Bệnh liên cầu lợn “nóng” nghị trường TP Huế

17/07/2025 - 15:13

PNO - Sáng 17/7, tại kỳ họp thứ 10, HĐND TP.Huế khóa VIII đã chất vấn nhiều vấn đề “nóng”, trong đó 2 ca mắc liên cầu lợn bệnh nhân đã tử vong

Đại biểu Hoàng Trọng Bửu chất vấn: Trước tình trạng gia tăng ca mắc liên cầu lợn hiện nay trên địa bàn thành phố Huế khiến người dân rất lo lắng, đề nghị UBND thành phố cho biết các giải pháp ứng phó hiện nay để kịp thời khống chế dịch bệnh nguy hiểm này.

Giám đốc Sở Y tế TP Huế Trần Kiêm Hảo cho biết, theo thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến sáng 16/7/2025, trên địa bàn thành phố phát hiện 38 trường hợp mắc liên cầu lợn, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Sở Y tế cũng đã có 2 Công văn số 2985/SYT-NVY ngày 8/7/2025 về việc phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh liên cầu lợn và Công văn số 2986/SYT-NVY ngày 8/7/2025 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh liên cầu lợn. Trong đó, đã đề ra và triển khai các biện pháp để kiểm soát bệnh liên cầu lợn trọng tâm như sau: Tăng cường công tác giám sát bằng nhiều hình thức như giám sát tại cơ sở y tế, giám sát tại cộng đồng, giám sát dựa vào sự kiện… để phát hiện sớm ca nghi nhiễm liên cầu lợn. Tổ chức điều tra dịch tễ, xác minh và xử lý ổ dịch theo quy định ngay khi phát hiện ca bệnh.

Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo phát biểu tại phiên chất vấn
Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo phát biểu tại phiên chất vấn

Bên cạnh đó Sở Y tế TP Huế đã thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường khu vực xung qua nhà ca bệnh, đặc biệt là khu vực chăn nuôi lợn và gia súc, đảm bảo vệ sinh khu vực giết, mổ, buôn bán lợn đặc biệt là các chợ đầu mối, chợ khu vực, các cơ sở giết mổ lợn tập trung. Tổ chức việc phun định kỳ dung dịch cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử trùng tiêu độc khác. Phối hợp với cơ quan thú y để tiêu hủy lợn nghi bệnh tại các lò mổ, khu vực chăn nuôi lợn.

Truyền thông về bệnh liên cầu lợn và các giải pháp phòng tránh
Truyền thông về bệnh liên cầu lợn và các giải pháp phòng tránh

Đẩy mạnh truyền thông qua các kênh thông tin đại chứng để nâng cao nhận thức của người dân về nguyên nhân, đường lây truyền, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa bệnh liên cầu lợn… Khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, lòng lợn hoặc thịt lợn chưa nấu chín kỹ; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh hoặc lợn chết bất thường; sử dụng thịt lợn rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tăng cường kiểm tra tại các lò mổ, kiểm soát nguồn lợn nhập từ các địa phương khác để ngăn ngừa lợn bệnh, đặc biệt liên quan đến các bệnh như lợn tai xanh.

Kiểm soát và tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển lợn chưa giết mổ vào thành phố
Kiểm soát và tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển lợn chưa giết mổ vào thành phố

Phát hiện và xử lý các trường hợp giết mổ lợn ngoài giờ quy định hoặc lợn có dấu hiệu bệnh (như chấm đỏ ở chân và đầu). Tổ chức tiêu hủy lợn ốm hoặc chết, phun hóa chất sát khuẩn, khử khuẩn chuồng trại và môi trường chăn nuôi khi có lợn ốm, chết. Ngoài ra thu dung và điều trị bệnh nhân tại các cơ sở y tế theo phác đồ của Bộ Y tế, đặc biệt tại Bệnh viện Trung ương Huế và các trung tâm y tế.

Trả lời chất vấn của các đại biểu liên quan đến dịch bệnh liên cầu lợn có dấu hiệu phức tạp tại Huế, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế ông Nguyễn Đình Đức cho biết: Hiện dịch bệnh trên đàn lợn đang được kiểm soát tốt. Ngành nông nghiệp đã triển khai hiệu quả các biện pháp tiêm phòng, tiêu độc khử trùng và hướng dẫn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Mặc dù vẫn ghi nhận một số ổ dịch tả lợn, dịch tai xanh nhỏ lẻ, nhưng đều được phát hiện kịp thời, tổ chức tiêu hủy và khống chế triệt để, không để lây lan diện rộng. Liên quan đến bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người, trước một số trường hợp mắc bệnh gần đây, ngành thú y đã nhanh chóng vào cuộc điều tra dịch tễ. Kết quả lấy mẫu tại khu vực sinh sống của các bệnh nhân cho thấy: Không phát hiện lợn mang mầm bệnh, thậm chí nhiều gia đình không chăn nuôi lợn.

Từ thực tế này, có thể khẳng định nguồn lây không đến từ đàn lợn đang được quản lý trên địa bàn. Người dân có thể yên tâm sử dụng thịt lợn đã qua kiểm tra thú y”, ông Đức nhấn mạnh. Tuy nhiên, cũng lưu ý: Cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”, chế biến thịt kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn, phòng ngừa các nguy cơ lây nhiễm.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI