Những bước chân không mỏi

27/02/2017 - 21:10

PNO - “Khi má nắm tay tôi khuyên nhủ, tôi thôi không hận cuộc đời, không xấc xược với những người xung quanh nữa, bởi tôi biết mình phải hồi sinh”, một bệnh nhân (BN) HIV tâm sự về má Ðông - bác sĩ (BS) Ngô Thị Ánh Ðông.

Bác sĩ (BS) Ngô Thị Ánh Ðông phụ trách Trung tâm Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng Q.Bình Thạnh, TP.HCM. BN nam ấy giờ đang sống hạnh phúc với vợ con, có công việc ổn định, tham gia công tác thiện nguyện cho Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM.

Nhung buoc chan khong moi
Má Đông phát quà tự thiện tại một trung tâm bảo trợ xã hội

Má Đông

Tôi xin phép gọi cô là má, như một sự trân trọng đối với người đã dành trọn cuộc đời cho các BN HIV. Má Đông đã 62 tuổi nhưng tác phong vẫn rất nhanh nhẹn, mỗi ngày đều lướt web để cập nhật thông tin, tìm những chương trình bổ ích cho 2.000 BN tại phòng khám má đang quản lý. Má cũng chưa bỏ được thói quen tự đi xe gắn máy đến nhà BN để tham vấn cho những ca khó.

Căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm 90 đường An Nhơn, Q.Gò Vấp của má đã bao năm vẫn không thay đổi, chỉ có năm tháng ngược xuôi đã khiến tóc má thêm sợi bạc. Má nói, giờ các dự án, chương trình hỗ trợ, bồi dưỡng kiến thức cho y-bác sĩ, đồng đẳng viên rất phong phú và bài bản. Ý thức của người bệnh và cộng đồng với căn bệnh này cũng đã khá hơn trước, nên công tác tuyên truyền, chăm sóc người bệnh đỡ vất vả hơn nhiều.

Còn nhớ những năm 2000 khi căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS còn được xem là án tử, nghe đến hai chữ “SIDA” là ai cũng rùng mình, khiếp sợ. Khi đó, năm 2004, đang là BS sản khoa cho Trung tâm Y tế Q.4, tôi được cấp trên gọi lên nói: “Chỉ có bác Đông mới làm được chuyện này”. Chưa kịp rõ đó là chuyện gì thì má đã được đồng nghiệp đưa đến một bãi đất trống toàn rác và rác trên đường Xóm Chiếu, Q.4, bên cạnh bãi rác là căn nhà cấp bốn xập xệ được bố trí làm điểm hẹn cà phê, tư vấn, hướng dẫn sử dụng kim tiêm, bao cao su cho những người nghiện ma túy, bán dâm… Nhìn căn nhà trống hoác với bộ bàn ghế cũ mà chạnh lòng, phân vân nhưng má cũng… gật đầu. 

Không chỉ là rác, mùa mưa đến đoạn đường Xóm Chiếu, từ Nguyễn Tất Thành dẫn đến căn nhà nước ngập cả bánh xe. Người phụ nữ với chiếc Chaly thấp lè tè cứ bì bõm trong nước, bất chấp những chiếc kim tiêm còn dính máu cứ dập dềnh. “Về nhà chợp mắt là tôi nhớ đến mấy chiếc kim tiêm, quay sang nhìn hai con đang ngủ chợt se lòng.

Trời lại mưa, má định bụng dứt khoát mai nghỉ không làm, không lội nước nữa, vậy mà sáng ra lại lục tục tìm dây thun quấn hai ống quần, lại bì bõm trong nước bẩn. Đi qua dãy nhà lụp xụp, tối tăm trên bờ kênh, thấy mấy đứa nhỏ nằm thoi thóp trong đó, má biết chúng đang thật sự rất cần mình. Nếu má ích kỷ mà bỏ việc, ở nhà thì không ổn. Hôm trước có đứa báo tin, thằng A bị tiêu chảy ba lần/ngày, con B sốt cao đã hai ngày, má ở nhà mặc tụi nó chết thì tội lắm”, má Đông nhớ lại.

Thời gian đó, không chỉ xã hội mà cả gia đình kỳ thị, xa lánh những người có HIV nên BN thường cố che giấu tình trạng bệnh. Cả nhóm năm người của má Đông phải chia nhau đi đến từng con hẻm để tìm kiếm, tiếp cận người nghiện, rồi lên Trung tâm Y tế dự phòng TP lần tìm những người từng xét nghiệm HIV để tư vấn, chăm sóc. Người khai tên giả, người thì địa chỉ giả, tìm đã khổ mà khi tìm được thì còn bị gia đình họ xua đuổi; khi tiếp cận được BN thì có người bệnh tình đã quá nặng, hạch nổi khắp người, má chỉ kịp tắm rửa, cho ăn vài muỗng cháo lỏng thì đã qua đời.

Chính thức chuyển về Trung tâm Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng Q.Bình Thạnh tháng 3/2005, tính đến nay, má Đông chưa một ngày nghỉ ngơi. Phòng khám nằm trong hẻm số 8 Đinh Bộ Lĩnh, dành cho BN HIV mà lạ là lúc nào cũng rộn tiếng cười nói và tiếng trêu gọi: “Má ơi, má kiểm tra giùm con chỗ này; má ơi kiểm tra giùm con chỗ kia…”.

Phòng khám có ngày có đến 100 lượt BN mà chỉ mỗi mình má và một BS hỗ trợ. Quần quật suốt ngày rồi cũng xong. Lắm lúc tôi chợt đâm ra ngờ vực, không tin những BN của má đang mang trong mình căn bệnh mà cả xã hội ghê sợ, vì thấy họ sao như chẳng hề đau buồn, tuyệt vọng. Họ là vợ chồng chị H., đã chuyển nhà theo má từ Q.4 về Bình Thạnh hơn 10 năm nay chỉ để được gọi hai tiếng “má ơi” mỗi lần đến phòng khám; là chú K. (65 tuổi) lọc cọc đạp xe từ nhà đến phòng khám gần 10 cây số để gặp bác Đông vì “bác Đông không gớm tôi”…

17 năm gắn bó với BN HIV, không biết bao nhiêu mảnh đời đã đến với má, trong đó không ít người đã ra đi, nhưng tất cả họ đều trân quý một má Đông với tình yêu thương chân thành dành cho BN. Tóc đã bạc nhưng má vẫn sớm đi tối về trên chiếc Chaly cũ và con đường quen thuộc, vẫn bầu nhiệt huyết ngày nào, bất chấp những gian khó và thử thách.

Má chân tình tâm sự: “Người ta hỏi má tiếp xúc nhiều với BN HIV có sợ lây nhiễm không. Má nói thật là đôi lúc cũng sợ, nhất là khi BN đã bị viêm da, lở loét nặng. Nhưng sự quan tâm xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim nên nỗi sợ nào cũng vượt qua được”.

Bà Mười Nga

Một đời khoác áo blouse, bước chân bà Mười Nga (BS Hà Thị Nga, SN 1949) đã đi khắp chốn núi rừng thuộc Trung ương Cục miền Nam (R) cho đến những bản làng xa xôi trên đất Tây Nguyên, ngược về bưng biền miền Tây Nam bộ. Giờ đã ngấp nghé tuổi 70, bà vẫn miệt mài làm cầu nối đưa các đoàn y, bác sĩ của TP.HCM về vùng sâu vùng xa khám bệnh cho người nghèo.

Nhung buoc chan khong moi
 

Ngồi nói chuyện với chúng tôi, bà Mười Nga cứ miết tay lên mấy bức hình chụp đã 15-20 năm trước. Những bức hình ấy đã đưa bà trở về thời thanh xuân, thuở còn là Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Răng Hàm Mặt TP.HCM.

Thoát ly gia đình vào R năm 1965, bà gắn bó với Ban Dân y Trung ương Cục đến tận 1975. Đất nước thống nhất, bà về công tác tại BV Răng Hàm Mặt TP.HCM, nhưng vẫn rất coi trọng việc tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân vùng sâu vùng xa, nơi còn nhiều thiếu thốn về chăm sóc y tế.

Bà thật sự hạnh phúc và an lòng khi các thế hệ y, BS BV Răng Hàm Mặt TP.HCM ngày nay vẫn tiếp nối hoạt động thiện nguyện ấy. Bà kể, có lần xuống Bến Tre, từ trẻ em đến người lớn đều cương quyết không chịu nhổ răng sâu, răng hư vì sợ đau, sợ chảy máu và sợ “có bề gì”, cả đoàn BS phải thay phiên giải thích muốn hụt hơi cho bà con hiểu.

Cuối cùng, có mấy em xung phong nhổ “thí nghiệm”; những người khác theo dõi và yên tâm vì: “Thấy nhẹ hều, không đau chi hết”, rồi mới tự nguyện nhổ, cả đoàn mướt mồ hôi với hơn 200 chiếc răng hư, răng sâu. Lần khác, bà cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM, hơn 60 nghệ sĩ và y, BS của các BV Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt, Nguyễn Trãi đến khám và phát thuốc, phát quà cho hơn 1.200 người, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Hôm ấy trời mưa to nhưng người dân vẫn mặc áo mưa xếp hàng ngay ngắn chờ được khám bệnh và xem văn nghệ. Người quá đông, hò hét sắp xếp đến khan giọng, nhưng khi nghe một thanh niên thốt lên: “Bữa trước coi văn nghệ hết 5.000đ, giờ không tốn tiền mà ca hay quá”, là bà Mười Nga bật cười, quên cả mệt, bao căng thẳng như tan biến hết. Bà chia sẻ: “Biết bà con ở quê thích nghe ca cổ nên lần nào tổ chức đoàn đi tôi cũng cố gắng mời anh chị em nghệ sĩ đi chung. Nhiều lần, BS, nghệ sĩ và người dân ngồi hát cùng nhau đến 1-2g sáng chưa chịu về”.

Từ ngày về hưu (năm 2004), mỗi khi biết nơi nào đang cần y, BS đến khám bệnh, bà lại liên hệ ban giám đốc các BV Răng Hàm Mặt, Nguyễn Trãi, Quân đoàn 4, 115… hỗ trợ. Bản thân bà “lãnh” khâu hậu cần, nấu từng củ khoai, củ sắn mang theo xe; chuẩn bị thuốc men, gói từng gói quà. Hỏi vui về “của để dành”, bà hài hước: “Có quá chừng. Chắc không liệt kê hết”.

Một đời khoác áo blouse, bà trân quý những cái siết tay thay lời cảm ơn của người dân Cần Thơ, Hậu Giang; trân quý cái bánh tét, gói kẹo dừa, chùm sơ ri hay trái bưởi bà con Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long mang tặng BS ăn cho có sức để khám bệnh cho bà con. “Của để dành” của bà đó là những hình ảnh đẹp đọng lại: “Đợt đó đoàn chúng tôi về Ô Môn, Cần Thơ. Đi hơn 4km đường sông, vừa đặt chân lên trạm y tế xã thì ai nấy như sững lại khi nghe các em thiếu nhi đánh trống chào mừng. Cái tình ấy khiến đường sá xa xôi, khó khăn đến mấy rồi cũng hóa gần”, bà nói. Không chỉ những chuyến đi xa, ngay ở TP.HCM, tết năm nào bà cũng đến BV Ung Bướu, thăm từng giường bệnh, tặng quà cho bệnh nhân nghèo.

Bà Mười Nga nói, mình khoác áo blouse như một lẽ tự nhiên. Những năm tháng thanh xuân sống và chiến đấu ở R, bà luôn tâm niệm mai này hòa bình sẽ tiếp tục cống hiến trong vai trò người thầy thuốc. Nghề đã thành nghiệp.

Thu Hồng - Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI