Ở nhà, đàn ông là “hàng thiết yếu”!

14/09/2021 - 06:00

PNO - Chắc chắn người vợ sẽ dạy cho người chồng biết rằng, việc nhà có những việc không là gì cả trong mắt đàn ông nhưng thật ra nó có phần quyết định cho hạnh phúc của mái ấm.

Trong những ngày giãn cách vì COVID-19, nhiều người đàn ông ở nhà cảm thấy mình trở thành… hàng thiết yếu. 

Tức là, các mặt hàng ngoài xã hội cần thiết đến như thế nào, đối với người đàn ông trong gia đình cũng thế. Bởi đến tình thế này, mọi sự cố gì đó xảy ra ắt phải cần đến người đàn ông.

Nếu trước đó, cần đến gọi thợ, chỉ cần bấm số điện thoại thì thợ đã đến, mọi việc đâu vào đấy. Bây giờ, khó lắm. Không thể gọi bất cứ thầy thợ nào cả, thế thì người đàn ông phải ra tay. Thật đáng khen, tất nhiên rồi, họ có thể ngửa mặt lên trời và tự hào, trong số đó, có tôi. 

ẢNh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
ẢNh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Thế thì thật vô lý khi có người hỏi, trong những ngày ở nhà như thế này, không đi làm, không đến công sở, không la cà, không bia bọt, không có một cái cớ gì để ra khỏi nhà, cứ ở lì trong nhà liệu chừng… có bị vợ la hay không? Với tư cách một người đàn ông, tôi nghĩ rằng điều đó không thể xảy ra. 

Thời gian trôi qua trong sự chậm rãi, bình yên của những ngày giãn cách. Vào một ngày đẹp trời lúc đang nằm đọc sách, cô vợ bỗng gọi: “Anh ơi, anh à, có điều rất nguy… nguy… nguy hiểm, cả nhà sẽ không còn được những bữa cơm ngon như mọi ngày”.

Anh chàng hoảng quá lật đật ngồi dậy trố mắt nhìn lên, hỏi một cách hoảng hốt: “Ô hay chuyện gì thế em?”.

Cô vợ mếu máo chỉ vào cái tủ lạnh nói như thở như than: “Tủ lạnh hư rồi anh ơi”. Không lẽ mình cũng hoảng hốt theo? Đàn ông, ai lại thế. Anh mới nói một cách rất dõng dạc: “Dễ ẹc để anh sửa cho”.

Việc đầu tiên rút điện ra, anh coi thử tủ lạnh thế nào? Đúng, tủ lạnh nó hoàn toàn đứng yên không có một dấu hiệu gì đang hoạt động cả, tức là nó đang nguội dần, nguội dần và nước đá bắt đầu tan… Ngay lập tức nào cà lê, mỏ lết, nào kiềm, búa, tất tần tật những dụng cụ được đem ra, anh loay hoay, lò mò sửa theo sự am hiểu của mình.

Cuối cùng thế nào? Cuối cùng tủ lạnh sẽ tốt đẹp chứ? Nếu được thế đã là may, không ngờ tủ lạnh vẫn như cũ và vợ anh phải quýnh quáng lên mạng đặt mua một tủ lạnh mới.

Cô vợ ngạc nhiên: “Ô hay, hồi mới quen em, anh nói anh học Bách khoa cơ mà? Cái tủ lạnh này nằm trong chương trình học của anh chứ?”. Anh bèn cười mà rằng: “Không, anh học về sửa xe”.

Cô vợ vỗ đùi cái đét ra chiều ưng ý lắm: “Hay lắm, lâu nay xe mình để trong nhà, nó không nổ máy được anh à. Anh làm sao cho nó nổ máy để khi có chuyện cần thiết, mình có thể khởi động ngay”.

Anh cười: “Úi chà, Em lo xa quá, giãn cách này, đi đâu được mà sửa xe với không sửa xe hả em?”. “Không, anh cứ sửa đi vì khi cần thiết thì xe vẫn còn nổ máy được. Chứ theo em biết, xe để lâu quá trong nhà, nằm yên một chỗ thì nó sẽ không khởi động được”. 

Nghe vợ nói cũng có lý, anh bắt đầu loay hoay sửa xe. Sửa ì à ì ạch cả tiếng đồng hồ, nhưng khi rồ ga thì nó vẫn lì ra đó, không động đậy gì. Cô vợ ngạc nhiên: “Ơ hay anh vừa nói anh học sửa xe kia mà, sao lại không sửa được?”.

Anh chàng bèn gãi mũi rồi nói như mếu: “Không, trước kia anh học sửa xe hơi. Sửa xe hơi mới khó, chứ sửa xe máy khó gì đâu. Thôi thì, em cứ để cho thợ sửa, việc này tầm thường lắm, hơn nữa nhà mình cũng chưa cần xe Honda này lắm em à”.

Nói xong, một cách chống chế, anh lẳng lặng thu xếp dụng cụ và lên giường tiếp tục… nằm đọc sách. Cô vợ nói thòng một câu mát mẻ: “Tưởng gì, việc nhà anh nói anh ra tay là xong tất, bây giờ có xong gì đâu?”.

Nghe nóng mũi chưa? Đối với vợ, cách tốt nhất là chúng ta không nên cãi nửa lời. Anh ta im lặng. Thời gian chậm rãi trôi đi, một ngày nọ bóng đèn bếp lại tắt. Nó hư ở đâu cũng được, nhưng bóng đèn bếp thì kẹt quá. Mỗi chiều ăn cơm, tối hù. Căng lắm.

Cô vợ mới gọi chồng: “Chồng ơi! Anh sửa giùm cái bóng đèn này coi sao”. Anh hào hứng: “Chuyện nhỏ. Anh ra tay ngay”. Sau một hồi mày mò, anh xụi lơ: “Không em à, chịu thôi. Bóng đèn đã hư rồi, không thể nào sửa được, chờ hết giãn cách anh đi mua bóng đèn khác về thay”.

Nói nghe cũng có lý, tuy nhiên cô vợ lại nghĩ: “Nếu bóng đèn này hư, phải có cái khác thay ngay chứ?”. Khó quá. Cô bèn tới ngay chỗ bóng đèn đó, loay hoay một lúc, đột nhiên, đèn lại… lại sáng lên! Thì ra chui đèn bị lỏng thôi.

Nhìn đèn bật sáng, anh cảm thấy hơi bị mắc cỡ. Cô vợ nguýt dài một cái: “Vô tích sự”. Anh cười: “Chuyện điện, chuyện máy móc này nó lằng nhằng lắm, nếu làm gì khác, anh làm được em yên tâm”.

Ngày qua ngày, một hôm cô vợ đang bận công việc, í ới bảo: “Anh ơi! Anh bỏ gạo vào nồi nấu cơm nhá. Dễ lắm. Vo gạo cho sạch bỏ vào nồi, cắm điện là xong. Nhớ chưa?”. Anh cười: “Anh có phải trẻ con đâu mà em phải dặn dò kỹ như thế? Yên tâm, đúng 11g30 nhà mình sẽ có cơm ăn ngon lành. Thức ăn thì tùy em, anh không quan tâm đến”.

“Ừ, cũng được”, cô vợ nghĩ thầm ít ra mình cũng kêu gọi ông chồng làm được một việc gì đó phụ thêm trong những ngày giãn cách quá rảnh rỗi này.

Vâng, đến giờ cơm thì mâm, bát, chén, đũa, thức ăn đã dọn lên đầy đủ, chỉ cần bê nồi cơm qua là xong. Khi cô vợ đến, mở nắp ra thì sao? Nhìn kìa, anh chồng cũng tá hỏa tam tinh: “À, lúc nãy mình… quên nhấn nút nấu”.

Anh mới tìm cách chống chế: “Những việc liên quan đến điện, anh không có hợp với nó, anh không có quen. Thôi thì việc khác lúc nào cần, em cứ gọi anh. Anh không ra tay thì trong nhà này có ai?”, anh nói một cách tự hào. 

Vâng rồi đến một ngày nọ cô vợ bèn nói: “Anh ơi, anh bỏ quần áo, mọi thứ vào máy giặt đi anh à. Mấy hôm nay trời nắng, mình tranh thủ giặt và phơi luôn đi anh”.

Dễ ẹc có gì mà khó. Anh bỏ quần, áo, chăn, màn hầm bà lằng vào trong máy giặt, bỏ thêm xà phòng rồi chỉ làm một động tác rất nhỏ là bấm nút. Vậy là xong. Ai dám nói việc ở nhà là việc khó? Dễ quá, chỉ cần một động tác là xong.

Vâng, là xong. Nhưng sau đó, máy giặt đang chạy bỗng nhiên nó kêu “cà rựt… cà tang”, “cà rựt… cà tang” như vó ngựa mỏi gối trên sa trường. Cô vợ hoảng quá, bước đến coi thì ra anh chồng đã ném tất tần tật vào trong đó từ mền, quần jeans, lụa, váy trẻ em, vớ… khiến máy giặt vận động không nổi bèn ì ạch cà lê cà lết. 

Vâng, chuyện gì xảy ra? Tức là lâu nay, người đàn ông nghĩ rằng những việc trong nhà rất dễ dàng. Có gì là khó đâu. Cô vợ hãy làm những việc đó một cách vui vẻ phụ cho chồng vì công việc của chồng mới là công việc chính. Anh ta phải đến công sở, phải quan hệ xã hội, phải tìm, phải làm biết bao nhiêu việc để đem đồng tiền về nuôi gia đình.

Trong khi đó, việc nhà có gì là khó? Nhưng rồi, qua những ngày giãn cách, anh cảm thấy việc nhà không hề đơn giản.

Vì thế khi đặt câu hỏi ở nhà, có bị vợ la hay không? Tôi nghĩ rằng, hầu hết đàn ông đều bị vợ la nhưng không thể cãi được, vì cái sự la đó quá chính xác, hợp lý. Họ thấy rằng, dù đi Đông đi Tây làm những công việc lớn vá trời đội đất đi nữa thì những công việc nhỏ, rất nhỏ trong nhà phải cần đến người vợ. Và công việc đó không hề dễ dàng đâu. 

Bị vợ la cũng đừng buồn nhé các anh - Ảnh minh họa
Bị vợ la cũng đừng buồn nhé các anh - Ảnh minh họa

Thế thì khi bị vợ la, tôi nghĩ rằng cũng đừng lấy đó làm buồn mà nên nhớ lại một câu thơ: “Tôi muốn cưới em làm vợ/ để dạy dỗ tôi nên người”.

Trong cái sự dạy dỗ đó như thế nào, tôi không biết nhưng chắc chắn người vợ sẽ dạy cho người chồng biết rằng, việc nhà có những việc không là gì cả trong mắt đàn ông nhưng thật ra nó có phần quyết định cho hạnh phúc của mái ấm.

Vậy, đừng bao giờ xem nhẹ nó và người đàn ông khi bị vợ la hãy ngửa mặt lên trời: “Ơ hay vợ mình la mình, chứ vợ hàng xóm đâu mà mắc cỡ”. Nghĩ thế rồi cười. 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI