Nữ y tá chuyển giới đầu tiên ở Georgia nỗ lực chống COVID-19 lẫn định kiến xã hội

27/02/2021 - 06:00

PNO - Ngồi trong văn phòng làm việc tại một bệnh viện tọa lạc ở thủ đô Tbilisi, địa điểm chuyên điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19, nữ điều dưỡng chuyển giới Gabriela Romanova thể hiện một tinh thần lạc quan hiếm thấy. Cho dẫu cô đang ngày đêm cùng đồng nghiệp chống chọi cơn đại dịch tồi tệ nhất đầu thế kỉ 21.

“Mỗi ngày được làm việc tại đây là niềm vui lớn nhất với tôi”, Romanova, 29 tuổi, chia sẻ cùng phóng viên Reuters vào giờ nghỉ giải lao. Cô đảm trách việc giặt giũ và chăm nom những bệnh nhân COVID-19 đang nằm viện.

Gabriela Romanova bên ngoài bệnh viện nơi cô làm việc
Gabriela Romanova bên ngoài bệnh viện nơi cô làm việc

Từ khi đại dịch bùng phát, cuộc sống của Romanova gần như đảo lộn hoàn toàn. Trước đó, trong đợt phong tỏa toàn quốc đầu tiên ở Georgia, cô từng hành nghề bán hoa. Một loạt sự kiện khó tin đã giúp người phụ nữ trẻ tìm thấy cơ hội thực tập, để rồi gắn bó với nghề điều dưỡng.

Tại quốc gia cộng hòa Đông Âu, nơi mà định kiến bảo thủ về sắc tộc và giới vẫn gây sức ép rõ rệt đến đời sống xã hội, người chuyển giới thường có nguy cơ bị gia đình, người thân xa lánh. Thiếu hụt những chính sách phúc lợi – hỗ trợ việc làm công bằng, không ít cá nhân thuộc cộng đồng LGBT như Romanova buộc phải hành nghề dịch vụ tình dục.

Thời điểm làn sóng COVID-19 vừa bùng phát, Romanova cho biết bản thân đã “chật vật để sống sót” giữa khoảng thời gian khốn khó, tương tự vô số phụ nữ chuyển giới khác đang sống tại thủ đô Tbilisi.

“Nếu không nhờ một số hội nhóm nhân quyền giúp đỡ quyên góp chi phí, chúng tôi đã không thể trả nổi tiền thuê nhà, thậm chí mua thức ăn”, cô nói.

Romanova sinh ra ở Kakheti - vùng đất sản xuất rượu vang nổi tiếng thuộc miền đông Georgia. Năm 18 tuổi, khi công khai là người chuyển giới, cô bị gia đình ruồng bỏ. Về sau, Romanova chuyển tới thủ đô Tbilisi, tự mình mưu sinh với hy vọng tạo dựng khởi đầu mới tốt đẹp hơn. Thế nhưng, thực tế khắc nghiệt nhanh chóng “dập tắt” mơ ước ấy.

Poster về đề tài bình đẳng giới trên một con đường ngầm ở Tbilisi, Georgia. Tại quốc gia nông nghiệp, những sự kiện của cộng đồng LGBT hiếm khi được công khai tổ chức do sức ép từ tư tưởng tôn giáo bảo thủ. (Ảnh: Reuters)
Poster về đề tài bình đẳng giới trên một con đường ngầm ở Tbilisi, Georgia. Tại quốc gia nông nghiệp lâu nay vẫn bị chi phối bởi tư tưởng tôn giáo bảo thủ, những sự kiện của cộng đồng LGBT hiếm khi được công khai tổ chức - Ảnh: Reuters

Từng học ngành sâu khấu, lấy cả bằng kế toán nhưng cô không thể tìm thấy công việc nào ổn định. Giải pháp duy nhất còn lại với Romanova là nghề dịch vụ tình dục.

Đầu tháng 5/2020, sau khi chứng kiến nỗ lực đấu tranh của Romanova trong một cuộc biểu tình đòi quyền lợi cho phụ nữ bán hoa, một giám đốc bệnh viện ở Tbilisi, người bấy giờ đang tìm kiếm thêm nhân lực trước nguy cơ bùng phát làn sóng thứ hai của COVID-19, đã đề nghị cô đến thực tập.

“Ban đầu tôi sợ mình sẽ khó thích nghi với môi trường bệnh viện, nhưng may mắn là mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ”, cô nói.

“Thật khó tin rằng tôi có thể tạo dựng mối quan hệ tuyệt vời với những bác sĩ và bệnh nhân tại đây”.

Trước việc kêu gọi vinh danh đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu, những cá nhân đang miệt mài làm nhiệm vụ điều trị cũng như phòng ngừa cơn đại dịch nguy hiểm trên mỗi quốc gia, câu chuyện về Romanova - điều dưỡng viên đầu tiên công khai là người chuyển giới tại đất nước hãy còn nhiều rào cản giới tính, đã khiến truyền thông địa phương đặc biệt chú ý. Bên cạnh đó, cô trở thành chủ đề khơi dậy cuộc tranh luận xoay quanh vai trò của cộng đồng LGBT trong xã hội Georgia đương đại.

Bất ngờ được biết đến nhiều hơn sau buổi phỏng vấn với đài truyền hình địa phương, Romanova vừa được mời vào vị trí thực tập mới, lần này để trở thành y tá chính thức ở một viện nghiên cứu y khoa.

“Romanova từng đối mặt vô số chướng ngại, và giờ đây, cô ấy tiếp tục can đảm đánh đổi sức khỏe, thậm chí mạng sống, trong công cuộc chống lại đại dịch COVID-19”, nhà hoạt động xã hội Keti Bakhtadze đang làm việc cho một hội nhóm LGBT chuyên vận động đấu tranh vì quyền phụ nữ, chia sẻ.

“Đây là điều tôi nghĩ xã hội Georgia nên chú tâm nhìn nhận”.

Romanova hy vọng câu chuyện của cô “có thể giúp mọi người phần nào thay đổi góc nhìn về người chuyển giới”. Dù ngay lúc này, mục tiêu giúp đỡ những cá nhân như cô tìm kiếm công việc và chỗ đứng bình đẳng trong xã hội Georgia vẫn đòi hỏi nỗ lực lâu dài.

“Với người chuyển giới ở đây, thực tế cuộc sống vẫn thế. Chúng tôi vẫn phải đối diện nhiều thử thách”, Romanova bày tỏ.

Như Ý (theo Reuters) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI