Nỗi buồn ấy tan đi rất chậm

24/04/2021 - 18:48

PNO - Những đứa trẻ ấy đã lớn lên, đã cố gắng khâu vá những tổn thương cũ, nhưng dù khéo đến đâu vẫn để lại những vết sần sùi không thể liền lạc.

Tôi có ba người bạn có hoàn cảnh rất giống nhau, là những người bị tổn thương vì thiếu hụt tình cha con và tình cờ làm sao, ba người cha ấy qua đời chỉ cách nhau vài tháng. Các bạn tôi đã bước qua tuổi thơ không lành lặn. Khi trưởng thành, chính họ lại tìm cách hàn gắn mối quan hệ với cha mình như một trách nhiệm.

Tôi ngồi với bạn khi việc tang ma đã xong. Biết nói gì bây giờ… Tôi nắm lấy tay bạn, mãi sau mới dám hỏi cảm giác của bạn thế nào. Bạn nói: “Không thể diễn tả. Trống rỗng, lửng lơ. Mang một nỗi buồn kỳ lạ, buồn vì không được buồn”.

Ảnh minh họa

Cùng câu hỏi ấy, hai người kia cũng trả lời giống hệt nhau. “Buồn vì không được buồn”. Câu nói ấy làm tôi suy nghĩ mãi. Cuộc đời giáng cho các bạn một cú thật… dã man, tôi biết san sẻ thế nào để bạn mình nhẹ lòng? 

Bạn thân nhất của tôi, mắt ráo hoảnh nhưng nỗi buồn chất chứa, nói cũng may đã kịp bay về quê thăm cha trước khi ông mất. Ừ, thì cũng đã làm xong việc phải làm: về đám tang, cúng bốn chín ngày, một trăm ngày có mặt đầy đủ.

Lát sau, nước mắt bạn rơi: “Nhưng không phải đây là nỗi buồn mình muốn. Lẽ ra mình phải cảm thấy mất mát nhiều hơn, buồn nhiều hơn như vậy. Bây giờ, mình đang buồn nhưng lại rất tỉnh, mọi thứ về cha đang đi qua như một cuốn phim chiếu nhanh. Những gì mình đã làm cho cha vì bổn phận nhiều hơn vì tình cha con”. 

Có lẽ tôi hiểu phần nào cảm giác mang một “nỗi buồn rất tỉnh” của các bạn. Họ muốn tình cảm dành cho cha mình thật nhiều để được mang một cơn căng thẳng tột độ rằng, phải làm sao để kéo dài sự sống của cha khi ông đang nằm trên giường bệnh hoặc mang một nỗi buồn đau tận cùng xâm chiếm trọn vẹn cơ thể khi cha nhắm mắt lìa xa và mất rất nhiều năm sau đó để quen dần với mất mát ấy.

Giọng thật xa xăm, bạn nói mình không có diễm phúc ấy. Bên linh cữu cha, bạn lạy trả lại khách viếng hoặc khi cầm di ảnh cha ra nghĩa trang mà lòng trống trải; xong việc chôn cất và các thủ tục cúng kiếng, cảm giác như dọn dẹp xong một mối quan hệ để rồi thấy tan biến hết, chẳng để lại nhiều dư âm.

Tôi ước gì trong cuốn phim “review” về mối quan hệ cha con chạy nhanh qua đầu các bạn đã được xóa bỏ những xung đột trước đó, của cha với mẹ và của cha với bạn. Nhưng làm sao điều ước ấy có thể xảy ra?

Bạn tôi vẫn nhớ như in cảm xúc của mình khi cầm bút giúp mẹ viết đơn li hôn để giải thoát cho bà. Bạn tôi vẫn nhớ như in ngày mẹ gửi đứa em nhỏ xíu cho ngoại rồi hai mẹ con lên tàu vào Sài Gòn để tránh những cơn đánh đập chí tử của cha.

Mua xong vé tàu, trong túi mẹ chỉ còn vài ngàn đồng, khi ấy bạn mới học lớp Ba. Bạn tôi vẫn nhớ như in ngay khi mẹ đang được các bác sĩ sốc điện cho tim thì phía bên ngoài, cha đang ầm ĩ chuyện đất cát, tiền nong. Mỗi bạn một câu chuyện mà chuyện nào cũng đau lòng, tâm hồn những đứa trẻ bị chấn thương nặng.

Những đứa trẻ ấy đã lớn lên, đã cố gắng khâu vá những tổn thương cũ, nhưng dù khéo đến đâu vẫn để lại những vết sần sùi không thể liền lạc.

Những năm cuối đời của cha, mọi bất bình đã qua, nhưng tổn thương thì vẫn còn lại, thế nên các bạn thương cha như một trách nhiệm, tự dặn lòng rằng, làm con thì phải thương cha chứ không phải một tình cha con thúc bách tự đáy lòng.

Bạn nói: “Tình cảm chỉ thể hiện từng ấy. Vì mình trung thực với tình cảm của mình nên không thể làm được hơn nữa, như vậy giả lắm”. 

Tôi luôn tin rằng, với một đứa con, tình cha con luôn lớn hơn những mâu thuẫn hay bất bình. Nhưng buồn thay, luôn có những bất bình gây tổn thương nhiều đến mức gạch xóa luôn tình cha con trong trái tim những đứa trẻ, cả khi chúng đã lớn. Ba đứa trẻ là các bạn tôi ngày ấy giờ đã là cha, vội vã học cách làm cha, mỗi ngày từ khi vợ sinh con.

Họ mang một nỗi sợ mơ hồ rằng, rủi đâu trong vô thức, họ lại làm những điều giống cha mình. Họ không cho phép mình làm tổn thương con vì hơn ai hết, họ biết tổn thương sẽ biến thành những nỗi buồn luôn trú ngụ trong lòng con trẻ và sẽ tan đi rất chậm. 

An Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI