguy hiểm đến tính mạng.

Nhiều sinh viên đem xe đến nhờ ông Minh sửa chữa miễn phí
Nhiều sinh viên đem xe đến nhờ ông Minh sửa chữa miễn phí

Đổi lại, ông Minh cũng mang nhiều thương tích và gây thù với không biết bao nhiêu băng nhóm. Ông nhớ: “Lần đó, tôi giăng dây khiến bọn cướp té ngã, cứu 2 sinh viên thoát khỏi cướp. Chúng tức tối bỏ chạy, rồi quay lại với hung khí trên tay. Bọn nó cứ nhắm tôi mà bủa mã tấu. Tôi lấy tay đỡ nên bị chém suýt nữa đứt gân”.

Vừa nói, ông Minh vừa lấy ngón tay lướt trên vết sẹo dài. Đâu chỉ có tay, khắp cơ thể của Minh “cô đơn” chỗ nào cũng có sẹo. Bởi vậy, trời mà đổi tiết, cả người ông đều đau nhức.

Ông tự nhận bản thân có nhiều kinh nghiệm nên nhìn sơ cũng biết đâu người hiền đâu cướp giật, “đá xe”… Ông nói: “Camera cũng không bằng mắt tôi. Cũng tại vậy, thấy ai khả nghi, tôi âm thầm theo dõi. Có lần, tôi đụng băng “đá xe”, tụi nó vây tôi đánh tới tấp”.

Mấy năm trước, ông than cuộc đời quá đỗi cô đơn, không vợ con, không biết gốc gác. Năm 9 tuổi, trong lúc tức giận đứa con ruột của mẹ nuôi đánh mình, ông bỏ nhà đi bụi. Tháng năm ở chợ đời, ông nhập bọn với giang hồ, sống lay lắt ở vườn chuối gần trường bắn Long Bình.

Khi đàn anh đàn chị được cơ quan chức năng cảm hóa, chấp nhận lui về ở ẩn, tu dưỡng đạo đức, ông Minh cũng tìm kế sinh nhai khác, dạt về làng đại học Quốc gia TPHCM.

Cũng đã 23 năm, ông gắn bó và góp chút tấm lòng giúp vùng đất này trở nên tươi đẹp. Ông không ngại bơi xuống hồ tử thần, vớt từng thi thể người xấu số. Ông không sợ nghèo nên có nhiêu tiền cũng lấy ra giúp người khổ hơn mình. Ông không màng tính mạng, xả thân cứu người khỏi cướp.

Hiệp sĩ Minh cô đơn nói, đời ông không còn cô đơn nữa
Hiệp sĩ Minh "cô đơn" nói, đời ông không còn cô đơn nữa

Qua vài biến cố, ông thấy cuộc đời mình không còn đơn độc. Lòng tốt cho đi, ông nhận về thật nhiều tình cảm, sự quan tâm. Nay, ông có người lo cho cơm nước, có thể chỉ là hộp cơm bình dân, chai nước suối nhưng ấm áp vô cùng.

Lần trước bị đốt xe, nhiều sinh viên, người hảo tâm hay tin đã quyên góp tiền mua cho ông xe mới, còn tặng cả xe ba gác. Lần này cũng vậy. Ông thấy mình may mắn và không đơn côi như biệt danh Minh “cô đơn”.

Ông tâm sự, có những tối, ông nhóm lửa đốt vài nhánh củi khô xua muỗi, buồn quạnh hiu chút xíu, rồi ngủ. Cũng buồn chứ nhưng không buồn nhiều như trước, bởi quanh ông còn có biết bao sự quan tâm, yêu thương.

Lâm Ngọc 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI