Những đứa trẻ sống bằng phế liệu, kim loại rỉ sét

30/08/2022 - 09:48

PNO - Gần một nửa số trẻ em ở đất nước Zimbabwe đã phải bỏ học để kiếm việc làm đổi thức ăn qua ngày từ những đồng tiền ít ỏi. Trong đó, số trẻ sống bằng nghề thu gom sắt vụn, nhặt ve chai, phế liệu ở những bãi rác ngày ngày nhiều.

 

Các bé trai phải vật lộn để kiếm sống bằng cách giao sắt vụn cho một bãi đất ở Hopley gần thủ đô Harare của Zimbabwe. Ảnh: Nyasha Chingono
Các bé trai phải vật lộn để kiếm sống bằng cách lượm sắt vụn tại một bãi đất ở Hopley gần thủ đô Harare của Zimbabwe 

Với cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc, Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho biết 47% thanh thiếu niên Zimbabwe hiện đã bỏ học. Hầu hết trẻ em đã không được đến lớp kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu và không quay trở lại nữa do không có cái ăn, lấy gì có tiền để đi học.

Điển hình là Colin Mapuranga, 15 tuổi và anh trai Mike dành cả ngày ở bãi phế liệu. Trong chiếc áo phông và quần đùi rách, Colin và Mike đã vác bao phế liệu nặng 30kg để đổi lấy 10 USD. “Nó không dễ mà có được. Chúng tôi phải thức dậy sớm và đi bộ hàng giờ để tìm kiếm kim loại, phế liệu", Colin nói và nhét những tờ tiền vào túi quần. 

Với số tiền này, hai anh em sẽ dùng để mua thức ăn trong ngày cho cả gia đình. Hiện tại, học phí là một thứ xa xỉ mà họ không thể có được. “Chúng tôi phải làm việc chăm chỉ hơn. Có thể một ngày nào đó chúng tôi sẽ đủ khả năng để đi học lại. Cha mẹ chúng tôi đã chết cách đây 3 năm. Chị gái của chúng tôi năm nay 18 tuổi, không thể trả các khoản chi phí của chúng tôi. Chị ấy thức dậy mỗi ngày để tìm kiếm việc làm. Vì vậy, chúng tôi phải giúp chị nếu không chúng tôi sẽ chết đói bởi chúng tôi hầu như không đủ ăn", Colin nói.

Lạm phát ở Zimbabwe đã chạm mức 192% vào tháng 6, và tất cả những người rất giàu cũng đều đang gặp khó khăn. Chính vì thế, việc người nghèo và trẻ nhỏ đói khát là chuyện không thể tránh khỏi.

Theo Cơ quan Thống kê Zimbabwe, một gia đình trung bình ở đây cần 120.000 ZWD (hơn 300 USD) mỗi tháng để tồn tại. Đây là một số tiền vượt quá tầm với của nhiều người. Trong khi giá lương thực tăng, đồng tiền lại mất giá khiến hàng triệu người phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.

Colin Mapuranga ngồi trên đống kim loại trong một bãi phế liệu gần Hopley, một khu định cư bên ngoài Harare. Ảnh: Nyasha Chingono
Colin Mapuranga ngồi trên đống kim loại trong một bãi phế liệu để tìm kiếm những gì cần bán

UNICEF ​​nói rằng gần 1/3 trẻ từ 5-17 tuổi ở nước này tham gia lao động để kiếm tiền mua cái ăn. “Chúng tôi hầu như không đủ ăn, nhưng công việc lượm kim loại này đã giúp chúng tôi sống qua ngày. Một số ngày còn khó khăn hơn, nếu không kiếm được nhiều, bạn có thể nhận được ít nhất là 3 USD", Colin nói thêm.

Khi hai anh em Colin rời bãi phế liệu cũng là lúc Jeremiah Magunda, 42 tuổi và ba con trai của ông, tất cả đều dưới 15 tuổi, đến để bán số phê liệu họ mới kiếm được. Sau khi nhìn số cân, cả 4 cha con vô cùng thất vọng vì cả ngày chỉ kiếm được khoảng 7 USD. “Tôi đến đây cùng các con trai để thử vận ​​may. Chúng tôi đang chịu đựng từng ngày. Tôi đã từng là một thợ đào vàng, nhưng vì tôi bị thương ở ngón tay nên tôi không thể tiếp tục", Magunda nói.

Mercy Muzvidzwa đếm tiền sau khi giao hàng với các con
Mercy Muzvidzwa đếm những đồng tiền ít ỏi sau khi cùng các con kiếm cả ngày trời

Xa xa, Mercy Muzvidzwa, 42 tuổi, đang đẩy một chiếc xe cút kít chở phế liệu cùng hai con của mình. Họ thức dậy lúc 5 giờ sáng để lùng sục các khu dân cư xung quanh. Đây là nguồn thu nhập duy nhất của mẹ con cô. “Tôi đã làm điều này trong bốn năm qua. Là phụ nữ, thật khó để mang vác theo những vật kim loại nặng nhưng tôi không có lựa chọn nào cả", cô nói.

Ông Fungai Mataga, chủ bãi phế liệu thừa nhận, trẻ em trong độ tuổi đi học là nguồn cung cấp chính của mình. “Chúng tôi có rất nhiều trẻ em và phụ nữ đến đây hàng ngày để bán sắt vụn. Họ vẫn còn sức để đi lại. Tôi mua tất cả sắt vụn ở đây rồi bán lại cho các nhà sản xuất thép nhưng lợi nhuận không nhiều. Xung quanh tôi, ai cũng phả kiếm từng đồng để mua cái ăn hàng ngày. Tương lai ư, chúng tôi không biết", ông nói.

Trọng Trí (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI