Những đứa trẻ mệt nhoài cùng bố mẹ vượt ngàn cây số hồi hương

30/07/2021 - 06:50

PNO - Chị Xồng Y Bi (27 tuổi, trú xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) nói: “Tội con lắm. Nhưng không có cách chi khác, ở lại thì không trụ được nữa vì hết tiền rồi”.

Hàng trăm người chạy xe máy về quê mỗi ngày

Sáng 29/7, từng tốp người đi xe máy với đồ đạc lỉnh kỉnh phía sau, nối đuôi nhau vượt qua cầu Bến Thủy (nối liền 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) để trở về quê nhà sau hành trình gần 1.500km kéo dài gần 3 ngày đêm. Phần lớn những người này là lao động phổ thông ở các tỉnh miền Nam thất nghiệp nhiều tháng qua, kéo nhau về quê tránh dịch.

Khi tới chốt kiểm soát ở cầu Bến Thủy 1, tất cả đều phải dừng lại đo thân nhiệt, khai báo y tế. Sau hoàn thành, họ được cán bộ tại đây cho tiếp tục hành trình, và không quên căn dặn về trạm y tế xã ở quê khai báo, cách ly theo quy định.

Từng tốp người chạy xe máy từ miền Nam về Nghệ An lần lượt đến chốt kiểm soát khai báo y tế
Từng tốp người chạy xe máy từ miền Nam về Nghệ An lần lượt đến chốt kiểm soát khai báo y tế

“Xong hết rồi, mẹ mi cho con bú chưa để đi tiếp. Còn gần 300km nữa đó” - anh Lầu Bá Ha (32 tuổi, trú xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) nói rồi giúp vợ soạn sửa lại chiếc chăn dùng để buộc cậu con trai mới 7 tháng tuổi lên người vợ. Anh Ha cho biết, đoàn của mình có gần 50 xe, xuất phát từ Đồng Nai từ 26/7.

Tuy nhiên, khi đi được nửa chặng đường thì nhóm của anh Hà chỉ còn lại 7 xe. “Bọn em do có con nhỏ nên không chạy nhanh, lại phải thường xuyên nghỉ để tránh bớt nắng cho cháu nên đi chậm hơn” - anh Hà nói.

Đoàn 7 xe máy của anh Hà gồm 7 gia đình. Trong đó, có những cặp vợ chồng phải đèo theo 2 cháu nhỏ, có cháu thậm chí chỉ mới vài tháng tuổi. Dùng tay cào vội mái tóc rối như tơ vò sau chuyến hành trình dài, chị Xồng Y Bi (27 tuổi, trú xã Nậm Càn) nói: “Tội con lắm. Nhưng không có cách chi khác, ở lại thì không trụ được nữa vì hết tiền rồi”.

Khoảng trống trên xe máy đều được chất kín hành lý
Khoảng trống trên xe máy đều được chất kín hành lý

Trong lúc các ông bố đang khai báo y tế, những đứa trẻ được lực lượng trực ở chốt kiểm soát mang sữa, bánh mì cho ăn. Mệt nhoài sau chuyến hành trình dài, những đứa trẻ đang tuổi hiếu động chẳng còn thiết trêu đùa nhau, chỉ còn một tay ôm chân mẹ, một tay cầm hộp sữa.

“Cũng sợ lây dịch nên trước khi lên đường về, chúng tôi chuẩn bị sẵn thức ăn khô, sữa, bánh mì chất lên xe” - một nữ công nhân nói. Theo chị, ăn uống dọc đường không phải là vấn đề lớn, mà cực nhất là tìm được chỗ nghỉ ngơi, nhất là khi có con nhỏ đi cùng.

Nhiều trẻ nhỏ mới vài tháng tuổi được mẹ dùng địu bế em bé hoặc chăn buộc vào bụng
Nhiều trẻ nhỏ mới vài tháng tuổi được mẹ dùng địu hoặc chăn buộc vào bụng

Một cán bộ tại chốt kiểm soát cầu Bến Thủy 1 cho biết, những ngày  qua, trung bình mỗi ngày có trên 100 xe máy chạy từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch. Những người này phần lớn là lao động từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... trở về quê tránh dịch.

Bỏ “quên” vợ con giữa đường về quê

Chiều 29/7, anh Xồng Bá Định (21 tuổi, trú xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) cho biết, vợ và con đã về tới địa phương để cách ly sau khi được cơ quan chức năng hỗ trợ vé tàu từ Thừa Thiên - Huế về Nghệ An.

Anh Định là người bố được cộng đồng mạng nhắc đến nhiều ngày qua khi “bỏ quên” vợ con ở Thừa Thiên - Huế trong chuyến hành trình chạy xe máy từ Bình Dương về Nghệ An.

Mệt nhoài sau chuyến hành trình dài
Mệt nhoài sau chuyến hành trình dài
Tranh thủ cho con bú mỗi lúc nghỉ ngơi
Tranh thủ cho con bú mỗi lúc nghỉ ngơi

Người đàn ông 21 tuổi này cho hay, đầu năm 2021, vợ chồng anh đưa theo 2 con nhỏ vào thuê trọ tại huyện Bàu Bàng (Bình Dương) để làm thuê. Anh Định làm ở công ty gỗ, còn vợ anh ngày nào gửi được con thì mới đi làm thuê.

Dịch COVID-19 bùng phát ở Bình Dương khiến vợ chồng Định rơi vào cảnh thất nghiệp, cuộc sống gia đình 4 người vốn đã khó khăn nay càng thêm chật vật. Sau nhiều đêm bàn bạc với nhau, tối 24/7, Định quyết định đưa vợ con về quê tránh dịch bằng xe máy.

Khi về đến đèo Hải Vân, anh Định và đoàn công dân được cơ quan chức năng dùng xe ô tô trung chuyển qua địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế để tránh lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, do chút hiểu nhầm nên sau khi xuống khỏi xe trung chuyển, anh Định đã lấy xe máy chạy thẳng về quê ở Nghệ An.

Mang theo con nhỏ, hành trình hồi hương của những gia đình này thêm vất vả hơn
Hành trình hồi hương của những gia đình có con nhỏ càng thêm vất vả 

“Lúc đó tôi đi cạnh một người ở cùng quê Kỳ Sơn. Vợ tôi không có điện thoại còn vợ người kia có điện thoại nhưng cũng hay hỏng. Tôi đi qua đèo Hải Vân trước và gọi điện thoại thì vợ nói là chưa đi, đang làm thủ tục và tí nữa sẽ được chở về quê luôn” - anh Định nói.

Về tới chốt kiểm soát ở cầu Bến Thủy 1, anh vào xin sạc nhờ điện thoại rồi kiểm tra thì mới hay vợ con mình vẫn còn ở Thừa Thiên - Huế. “Hoảng quá, tôi trình bày sự việc với các cán bộ tại chốt và sau đó được các cơ quan chức năng hỗ trợ đưa vợ con về” - anh Định cho hay.

Đến nay, đã có gần 10.000 người đang ở các tỉnh phía Nam đăng ký được trở về Nghệ An thông qua website: dangkyveque.nghean.gov.vn. Trong đó, gần một nửa là người lao động ở TPHCM. Dự kiến, đầu tháng 8/2021, Nghệ An sẽ bắt đầu đón công dân về quê đợt 1 với số lượng khoảng 1.000 người.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI