Những thay đổi tất yếu để phục vụ dân thời COVID-19

31/12/2021 - 06:48

PNO - Tiếp nhận, trả hồ sơ tự động qua “ATM”, qua email; giải đáp thắc mắc của người dân qua livestream là những giải pháp mà các cơ quan, đơn vị ở TPHCM áp dụng để thích ứng với đại dịch COVID-19. Theo các chuyên gia, trong năm 2022, để nhanh chóng phục hồi kinh tế, các cơ quan công quyền cần tiếp tục cải cách hành chính ở nhiều lĩnh vực.

Tiếp nhận, trả hồ sơ tự động

Sáng 28/12, chị Lưu Yến Ly đến UBND Q.6 để làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Thay vì phải vào bên trong trụ sở gặp cán bộ, chị Yến Ly đến nộp hồ sơ ở máy tiếp nhận và trả hồ sơ tự động. Sau vài thao tác đơn giản trên máy, hồ sơ của chị Yến Ly đã được gửi đi và trả biên nhận.

Chị Lưu Yến Ly đang làm thủ tục hành chính tại máy tiếp nhận và trả hồ sơ tự động 24/7 của UBND Q.6
Chị Lưu Yến Ly đang làm thủ tục hành chính tại máy tiếp nhận và trả hồ sơ tự động 24/7 của UBND Q.6

Chị Yến Ly chia sẻ: “Gia đình tôi buôn bán đã lâu nhưng chưa đăng ký kinh doanh vì ngại đi làm các thủ tục, giấy tờ rắc rối. Hôm nay làm giấy tờ, tôi thấy chiếc máy này quá thuận lợi. Chỉ mất khoảng 10 phút, tôi đã hoàn tất hồ sơ và đóng tiền ngay trên máy luôn. Tôi hy vọng sắp tới, tất cả các loại thủ tục hành chính đều làm trên máy như thế này”.

Gần trưa, bà Mã Bích Ngọc (P.1, Q.6) ghé vào chiếc máy trả hồ sơ tự động để nhận giấy phép xây dựng mà gia đình bà đã đăng ký trước đó. Do bận đi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 nên đến gần trưa, bà Ngọc mới kịp đến UBND Q.6 nhận hồ sơ. Nếu như trước đây, bà Ngọc không thể làm thủ tục hành chính vào giờ nghỉ trưa, còn bây giờ, chiếc máy này tiếp nhận, trả hồ sơ bất kể giờ nào. Sau khi nhập mã biên nhận hồ sơ trên máy, bà Ngọc thấy loại giấy bà cần tự động chạy ra khay hồ sơ. Bà phấn khởi: “Thế này thì thuận tiện quá”.

Được biết, máy “tiếp nhận, trả hồ sơ tự động 24/7” được UBND Q.6 đưa vào hoạt động từ tháng 3/2021. Người dân trong quận có thể thực hiện năm loại thủ tục hành chính trên máy này thay vì đến nộp hồ sơ trực tiếp ở bộ phận “một cửa” như trước đây. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chiếc máy này giúp hạn chế việc tập trung đông người, giúp người dân đỡ vất vả hơn.

Giữa tháng 12/2021, vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Minh (Q.Phú Nhuận) trả xong nợ vay ngân hàng. Để giao dịch căn nhà, anh Minh buộc phải làm hồ sơ xóa thế chấp tại Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn phức tạp, lại thường xuyên bận việc ở cơ quan, anh Minh dự định ủy quyền cho dịch vụ làm thủ tục giải chấp. Đọc thông tin trên mạng, biết được từ giữa tháng 11/2021, Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả đối với hồ sơ đăng ký biện pháp đảm bảo qua email pdk.vpdk@tphcm.gov.vn, anh Minh đã thực hiện và được trả kết quả đúng hẹn.

Anh Minh nhận xét: “Việc giải quyết hồ sơ qua email giúp người dân tiết kiệm được rất nhiều công sức, tiền bạc. Tôi nghĩ, dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài, nên các cơ quan chức năng cần có những cải cách phù hợp như thế này để dân bớt phải đi lại, tiếp xúc với nhiều người”.

Người dân ở Q.6, TP.HCM có thể nộp và nhận kết quả các loại hồ sơ thủ tục hành chính qua máy tiếp nhận và trả hồ sơ tự động 24/7, không cần vào trụ sở gặp cán bộ như trước đây ẢNH: SƠN VINH
Người dân ở Q.6, TPHCM có thể nộp và nhận kết quả các loại hồ sơ thủ tục hành chính qua máy tiếp nhận và trả hồ sơ tự động 24/7, không cần vào trụ sở gặp cán bộ như trước đây Ảnh: Sơn Vinh

Theo báo cáo về công tác cải cách hành chính năm 2021 của UBND TPHCM , trong năm qua, cùng với việc ban hành các chỉ thị, kế hoạch nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, UBND thành phố đã chỉ đạo thay đổi phương thức làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tăng tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính.

Trong năm qua, có 98,12% lượt đánh giá hài lòng với thái độ, chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức qua các thiết bị đánh giá hài lòng (Kiosk, Tablet) đặt tại các đơn vị, 98,36% lượt đánh giá hài lòng về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công qua trang web.

Từ tháng 12/2020 đến tháng 9/2021, các sở, ban, ngành, UBND cấp quận và cấp phường của TPHCM tiếp nhận hơn 12,3 triệu hồ sơ (có hơn 143.000 hồ sơ kỳ trước chuyển qua), đã giải quyết gần 12,2 triệu hồ sơ (trong đó có hơn 1,7 triệu hồ sơ được giải quyết trực tuyến), đang giải quyết hơn 165.000 hồ sơ. 

Người dân đối thoại với chính quyền qua livestream 

Tối 24/8, một ngày sau khi TPHCM bước vào đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch COVID-19, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã phối hợp với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức sản xuất chương trình livestream trên mạng xã hội với tiêu đề “Dân hỏi - Thành phố trả lời”. Trong chương trình này, đại diện chính quyền TPHCM đã giải đáp hàng loạt thắc mắc của người dân về các gói cứu trợ, cách cung ứng thực phẩm, hỗ trợ an sinh, cách liên hệ cơ quan y tế.

Ông Nguyễn Đình Khoa (khu phố 2, P.An Lạc, Q.Bình Tân - nơi tính đến thời điểm đó bị phong tỏa suốt gần ba tháng) cho hay: “Khi nghe tiếp tục giãn cách nghiêm ngặt, tôi rất lo lắng vì không biết sắp tới, mình sẽ sống thế nào, mua thức ăn ra sao. Hôm sau, nghe đại diện chính quyền thành phố giải thích cặn kẽ các vấn đề về cung ứng thực phẩm, tôi mới yên tâm”. Hài lòng với chương trình này nên sau đó, anh Khoa không bỏ sót số nào trong 20 số livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời”. 

Chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” với chủ đề “Đối thoại cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi” thu hút hơn 1,3 triệu lượt xem
Chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” với chủ đề “Đối thoại cùng Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi” thu hút hơn 1,3 triệu lượt xem

Theo Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, tính đến ngày 29/10, có 11.270.000 lượt xem chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời”. Trong đó, có 497.272 người xem chương trình ở cùng một thời điểm, 454.567 lượt thả các biểu tượng cảm xúc vào chương trình, 5.211.228 lượt bình luận trực tiếp, 130.733 lượt chia sẻ chương trình qua mạng xã hội.

Chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” nhận được 27.518 câu hỏi thông qua Google Form và 419.243 câu hỏi thông qua tương tác livestream. Chương trình đã làm cầu nối giúp những người có nhu cầu nhanh chóng nhận được gói hỗ trợ từ chính quyền địa phương và hệ thống mặt trận tổ quốc. Chương trình đã nhận được 1.571.895 đơn điện tử đề xuất hỗ trợ gói an sinh xã hội. 

Bà An Thị Liên Phương - Phó giám đốc Trung tâm Báo chí TPHCM - nhận định: “Chương trình giúp người dân nói lên tiếng nói của mình, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Nhiều vấn đề mà người dân thắc mắc, trăn trở đã được các lãnh đạo thành phố, sở, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương giải đáp ngay tại chương trình, từ đó củng cố thêm niềm tin vào chính quyền thành phố. Thông qua chương trình, lãnh đạo thành phố biết được nguyện vọng, tâm tư, đề xuất của người dân để từ đó, điều chỉnh, triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong người dân”.

Trong buổi làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM với UBND TPHCM về kết quả phòng, chống dịch vào giữa tháng 10/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền và nhân dân TPHCM trong chống dịch COVID-19. Chủ tịch nước cho rằng, chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” đã phần nào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, trong thời gian tới, chương trình livestream dự kiến sẽ được thực hiện với thời lượng mỗi tuần một buổi vào thứ Sáu, trao đổi, giải đáp thắc mắc về những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.

Cần cải cách hành chính ở nhiều lĩnh vực 

Góp ý giải pháp để TPHCM phát triển sau đợt cao điểm bùng dịch COVID-19, tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ - cho rằng, chính quyền TPHCM cần nâng cao hiệu quả hành chính công, quản trị công, theo nguyên tắc “cung cấp dịch vụ hành chính công là trách nhiệm của bộ máy hành chính nhà nước cộng với tinh thần chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”. Điều này đòi hỏi bộ máy hành chính của thành phố thực sự xem việc cung cấp dịch vụ hành chính công cho doanh nghiệp và người dân là trách nhiệm chứ không phải xin - cho. Ông nói: “Cần lưu ý rằng, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TPHCM từ vị trí thứ tám năm 2016 xuống vị trí thứ 14 năm 2020”.

Theo ông, chính quyền TPHCM cần tháo gỡ những vướng mắc về quy trình thủ tục cấp phép đầu tư để nhanh chóng thu hút vốn đầu tư tư nhân; triển khai có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị ở những nội dung phân cấp, phân quyền, sắp xếp bộ máy và chính sách đãi ngộ cán bộ, công chức. Ngoài ra, cũng cần mở rộng phân cấp, phân quyền cho TP. Thủ Đức, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền TP. Thủ Đức, khai thác thế mạnh của TP. Thủ Đức, nơi đóng góp 1/3 GRDP của TPHCM. 

Tiến sĩ kinh tế Phan Bích Thiện - Phó chủ tịch Hội Người Việt Nam ở Hungary - nhận định, trải qua đại dịch COVID-19, ai cũng thấy chất lượng hệ thống y tế là vô cùng quan trọng. Hệ thống y tế cần hiệu quả nhưng tinh giản. Để đạt được điều này, cần chuyển đổi số trong hệ thống y tế. TPHCM cần tiên phong áp dụng việc xây dựng cơ sở dữ liệu (database) chung của người dân. Trước kia, người dân chỉ có sổ khám bệnh nhưng bây giờ, đã có căn cước công dân và số bảo hiểm y tế nên việc xây dựng một cơ sở dữ liệu chung là dễ dàng. 

“Việt Nam có các trạm y tế phường, xã nên phân công cụ thể bác sĩ của trạm chịu trách nhiệm về những loại bệnh nào. Khi có cơ sở dữ liệu, các bác sĩ có thể theo dõi, bổ sung vào cơ sở dữ liệu của bệnh nhân các thông tin về tình hình sức khỏe, bệnh lý, các thuốc cần uống thường xuyên. Để các bác sĩ ở tuyến cơ sở làm việc có trách nhiệm và hiệu quả, cần chính sách đãi ngộ xứng đáng. Như ở Hungary, mỗi bác sĩ khu vực nhận được một khoản tiền cố định hằng tháng trên mỗi bệnh nhân mình phụ trách. Bên cạnh đó, cần kết nối cơ sở dữ liệu giữa trạm y tế với các hiệu thuốc” - tiến sĩ Phan Bích Thiện gợi ý.

Giáo sư Đặng Lương Mô (Đại học Hosei, Tokyo, Nhật Bản) cho rằng, khi bước vào giai đoạn “bình thường mới”, một trong những cải cách mà chính quyền TPHCM cần quan tâm thực hiện là chuyển đổi số. Có thể tham khảo cách làm của Nhật Bản trong vấn đề xây dựng hệ thống chuyển đổi số đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Giáo sư Đặng Lương Mô nhấn mạnh: “Với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, TPHCM nên xây dựng xã hội số với mục tiêu cùng lúc thực hiện thành phố thông minh, thành phố chuyển đổi số, thành phố xã hội số”.

Ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ tịch Tập đoàn 365Group - cho rằng, chỉ số PCI cho thấy những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của TPHCM chưa đủ mạnh, chưa đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển: “TPHCM cần cải tiến thủ tục hành chính ở lĩnh vực cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, quản lý hành chính và đất đai. Cần ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, tránh tình trạng qua nhiều khâu, làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài”.

Theo ông, ở giai đoạn “bình thường mới”, chính quyền TPHCM cần xây dựng, triển khai ngay kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư. Trong đó, cần có thời hạn cụ thể đối với quy trình xử lý hồ sơ; xác định rõ trách nhiệm xử lý hồ sơ của tổ chức, cá nhân; đảm bảo có sự tham gia đóng góp ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp… 

Thích ứng linh hoạt trong năm 2022

Trong báo cáo gửi Bộ Nội vụ về công tác cải cách hành chính, UBND TPHCM cho biết, trong năm 2022, UBND TPHCM sẽ xây dựng và triển khai chương trình cải cách hành chính phù hợp với chủ đề năm đã đề ra là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. UBND TPHCM sẽ nhanh chóng triển khai giải pháp đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, gia tăng số lượng thủ tục hành chính đủ điều kiện tích hợp lên môi trường mạng, nhất là thủ tục hành chính hỗ trợ người dân trong dịch COVID-19, đồng thời sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính theo thẩm quyền để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Khắc phục và cải thiện chỉ số PCI

Văn phòng UBND TPHCM vừa ban hành thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan tại tọa đàm “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TPHCM ”. Theo đó, nhằm khắc phục và cải thiện chỉ số PCI, UBND TPHCM giao các sở, ban, ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch cải thiện và khắc phục những chỉ số thành phần PCI, trong đó đề ra các giải pháp cụ thể, thực chất, các công việc cần làm ngay mang lại hiệu quả rõ ràng, thiết thực cho doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM tổ chức làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để hoàn thiện đề án về bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương của thành phố, trình UBND TPHCM phê duyệt trong quý I/2022.


 Sơn Vinh - Tuyết Dân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI