Nỗi đau “mang hình con số”: Thay vì cay cú muốn gỡ gạc, hãy tự tin thiết lập thói quen tích cực

15/08/2022 - 16:04

PNO - Bác sĩ Trịnh Tất Thắng (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM) đã dành cho Báo Phụ Nữ TPHCM một cuộc phỏng vấn về chứng nghiện cờ bạc.

 

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng

Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết các hình thức chơi như đánh bài, đánh đề, đá gà ăn tiền, cá độ đá banh… quá trình nghiện có gì khác nhau hay không?

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng: Các trò chơi kèm cá cược gây nghiện được gọi chung là trò chơi bệnh lý, có quy trình nghiện như nhau. Ban đầu, vì ham tiền, bạn bè rủ rê hay vì hoàn cảnh nào đó khiến buồn chán, người ta tìm đến để khuây khỏa. Khi chơi, não người tiết ra các chất làm cho cơ thể kích thích, hưng phấn, người chơi cảm thấy thoải mái, vui sướng, mất đi cảm giác buồn chán. Như vậy, lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo thành một phản xạ có điều kiện và người chơi cứ lao vào như thiêu thân, chi phối tâm trí, thời gian bởi trò chơi đó.

Dấn sâu vào trò đỏ đen cũng như người sử dụng ma túy. Ma túy thì chích, hít chất từ bên ngoài vào còn nghiện đỏ đen thì cơ thể tự tiết ra. Chơi thì hào hứng, sảng khoái; ngưng chơi thì người vật vã, cáu bẳn, ăn ngủ không ngon, tâm trí chỉ chú tâm vào đỏ đen.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

* Bằng quyết tâm của mình, người mắc chứng nghiện đỏ đen có thể tự cai không, thưa bác sĩ?

- Chính vì các trò chơi đỏ đen tác động cả thực thể chứ không phải chỉ tinh thần nên sự đồng hành của các bác sĩ chuyên ngành tâm thần, chuyên gia tâm lý sẽ giúp cho họ cai hiệu quả hơn. Một thú vui bị tước bỏ khiến họ rơi vào trạng thái buồn chán, hoặc giận dữ, trầm cảm. Nhiều trường hợp bác sĩ phải kê đơn thuốc. Không hiếm người nghiện loay hoay tự cai nghiện. Cuộc chiến với “con ma đỏ đen” thường giằng co và dễ sa vào cái vòng luẩn quẩn của tái nghiện.

Để thoát khỏi sự quyến rũ của các trò chơi bệnh lý này, người trong cuộc đừng cay cú, nặng nề với những gì đã xảy ra trong quá khứ. Cứ tự tin, bình tĩnh xây dựng mục tiêu phấn đấu, thiết lập nếp sống lành mạnh với lao động phù hợp, tập thể thao, theo đuổi đam mê tích cực. Không cần hứa hẹn nhiều, hành động sẽ trả lời và tình cảm của người thân sẽ trở lại với mình.

Có thể lấy tờ giấy, kẻ hai cột, liệt kê tất cả mặt tích cực lẫn tiêu cực, mất mát của trò chơi; từ đó so sánh và tự xác định con đường mới cho mình. Dán tờ giấy này vào chỗ dễ thấy để hằng ngày nhìn vào, nhắc nhở bản thân. Đây là một cách đơn giản nhưng hiệu quả, chớ xem thường và chủ quan, du di kiểu “chơi ít ít có sao đâu mà!”.

* Ngừng chơi đỏ đen trong thời gian bao lâu thì có thể coi là đã dứt được?

- Vấn đề không phải bao lâu mà vấn đề là tinh thần vững, lý trí vững. Do thua đau, cay cú cùng với mặc cảm tội lỗi, người chơi dễ rơi vào trạng thái muốn “phục thù”. Họ nghĩ chỉ cần chơi một cú chót này biết đâu thắng thì sẽ chuộc lại mọi lỗi lầm và vợ/chồng con được nhờ. Mấu chốt là làm sao phải cắt được, tách hẳn mình với cờ bạc. Thắng một ván không chuộc lại được lỗi lầm mà chỉ có giải pháp duy nhất là cải cách bản thân. 

Bi kịch đến từ chỗ họ còn nuôi hy vọng có thể kiếm được tiền từ cờ bạc, bấu víu vào niềm tin không cơ sở và trông mong một xác suất hy hữu. Cũng vì điều này mà họ âm thầm tự xoay xở, tự mượn nợ để gỡ gạc thay vì chia sẻ với người thân và nhờ các nguồn lực an toàn trợ giúp. Họ âm thầm vay nóng, lãi mẹ đẻ lãi con đến mức không kiểm soát nổi, món nợ quá sức, tình thế bí bách họ mới nói ra khi chủ nợ tìm đến. 

Năm nay 64 tuổi, tôi chưa từng gặp một ai giàu có, hạnh phúc nhờ đỏ đen. Kể cả có người nghiện cờ bạc may mắn trúng số độc đắc đến 3-4 lần, tuổi xế của ông ta vẫn lao đao với đồng tiền, vợ con ly tán, công việc dở dang. Ông cha ta từ ngàn năm đã đúc kết: “Cờ bạc là bác thằng bần”.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

* Những gì người thân nên và không nên làm khi “bác thằng bần” trở lại, thưa bác sĩ?

- Nếu còn người thân bên cạnh là một điều may mắn của những người nghiện cờ bạc vì qua nhiều đợt “đổ nợ”, chắc chắn người nghiện đã đánh mất lòng tin và tình cảm của gia đình, dòng họ, đồng nghiệp, bạn bè. 

Sự đồng hành, hỗ trợ của gia đình cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa nhân văn rất lớn. Trên thực tế, đã có không ít ca cai nghiện thành công, kết quả rất khả quan nhờ quyết tâm của bản thân người chơi và được nhà chuyên môn, gia đình giúp đỡ.

Để người nghiện có thể đoạn tuyệt, gieo động lực làm lại từ đầu, người thân đừng đay nghiến chuyện đã qua, nếu càng ác cảm, phân biệt, dằn vặt càng đẩy người lạc bước vào con đường cũ. Không bỏ mặc cũng không tạo điều kiện cho họ ỷ lại, dựa dẫm, đưa đến nguy cơ tái nghiện.

Gia đình nên trò chuyện chia sẻ, giúp họ chí thú làm ăn, tìm lại ý nghĩa cuộc sống đồng thời kết nối các dịch vụ, các đội nhóm để họ vui chơi, giao lưu nâng cao sức khỏe tinh thần. 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI