Những điều chưa kịp

19/02/2019 - 17:00

PNO - Anh như người bước hụt và rơi vào khoảng đen u tối khi nghe tin mẹ mất. “Trễ rồi”, anh lẩm bẩm như vừa tỉnh cơn mê.

Sau mỗi cái tết, người ta thường lắng lòng lại để nhìn về những điều đã qua và đang đến. Khoảnh khắc ấy, vẫn như bao cột mốc thời gian trong cuộc đời, nhưng nó mang ý nghĩa khác về sự đổi thay, biến chuyển và dễ khiến lòng người chênh chao nhất. 

Sẽ có những khoảnh khắc ngồi lặng ngắm những cánh hoa vương vãi bên thềm nhà, nghĩ về cảnh đầm ấm cả nhà bên nhau đón giao thừa… mới đó thôi mà giờ đã thuộc về quá khứ. Có những điều chưa kịp nói với nhau, có những việc chưa kịp làm cho nhau…
Anh bạn của tôi giọng run run báo tin mẹ anh vừa mất hôm mùng Bốn tết vì đột quỵ. Tôi hiểu, trong mớ vỡ vụn tan tác của lòng anh hiện giờ không chỉ là sự tiếc thương mẹ, mà còn là cảm giác hối hận day dứt vì chưa kịp làm cho mẹ những điều bà mong chờ. 

Trước tết, mẹ anh bảo nhớ về sớm đưa bà đi chợ mua bánh mứt và dạo chợ hoa xuân cùng bà. Công ty anh nghỉ tết từ 25 tháng Chạp, nhưng anh phải ở lại đưa người yêu đi sắm quần áo, đi thăm hỏi và gửi quà cho đối tác, khách hàng lớn. Mất thêm một ngày nữa để về nhà người yêu chào hỏi và gửi quà vì tết không đến được. Đến khi mọi cửa ngõ ra vào thành phố đều đông nghịt, anh vội vàng phóng lên chiếc xe dù về quê thì đã hết ngày 29 tết. Chợ hoa ngày 30 tết cũng hết vui rồi; bánh mứt, dưa, quýt cũng đã sắm xong… Mẹ anh bảo, con cứ đi chơi, gặp bạn bè vì lâu lâu mới về. 

Nhung dieu chua kip
Mớ vỡ vụn tan tác của lòng anh hiện giờ không chỉ là sự tiếc thương mẹ, mà còn là cảm giác hối hận day dứt vì chưa kịp làm cho mẹ những điều bà mong chờ. (Ảnh minh hoạ)

Anh như người bước hụt và rơi vào khoảng đen u tối khi nghe tin mẹ mất. “Trễ rồi”, anh lẩm bẩm như vừa tỉnh cơn mê.

Cô bạn đồng nghiệp cũ của tôi chia sẻ trên trang cá nhân trạng thái mới, là biểu tượng mặt khóc mà không viết gì cả. Nhiều người vào hỏi thăm. Thì ra, những ngày tết cô vẫn phải túc trực ở Viện K vì sức khỏe của con trai nhỏ quá kém, đợi sau tết sẽ hóa - xạ trị đợt tiếp theo. Gọi cho cô, cô nói bây giờ cô suy sụp lắm vì nỗi sợ mất con và ân hận vì chưa dành thời gian cho con đủ nhiều như mong ước của cậu bé. 

Thường ngày, vợ chồng cô mải miết kiếm tiền để trả nợ mua ô tô và căn nhà bề thế mới xây. Hết làm chính rồi làm phụ, làm thêm đủ thứ việc. Họ đã thành công khi rút ngắn thời gian trả nợ từ 5 năm xuống còn 3 năm. Trớ trêu thay, ngay khi vừa dứt nợ thì lại phát hiện bệnh của con trai nhỏ. Cậu bé bị u lympho ác tính - một dạng ung thư. 

Cô nhớ, nhiều lần cậu bé đòi mẹ chơi cùng hay ôm chân bố bảo muốn đi công viên nước, nhưng hai vợ chồng gạt đi, bảo con tự chơi để bố mẹ làm việc. Ngay cái hôm trước khi rơi vào tình trạng mê man, cậu bé còn đòi mẹ đọc truyện cho nghe và ngủ cùng, nhưng cô bảo con vào phòng ngủ để cô còn làm mấy việc dang dở. Suốt cuộc điện thoại với tôi, cô cứ lặp đi lặp lại “giá như em…”, giọng nghẹn ngào khàn đặc. 

Còn nhớ cách đây ba năm, cậu bạn thân của tôi đã chới với đến mức bỏ hết công việc và mọi mối quan hệ, vào tá túc trong chùa thời gian dài sau cái chết đột ngột của vợ. Cô ấy bị tai nạn giao thông và ra đi chóng vánh. Cậu chới với vì mất vợ, nhưng có lẽ vì nỗi đau chưa kịp bù đắp cho vợ còn lớn hơn. Cậu chưa dành đủ sự quan tâm và thời gian cho vợ, dù bản thân cậu không phải là người bỏ bê gia đình mà chỉ là quá yêu công việc, để nó chi phối gần như toàn bộ tâm trí và quỹ thời gian trong ngày.

Có lẽ ai trong chúng ta cũng có nhiều ước mong, dự tính cho bản thân và cho người thân của mình. Hãy hiện thực hóa chúng, ngay từ bây giờ, để không phải nói “giá như...” hay “ước gì…”. Bởi có những giá trị một khi đã mất đi là vĩnh viễn không tìm lại được. Hãy bắt đầu từ những người thân yêu bên cạnh, để những điều tốt đẹp sẽ không trở thành những điều chưa kịp. 

Vũ Hải An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI