Nơi đó, có thế lực mạnh hơn… ma rừng

02/05/2020 - 08:35

PNO - Bao người như bác sĩ Thông, làm nghề y chốn xa này, không phòng mạch khám tư, không phong bì phong bao, không tên tuổi. Tâm và trí của họ lặn vào từng bếp lửa nhà sàn để làm sáng lên niềm tin về một… thế lực khác có thể chiến thắng con ma rừng.

“Xin hỏi câu cuối cùng: bao nhiêu người đã chết trên tay anh?”

Buổi chiều đã già, chập choạng trong loang lổ bóng rừng. Anh lặng đi mấy giây. Ánh đèn phòng không đủ sáng hắt nghiêng khoảng mờ mờ bên kia gương mặt, như cây rừng sắp đi vào giấc đêm. Tôi hỏi vậy, bởi hành trình 34 năm làm bác sĩ ở chốn thâm u cùng cốc biên ải này, chuyện nghề như dốc núi như cánh rừng như con suối chèn nối nhau, liên tu bất tận từ anh. Vẫn chậm rãi, từ tốn lẫn tự tin như bắt đầu cầm dao thực hiện ca mổ, nhưng giọng anh trầm hẳn đi: “Không nhớ hết anh à, chỉ biết nhiều nhất là năm 1989, lúc đó có nạn đào đãi vàng rộ lên giữa lúc dịch sốt rét bùng phát. Thiếu thuốc, dân làm vàng bị nhiều lắm, họ lên cơn co giật rồi chết luôn, mình bất lực”.

Một ca mổ ở Bệnh viện Tây Giang
Một ca mổ ở Bệnh viện Tây Giang

Với người Cơ Tu huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, bác sĩ Nguyễn Huy Thông - giám đốc bệnh viện huyện - vốn không lạ gì. Có chuyện rằng, khi anh chia tay bà con xã Ba Lê để đi học bác sĩ, dân đứng hai bên đường đưa tiễn, người bó rau, kẻ nải chuối, không ít người khóc, bởi họ phải xa đứa con không phải họ đẻ ra, nhưng đã cứu họ, hơn cả là thắp trong họ niềm tin vào viên thuốc và tấm lòng của bác sĩ mới giật được tính mệnh từ tay thần chết. Anh hứa sẽ quay về, mà đúng thật. 

Xuất thân lính quân y hải quân ở Trường Sa, năm 1987, anh vác ba-lô lên huyện Hiên, lúc đó chưa chia huyện thành Đông Giang và Tây Giang. Đi bộ ròng rã một ngày đường từ huyện lên xã rồi tiếp quản trạm y tế với trang bị là một cái ống nghe và mấy viên thuốc kháng sinh. Một ngàn dân, không quen thuốc men, ngập sâu trong hủ tục, ô nhiễm; tiêu chảy, viêm phổi, sốt rét bao vây. Cực quá, vài cán bộ y tế đã bỏ về. “Có ông bị viêm phổi nặng, đưa đếm trạm được hai ngày rồi dân đem về, tổ chức cúng. Sắp chết, tôi vào nói: hãy để tôi chữa mới hết, chứ cúng sẽ chết. Thuốc kháng sinh chỉ mấy viên penicillin, mình phải gom xin thêm từ bệnh viện huyện, cứ thế điều trị. Ông hết bệnh. Dân nhìn mình ngỡ ngàng”.

Chuyện nọ kéo chuyện kia. Nói đến Tây Giang, là sợ lá ngón. Đủ lý do để dùng lá ngón giã biệt cuộc đời, nhưng nhiều nhất là ức chế tình cảm, bị cha mẹ la mắng, quẫn trí. “Không nhớ hết được đã cứu bao người, chắc chỉ bệnh nhân có thể nhớ mình thôi. Có cháu bé này là mình nhớ, đó là con của anh Clau Blao thôn Voòng, xã Tr’Hy. Mình đi công tác về ngang đó thì gặp người nhà cõng nó qua trạm xá. Nó kể do tức cha mẹ, ăn 7 lá ngón. Mình quăng ba-lô, lập tức súc ruột, chích thuốc. Lúc đầu nó không hợp tác, dỗ miết mới chịu. Lần sau nó ăn nữa, nhưng gia đình phát hiện kịp…”. 

Tôi trôi theo dòng nhớ của anh. Vùng Tây Giang là một trong 62 xã nghèo nhất nước. Trên này có 4 xã vùng cao giáp Lào là Gary, Ch’um, Tr’Hy và Axan, được gọi là 4 xã khu 7, đường sá cực kỳ hiểm trở; thiếu thốn trắng mặt. Hồi mới ra trường, tôi đã nghe câu “bất đáo khu 7 phi hảo hán”. Không hảo hán, nhưng tôi đã đến nơi tận cùng của xã xa nhất huyện là thôn Atu, xã Ch’um. Mọi thứ như truyện tranh vẽ những bộ tộc đâu đó sót lại ở châu Phi mới khám phá được. “Mọi thứ đều thiếu, rất nhiều xã trắng trạm y tế anh à”, lời bác sĩ Thông.

Hôm sau tôi hỏi lại phó chủ tịch huyện là Arat Blui, anh nói: “Hồi em còn ở dưới xã A Vương, nhớ trạm y tế là mấy miếng ván đóng bên chái hè của ủy ban; chỉ có một y tá, thiết bị là… cái bình bơm thuốc diệt muỗi vốn là bình phun thuốc trừ sâu”.

Bác sĩ Thông phát thuốc cho người dân
Bác sĩ Thông phát thuốc cho người dân

Ôi nhớ rồi, hồi mới chia huyện năm 2003, tôi lên ngồi với bác sĩ Trương Thần, lúc đó bệnh viện huyện mượn trạm xá xã Lăng để hoạt động, túm tụm trong căn nhà ván đã cũ nát. “Đúng rồi anh, lúc đó tài sản là 9 giường sắt, 3 ống nghe và 2 bộ tiểu phẫu”. Nghèo như đứa con ở núi ra riêng, chỉ có vạt đất bé xíu góc rừng và cái rìu cái rựa, nên sẽ bất ngờ với nhiều người khi nghe bệnh viện ngày 25/9/2017 được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến gửi thư khen, sau khi biết tin đội ngũ y bác sĩ của trung tâm cứu sống sản phụ Bhling Thị B (người Cơ Tu, thôn A Ró, xã Lăng) bị thai ngoài tử cung vỡ. “Lần đó, bệnh nhân bị choáng bởi máu tràn ra ngoài tử cung rồi. Con đường duy nhất là mổ, chuyển viện sẽ chết thôi. Tôi phát lệnh hiến máu, anh em cơ quan tập hợp. May mà cứu kịp”, bác sĩ Thông nói. 

Quá nhiều trường hợp không có máu phải chết hoặc phải chuyển viện, mà ở đây thì không có thiết bị dự trữ, trong khi với tình trạng bệnh đó thì họ thừa sức giải quyết, nên anh quyết định lập ngân hàng máu sống năm 2009, lấy nhóm máu tất cả anh chị em ở bệnh viện, sau đó là lực lượng đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang, cần là huy động. Đây là ngân hàng máu hiếm hoi ở vùng cao Quảng Nam. Nhưng chưa hết, ở đây còn có thêm mấy… hàng độc: có phòng mổ hiện đại nhất miền núi, với máy móc từ phẫu thuật nội soi đến xét nghiệm sinh hóa, máy gây mê kèm máy thở, điện tim, X-quang kỹ thuật số, huyết học… tất cả đều tự động; có đội ngũ bác sĩ nhiều nhất nước tính theo đầu người là 30 bác sĩ/20.000 dân (trung bình cả nước là 6-8 bác sĩ/vạn dân); 6/10 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.

Có lẽ, chỉ có những ai dằng dặc sống với gió núi sương rừng chốn này, mới ngỡ ngàng thấy mọi thứ có ngày sẽ khác đi; sẽ im lặng cười trước cái bĩu môi rằng mấy chục năm rồi, tiến bộ y tế xa lắc lơ, chừng đó ăn thua chi. Nhưng nếu ai biết, từ lúc chia huyện, 16 năm sau xe hơi mới chạy được tới xã cuối cùng, sẽ hiểu câu chuyện nghề y và y bác sĩ chốn này đối mặt với trùng trùng gian khó. 

Và, từ con số không đó họ có ba cách chọn: không làm chi hết, làm cho có, nỗ lực vượt lên. “Chúng tôi nghĩ nát nước, cách tốt nhất là xin thiết bị, hỗ trợ tuyến từ Sở Y tế, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Bắc Quảng Nam, nhưng phải đón đầu là đưa người đi đào tạo liền, máy móc đưa về là ráp vô làm ngay”, vừa nói bác sĩ Thông vừa chỉ tôi thấy căn phòng có thiết bị tập trị liệu phục hồi chức năng: “Ở các huyện miền núi, chỉ Tây Giang có được, do tôi liều mạng viết thư ngỏ xin Lãnh sự quán Úc ở TPHCM, họ cho liền”.

Xin, cũng là nỗ lực, có phải cho mình đâu, nó nằm trong nỗi đau đáu rằng, đích đến cuối cùng là dân phải được chăm sóc và cứu chữa y tế. “Như chuyện chúng tôi dùng xe miễn phí để chở bệnh nhân tới bệnh viện và đưa họ về khi họ phải cấp cứu mà quá khó khăn, tôi nghĩ đơn giản, làm đường là cho dân đi, có đường rồi mà để dân chết vì không có xe cấp cứu là không chấp nhận được. Tôi hay đi cơ sở, nghe bà con đau muốn đi bệnh viện mà không có ăn, thế là tôi xin huyện, lấy nguồn từ tỉnh và huy động các nhà hảo tâm lập nhà ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo”.

Đúng trưa, tôi ghé Khoa Tiêu hóa, kịp ghi bức hình cơm được đưa đến tận giường bệnh. Bác sĩ Thông giải thích, là mùa dịch COVID-19, bệnh nhân tập trung xuống nhà ăn đông là nguy hiểm, thôi cách này là tốt nhất.

“Nhìn lại hả anh, tôi nói thiệt, đó là hành trình vĩ đại. Cái quan trọng nhất là dân đau hay đẻ thì 100% đến trạm xá, bệnh viện; tiêm chủng cho con đầy đủ… chừng đó là thắng rồi. Trên này sợ nhất là chết vì lá ngón, nhưng vài năm qua, anh thấy đó, rất ít, do phát hiện không kịp thôi. Tôi đi nhiều nơi, thấy máy súc ruột hiệu quả, bèn trang bị cho các trạm y tế, nên chữa rất kịp thời cho họ, không như tôi hồi đó, treo cái thùng nước trên cao, đục lỗ nối cái ống rồi luồn vào dạ dày cho người bệnh để súc…”.

Ở đây giáp Lào, anh em gánh thêm nhiệm vụ chữa trị cho dân huyện Kừ Lùm, tỉnh Sê Kông. Họ đau, qua đây chữa trị miễn phí thuốc men, ăn uống, được cho tiền đi về. “Tôi đã đến bản Keo, Chi Tơ xa nhất huyện đó, đến nỗi y bác sĩ bên đó vẫn chưa tới để tiêm phòng, khám bệnh cho dân Lào. Năm 2017, họ bị dịch bạch hầu, anh em băng rừng qua chích ngừa, rồi năm 2018-2019 chích thêm 4 đợt nữa. Họ thiếu thốn, lại giáp mình, dễ lây lan lắm. Tôi bàn với huyện bên đó đưa 6 y bác sĩ qua đây đào tạo để họ về chủ động khám chữa, đỡ gánh cho mình”.

Nghe anh nói, tôi hình dung đôi gánh vượt dốc của họ như trì nặng thêm. Bệnh viện không biên giới, là đây…

Bác sĩ Thông (người đi xe máy) trong một chuyến qua Lào tiêm chủng
Bác sĩ Thông (người đi xe máy) trong một chuyến qua Lào tiêm chủng

Đang dịch, 20/50 y bác sĩ đổ về các chốt biên phòng. Tôi thì nghĩ, ở đây mùa nào cũng là mùa dịch. Dịch đó có tên là thắng cái khổ cực, đối mặt và hóa giải hủ tục, giúp người dân đi qua cửa tử. Khi người nghèo bị bỏ lại và không được chữa trị, thì mọi vinh danh đều vô giá trị.

Bao người như bác sĩ Thông, làm nghề y chốn xa này, không phòng mạch khám tư, không phong bì phong bao, không tên tuổi. Tâm và trí của họ lặn vào từng bếp lửa nhà sàn để làm sáng lên niềm tin về một… thế lực khác có thể chiến thắng con ma rừng. Họ, những người anh hùng áo trắng vô danh. Dân sẽ nhớ họ như người được Giàng đưa xuống. “Tôi về quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nói rằng ba mẹ sinh con ra, nhưng đất Tây Giang nuôi con trưởng thành”, anh nói, mắt không giấu được xúc động.

Hành trình của một đời người, nghĩ cho cùng, đó là cuộc đổi thay của đất… 

Trung Việt

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI