Những người trẻ tự nguyện nhiễm COVID-19 vì khoa học

08/07/2022 - 06:21

PNO - Họ tham gia “thử nghiệm thách thức” SARS-CoV-2 nhằm giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với vi rút, để từ đó có thể mang lại các loại vắc xin mới và cải thiện phương pháp điều trị.

Không bao giờ thiếu tình nguyện viên trẻ

Paul Zimmer-Harwood thích tham gia những thử thách khắc nghiệt. Năm 2016, khi 24 tuổi, anh đã bơi liên tục 18 giờ để hoàn thành cuộc thi marathon 26 dặm trên đường đua xanh ở Đức. Năm 2019, anh đã hoàn thành Marathon des Sables, một cuộc chạy siêu việt dã kéo dài sáu ngày, dài 156 dặm băng qua các cồn cát, lòng sông khô trong cái nóng như thiêu như đốt của miền Nam Maroc. Cuối năm đó, khi lấy bằng tiến sĩ thần kinh tại Đại học Oxford (Anh), Zimmer-Harwood đã tình nguyện cho muỗi sốt rét đốt nhằm thử nghiệm vắc xin phòng, chống căn bệnh đe dọa tính mạng con người.

Paul Zimmer-Harwood - một người trẻ luôn sẵn sàng tham gia những thử thách khắc nghiệt - ẢNH: UO
Paul Zimmer-Harwood - một người trẻ luôn sẵn sàng tham gia những thử thách khắc nghiệt - Ảnh: UO

Giữa năm 2021, khi các nhà khoa học chiêu mộ những thanh niên khỏe mạnh tự nguyện tiếp xúc với SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, Zimmer-Harwood cũng không ngần ngại. “Tôi gần như đã đồng ý ngay lập tức trong tâm trí”, anh nói. Nghiên cứu này của Đại học Oxford là một trong hai nghiên cứu được chấp thuận trên toàn thế giới về cách thức thử nghiệm SARS-CoV-2 trên người khỏe mạnh. Điều đó giúp định lượng mức độ miễn dịch cần thiết để ngăn ngừa tái nhiễm COVID-19 và có thể giúp tìm ra các vắc xin mới và cải thiện phương pháp điều trị tốt hơn.

Vào tháng 2/2021, nhà miễn dịch học Christopher Chiu - Đại học Imperial College London - và các đồng nghiệp kêu gọi tình nguyện viên khỏe mạnh từ 18-30 tuổi và lập tức nhiều người trẻ đã có mặt. Alastair Fraser-Urquhart chưa bao giờ nhiễm COVID-19 nhưng đang là tình nguyện viên của nhóm “1Day Sooner” hình thành năm 2020 nhằm vận động cho “các thử nghiệm thách thức” trên người để đẩy nhanh quá trình phát triển vắc xin. Năm 2021, khi 19 tuổi, anh được chọn tham gia vào nghiên cứu của Đại học Hoàng gia Anh. Anh nói: “Tôi không chỉ muốn tham gia cống hiến cho nghiên cứu khoa học mà còn để tôn vinh hàng triệu người đã thiệt mạng vì COVID-19”.

Khi những giọt chất lỏng trong suốt chứa một lượng nhỏ vi rút rơi vào mũi, Fraser-Urquhart thú nhận đó là điều đáng sợ nhất mà anh từng làm. “Luôn có rủi ro cố hữu. Nhưng nhóm của giáo sư Chiu đã theo dõi tình trạng của tôi 12 giờ một lần. Họ lấy máu, ngoáy mũi, cổ họng và thực hiện một số xét nghiệm khác trong ít nhất 14 ngày khi các triệu chứng của tôi thuyên giảm”, anh kể.

Thử thách không làm người trẻ tháo lui

Thử nghiệm trên người không phải chỉ xảy ra trong đại dịch COVID-19. Các nhà khoa học đã tiến hành các nghiên cứu tương tự trong nhiều thập niên để tìm hiểu thêm về bệnh sốt rét, cúm, dịch tả và các bệnh truyền nhiễm khác, đồng thời, thử nghiệm vắc xin liên quan. Năm 2015, một nhóm nghiên cứu đã cho 46 người khỏe mạnh tiếp xúc với vi rút cúm để xác định lượng vi rút cần thiết gây ra tình trạng nhiễm cúm từ nhẹ đến trung bình.

Những kiến thức như vậy đã giúp các nhà khoa học kiểm tra vắc xin thử nghiệm sau khi cho những người tham gia tiếp xúc với liều lượng vi rút nhất định. Kathleen Neuzil - nhà dịch tễ học tại Đại học Maryland (Mỹ) - cho biết việc xác định một lượng mầm bệnh an toàn nhưng hiệu quả có thể gây lây nhiễm thường là bước đầu tiên của các nghiên cứu.

Các thử nghiệm thử thách ở người mặc dù có những rủi ro nhưng phù hợp hơn để hiểu được tường tận COVID-19 và vắc xin. Kết quả từ các thí nghiệm tương tự trên động vật có thể không phản ánh chính xác phản ứng của con người đối với bệnh hoặc các phương pháp điều trị. Ưu điểm khác của các “thử nghiệm thách thức” trên người là các nhà khoa học có thể có được ảnh chụp nhanh của hệ thống miễn dịch trước và sau khi nhiễm bệnh. Điều này giúp xác định các yếu tố của hệ thống miễn dịch có thể ngăn một người nào đó bị nhiễm hoặc phát triển các triệu chứng sau khi tiếp xúc với vi rút. 

Tuy nhiên, nhà miễn dịch học Dan Barouch - Trường Y Harvard - lập luận rằng: Những nghiên cứu trên không thể thay thế cho các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. “Theo định nghĩa, một nghiên cứu thách thức trên người là một nhóm dân số nhỏ, được lựa chọn cao, gần như chắc chắn là những người trẻ và khỏe mạnh. Nó sẽ không nắm bắt được chiều rộng và sự đa dạng của loài người”, ông nói.

Hiện tại, các nghiên cứu "thử nghiệm thách thức" COVID-19 chỉ được phê duyệt ở Vương quốc Anh và đang được cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích để cho phép thực hiện ở Mỹ. Và dù thế nào, các nhà khoa học cũng tin rằng khả năng người trẻ tham gia nghiên cứu về COVID-19 sẽ không bao giờ sụt giảm. 

 Nam Anh (theo National Geographic)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI