Những mảnh đời già dìu nhau qua đại dịch

04/10/2020 - 06:04

PNO - Đại dịch gây chết người này không chỉ lấy đi mạng sống của những người lớn tuổi mà còn gián tiếp gây ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức cộng đồng đang hỗ trợ họ.

Trước đại dịch, Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo cho biết 43% người trên 60 tuổi thừa nhận rằng họ cảm thấy cô đơn. Và đại dịch COVID-19 đang làm cho vấn đề đó ngày càng trở nên tồi tệ hơn nhiều.

Bà Blanche Romey sống trong tầng hầm của căn nhà cùng với người chồng 83 tuổi, ông Vance - người đàn ông đang chiến đấu với căn bệnh ung thư. Hai cô con gái cùng ba cháu gái của ông bà sống gần đó và Romey dành phần lớn thời gian để sang thăm hàng xóm và kiểm tra tình trạng sức khỏe của những người sống quanh mình mỗi ngày nhằm chắc rằng cho đến lúc ấy, những người bạn già của bà vẫn khỏe mạnh, đủ sức trụ vững trước vi-rút Corona.

Ngày 29/5, bà Blanche Romey (ngoài cùng bên phải) đã ngừng công việc tình nguyện viên (chuyên tổ chức phân phát thức ăn miễn phí cho người già) mà bà đã gắn bó suốt 30 năm qua tại Trung tâm cộng đồng Duncan Genns Apartments. Giai đoạn cách ly COVID-19 đã ngăn nhiều người lớn tuổi mạo hiểm rời khỏi nhà của họ, ngay cả khi chỉ để mua những nhu cầu thiết yếu. Cũng từ đây, bà lão 80 tuổi bắt đầu một hành trình mới cũng gắn với sứ mệnh vì cộng đồng mà bà đã lựa chọn suốt mấy chục năm qua - Ảnh: Sarah Blesener
Ngày 29/5, bà Blanche Romey (ngoài cùng bên phải) đã ngừng công việc tình nguyện viên (chuyên tổ chức phân phát thức ăn miễn phí cho người già) mà bà đã gắn bó suốt 30 năm qua tại Trung tâm cộng đồng Duncan Genns Apartments. Giai đoạn cách ly COVID-19 đã ngăn nhiều người lớn tuổi mạo hiểm rời khỏi nhà của họ, ngay cả khi chỉ để mua những nhu cầu thiết yếu. Cũng từ đây, bà lão 80 tuổi bắt đầu một hành trình mới cũng gắn với sứ mệnh vì cộng đồng mà bà đã lựa chọn suốt mấy chục năm qua - Ảnh: Sarah Blesener

Ngay cả khi số ca tử vong vì dịch COVID-19 ở Mỹ ngày càng tăng vọt, bà Romey vẫn duy trì thói quen hằng ngày của mình là tập thể dục, cầu nguyện, làm tình nguyện viên, đi kiểm tra hàng xóm, luôn mặc quần áo ấn tượng và đội những chiếc mũ sặc sỡ để… giúp cuộc đời này thêm màu sắc tươi sáng...

“Tôi thấy rõ sự cô lập và trầm cảm đang ảnh hưởng đến một số người trong khu vực của tôi như thế nào. Tôi khuyên họ hãy cầu nguyện và ra khỏi nhà. Tôi nói với họ rằng bạn không thể lúc nào cũng bị giam cầm…" - bà Romey bày tỏ sự cảm thông với những người già neo đơn đang ngày một cảm thấy cô độc hơn khi buộc phải tự cô lập bởi lệnh giãn cách do đại dịch.

Sức sống của cụ bà 80 tuổi Romey là điển hình cho nghịch lý cuộc sống của những người lớn tuổi trong đại dịch COVID-19. Trong suốt chiều dài cuộc đời, nhiều người già trong số này đã trải qua những chấn thương tâm lý và thể chất nặng nề mà theo lý thuyết là sẽ giúp họ đủ nghị lực để vượt qua việc tiếp tục bị cô lập do COVID-19.

Tuy nhiên, những trải nghiệm sống gần cả cuộc đời vẫn không thể giúp họ tránh khỏi nguy cơ bị nhiễm và tử vong do COVID-19. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính rằng cứ 10 ca tử vong do COVID-19 thì có 8 người thuộc nhóm trên 65 tuổi. 

Ông Matthew Smith, phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Texas A&M, đồng giám đốc Trung tâm Sức khỏe Dân số và Người cao tuổi của trường, nói rằng tình trạng dễ bị tổn thương về thể chất càng khiến người già dễ trầm cảm và lo lắng.

Bà Romey rời khỏi nhà một người hàng xóm sau khi đến kiểm tra và biết chắc rằng họ vẫn ổn, ít nhất là cho đến thời điểm này
Bà Romey rời khỏi nhà một người hàng xóm sau khi đến kiểm tra và biết chắc rằng họ vẫn ổn, ít nhất là cho đến thời điểm này

“Việc phong tỏa để phòng ngừa COVID-19 đã cướp đi những công cụ giúp nhiều người cao tuổi tiếp tục hoạt động và duy trì đời sống cả thể chất lẫn tinh thần. Những con người dễ bị tổn thương ấy không được đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe, không được nhận thức ăn miễn phí, không thể tương tác với các trung tâm cộng đồng và câu lạc bộ…” - ông Smith nói.

Cùng với thực tế là do lệnh giãn cách, nhiều người cao tuổi không thể dành thời gian cho các thành viên thân thiết trong gia đình và ngược lại, phó giáo sư Smith nói rằng cần phải theo dõi kỹ càng tình trạng sức khỏe tâm thần của những người ở độ tuổi này.

“Một cái ôm luôn có rất nhiều ý nghĩa. Nó có thể giúp giải tỏa căng thẳng và đối với nhiều người cao tuổi, việc đánh mất nguồn cảm xúc ấy có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Khi một người lớn tuổi có mục đích sống, đó là động lực để họ tiếp tục sống. Khi họ có ý thức đóng góp cho xã hội, điều này sẽ giúp họ có thêm động lực" - ông Smith nói.

Những chiếc túi giấy chứa đầy trái cây, rau củ và các thực phẩm khác tại vườn Phoenix gần đó sẽ được các tình nguyện viên chuyển đến các gia đình có người lớn tuổi neo đơn trong cộng đồng. Chương trình bắt đầu khi đại dịch xảy ra và hiện có 68 người được nhận phần thực phẩm này hằng tuần
Những chiếc túi giấy chứa đầy trái cây, rau củ và các thực phẩm khác tại vườn Phoenix gần đó sẽ được các tình nguyện viên chuyển đến các gia đình có người lớn tuổi neo đơn trong cộng đồng. Chương trình bắt đầu khi đại dịch xảy ra và hiện có 68 người được nhận phần thực phẩm này hằng tuần

Romey không hình dung việc mình sẽ ngừng gặp gỡ mọi người ngày ngày bởi bà cảm nhận được rằng, còn quá nhiều hàng xóm đồng trang lứa với bà rất cần sự động viên khích lệ từ người khác. Và đôi khi, thứ họ cần chỉ đơn giản là một nụ cười, một cái ôm, một câu chào hỏi… đủ để họ biết rằng mình vẫn còn được quan tâm, được yêu thương… dẫu tình yêu ấy đến từ một bà lão hàng xóm lớn tuổi.

“Tôi có thể hiểu được sự cô đơn và đó là lý do tại sao tôi vẫn đang làm những gì tôi cần làm. Là một bà già, tôi đau nhức, tôi mỏi mắt nhưng tôi tạ ơn Chúa, tôi phải tiếp tục động viên họ. Họ cần sự giúp đỡ và tôi cần biết rằng họ vẫn ổn. Và tôi xem đây là lẽ sống cuối đời mình, để tôi thấy mình vẫn còn ý nghĩa" - bà Romey nói. 

Bà Pauline Brown và bà Blanche Romey cùng nhau đi bộ về nhà sau chuyến thăm nhà thờ Giám mục thánh Thomas ở khu Bushwick, quận Brooklyn, thành phố New York. Hai người phụ nữ ấy sống cách nhau một dãy nhà và cố gắng kiểm tra tình trạng sức khỏe của nhau bất cứ khi nào có thể, để đảm bảo rằng người kia vẫn ổn
Bà Pauline Brown và bà Blanche Romey cùng nhau đi bộ về nhà sau chuyến thăm nhà thờ Giám mục thánh Thomas ở khu Bushwick, quận Brooklyn, thành phố New York. Hai người phụ nữ ấy sống cách nhau một dãy nhà và cố gắng kiểm tra tình trạng sức khỏe của nhau bất cứ khi nào có thể, để đảm bảo rằng người kia vẫn ổn

Nhiếp ảnh gia Sarah Blesener muốn ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống đời thường của những người lớn tuổi đang đấu tranh từng ngày để chống chọi với đại dịch COVID-19. Cô tìm đến bà Blanche Romey và thuê tầng trên cùng của nhà bà để ở, với mong muốn có được những trải nghiệm chân thật nhất về người phụ nữ đặc biệt này. Điều này đã giúp Blesener có cơ hội tiếp cận bà và ghi lại nhiều khoảnh khắc ý nghĩa của một con người đầy thú vị.

“Tôi thực sự cảm thấy kiệt sức khi chứng kiến quá nhiều người ra đi vì COVID-19. Tôi đã tự hỏi làm thế nào để chúng tôi tạo ra được những hình ảnh trực quan vượt ra ngoài việc đưa tin đơn thuần và rồi may mắn thay, tôi gặp được bà Romey. Chỉ đơn giản qua những công việc hằng ngày, bà lão 80 tuổi này đã để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm về nghị lực sống mạnh mẽ…” - nữ nhiếp ảnh gia Blesener nói.

Tú Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI