Những đứa trẻ “vô hình”

10/05/2025 - 13:53

PNO - Toàn thế giới đang có 150 triệu trẻ em không được ghi chép ngày sinh hay có giấy khai sinh, các em là những đứa trẻ “vô hình”, đứng trước nguy cơ bỏ lỡ các dịch vụ y tế, giáo dục và những sự bảo vệ quan trọng khác.

Khoảng 150 triệu trẻ em trên thế giới đang “vô hình” trước hệ thống phúc lợi xã hội  - Ảnh minh họa: kohei_hara (iStock)
Khoảng 150 triệu trẻ em trên thế giới đang “vô hình” trước hệ thống phúc lợi xã hội - Ảnh minh họa: kohei_hara (iStock)

Trẻ không có giấy khai sinh

Vào tháng 3/2025, chính quyền Malaysia đã bắt giữ 10 cá nhân có liên quan đến một tổ chức làm giả giấy khai sinh dính líu đến nạn buôn người. Tiến sĩ Sophie Lemiere - nhà nhân chủng học chính trị và nghiên cứu viên tại trường College de France ở Paris (Pháp) - nhận định, vụ việc này là biểu hiện của một vấn đề lớn: một hệ thống thiếu quan tâm đến trẻ em bị bỏ rơi và được nhận nuôi.

Hiến pháp Malaysia đảm bảo quyền công dân cho trẻ em bị bỏ rơi (trẻ em được xem là bị bỏ rơi khi không có cha mẹ rõ ràng). Tuy nhiên, trên thực tế, các công chức thường không áp dụng quy định này do thành kiến ​​cá nhân hoặc những nỗi sợ vô căn cứ.

Một số người tin rằng việc cấp quyền công dân cho trẻ bị bỏ rơi sẽ “tạo tiền lệ xấu” cho những ca sinh con ngoài giá thú, trong khi những người khác nghi ngờ trẻ em bị bỏ rơi có thể là con của những người di cư bất hợp pháp. Kết quả là hàng ngàn trẻ em lớn lên trong tình trạng không quốc tịch, “vô hình” trước hệ thống phúc lợi xã hội và dễ bị bóc lột.

Không có giấy khai sinh, những đứa trẻ này không thể đến trường, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc chứng minh danh tính của mình. Khi đến tuổi trưởng thành, việc thiếu giấy tờ khiến chúng không thể có việc làm chính thức, nhiều trường hợp phải tìm đến lĩnh vực lao động không chính thức và thậm chí là bất hợp pháp.

Một báo cáo do Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố vào tháng 12/2024 cho thấy, 150 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu vẫn chưa được đăng ký khai sinh và không được các hệ thống chính quyền biết đến. Báo cáo cũng cho biết có hơn 50 triệu trẻ em được ghi nhận ra đời nhưng lại không có giấy khai sinh.

Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết: “Đăng ký khai sinh đảm bảo trẻ em được pháp luật công nhận ngay lập tức, tạo nền tảng để bảo vệ trẻ khỏi bị tổn hại và bóc lột, cũng như tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như vắc xin, chăm sóc sức khỏe và giáo dục”.

Cần hỗ trợ những thai phụ dễ tổn thương

Nhiều gia đình trên thế giới khó tiếp cận giấy khai sinh do phải đối mặt với các rào cản từ tình trạng quan liêu, khoảng cách địa lý xa, thiếu hiểu biết về quy trình đăng ký, không đủ khả năng chi trả chi phí gián tiếp quá cao, ở một số nơi còn là phân biệt đối xử dựa trên giới tính, dân tộc hoặc tôn giáo.

Tại tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa, Pakistan, nhiều báo cáo trong giai đoạn 2016-2020 cho thấy chỉ có 29% trẻ em gái sinh ra ở tỉnh này được đăng ký khai sinh. Giáo sư Anoosh Khan - Chủ tịch Khoa Nghiên cứu giới tại Đại học Peshawar (Pakistan) - nhấn mạnh đến sự chênh lệch giới tính trong đăng ký khai sinh.

Theo ông, sự miễn cưỡng của các gia đình trong việc đăng ký khai sinh cho con gái đã tước đi các quyền cơ bản của trẻ em gái, bao gồm quyền tiếp cận giáo dục, quyền bỏ phiếu và quyền thừa kế.

Ông giải thích: “Ở những vùng xa xôi, cha mẹ thường không nhận ra tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh cho trẻ em gái. Nguyên nhân chủ yếu là do họ không hình dung được tương lai mà con gái họ có thể đi làm, đi học hoặc đi du lịch nước ngoài”.

Theo tiến sĩ Sophie Lemiere, hình phạt đối với hành vi bỏ rơi trẻ em có thể làm trầm trọng thêm vấn nạn những đứa trẻ “vô hình”. Nỗi sợ bị truy tố khiến các bà mẹ - thường là những người độc thân và dễ bị tổn thương - bỏ rơi trẻ sơ sinh trong điều kiện sinh nở không an toàn thay vì đến các bệnh viện và thực hiện thủ tục khai sinh.

Ở Malaysia, hành vi này được gọi là “bỏ rơi trẻ sơ sinh”, với khoảng 60% trẻ bị bỏ rơi được tìm thấy đã chết. Trích dẫn trường hợp của Morocco, tiến sĩ Lemiere cho rằng chính phủ nên hỗ trợ những thai phụ dễ tổn thương hoặc cung cấp các giải pháp thay thế an toàn.

Trong hình mẫu từ Morocco, những bà mẹ không thể nuôi con có thể giao chúng cho cơ quan xã hội dưới sự giám sát của tòa án, thay vì bỏ rơi chúng trong điều kiện nguy hiểm. Sau đó, nhà nước sẽ tiếp nhận quyền nuôi con, lập hồ sơ cho trẻ và tạo điều kiện cho việc nhận con nuôi hợp pháp.

Hệ thống này tuân thủ các công ước quốc tế về quyền trẻ em, giúp làm giảm đáng kể tình trạng bỏ rơi trẻ em trên đường phố và cải thiện phúc lợi trẻ em.

Linh La (theo CNA, UNICEF, the Express Tribune, Yahoo)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI