Những dấu ấn không phai - Bài 3:

Những bóng hồng ngoan cường trong âm nhạc

28/04/2022 - 06:20

PNO - Những ngày cả nước sục sôi ngọn lửa đấu tranh, trong lớp lớp người ra trận, không thiếu những bóng hồng. Họ đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của các nhạc sĩ, tạo thành chuỗi những ca khúc mà trong đó, hình ảnh người phụ nữ Việt hiện lên sáng ngời.

Đề tài chiến tranh cách mạng, đặc biệt là về cuộc kháng chiến chống Mỹ luôn là nguồn cảm hứng vô tận của văn hóa nghệ thuật. Rất nhiều tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc… đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng, làm nên tên tuổi của rất nhiều văn nghệ sĩ, có sức sống bền lâu. Nhân dịp kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022), mời bạn đọc cùng nhìn lại một số tác phẩm, nhân vật… đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho nhiều thế hệ khán giả

Bài 1Sức hút của đề tài chiến tranh cách mạng trên sân khấu

Bài 2: Tỏa sáng từ những điều bình dị 

Từ cánh đồng làng đến chiến trường nắng cháy

Khi quê hương bước vào những ngày khói lửa, từ ngõ nhỏ đến chiến trường rộng lớn, đâu đâu người dân Việt Nam cũng đều giữ chung một lòng quyết tâm đánh tan giặc thù. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ngoại xâm, lực lượng nam thanh niên không ngại xếp bút nghiên, gác lại công việc lên đường chiến đấu. Họ tạm rời xa gia đình dấu yêu, xa người thương bé nhỏ để vào chiến trường làm nhiệm vụ vì Tổ quốc.

Ngày rời đi, mảnh vườn đang cày dở dang, việc đồng áng nặng nhọc, nhà cửa cần gia cố mỗi độ trái gió trở trời… đều được để lại cho mẹ, cho vợ và những đứa trẻ non nớt.

Nữ biệt động Sài Gòn hướng dẫn quân Giải phóng tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất ẢNH TƯ LIỆU
Nữ biệt động Sài Gòn hướng dẫn quân Giải phóng tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất ẢNH TƯ LIỆU

Chia sẻ khó khăn, vất vả của những người phụ nữ ở hậu phương, nhưng không muốn đưa vào ca khúc nỗi buồn, chỉ mong cổ vũ được tinh thần nơi hậu phương lẫn tiền tuyến, nhạc sĩ An Chung viết Đường cày đảm đang. Với những câu hát đầy niềm tin và hy vọng: “Từ ngày anh đi/ Việc đồng em giỏi giang/ Ruộng cấy chăng dây/ Cây lúa thẳng hàng/ Đào đắp mương dẫn nước quanh làng/ Tiếng hát ba đảm đang/ Ở làng quê ta cày bừa giờ gái thay trai”. Trong ca khúc từng được ca sĩ Anh Thơ thể hiện rất thành công, nhạc sĩ An Chung nhắc đến những khó khăn ngày phụ nữ phải tập quen với cuộc sống gánh vác công việc của người đàn ông, kiêm nhiệm nhiều vai trò trong gia đình. Họ từng không quen với việc đồng áng, hoàn toàn không dễ dàng để thay đàn ông cáng đáng tất cả. Nhưng chẳng hề gì, khi vất vả hôm nay sẽ được đền đáp vào mai sau: “Bừa kỹ xong gieo luống cho đều/ Trâu ơi mai lúa khoai nhiều/ Gửi người thân yêu…”.

Nhạc sĩ Thế Bảo (Hội Nhạc sĩ, Hội Âm nhạc TP.HCM) cho biết, trong chuỗi những nhạc phẩm về hình tượng người phụ nữ Việt, các sáng tác không khu trú ở chủ đề nào mà trải rộng khắp. “Những nhạc sĩ thời ấy viết về phụ nữ ở nhiều phương diện từ chăm sóc gia đình, lo việc đồng áng như trong ca khúc mà nhạc sĩ An Chung có viết; phụ nữ lên đường vào chiến trường như Cô gái mở đường của nhạc sĩ Xuân Giao, hay Cô gái vót chông của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Phụ nữ không đứng ngoài cuộc khi Tổ quốc nguy nan. Họ giữ đúng tinh thần mà sau này, chúng ta vẫn thường nhắc: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Nên không bất ngờ khi thời kháng chiến, ca khúc ngợi ca phụ nữ lại nhiều, và nội dung phong phú đến thế”, ông nói.

Các nữ dân quân Việt Nam tải đạn trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại năm 1972 - ẢNH TƯ LIỆU
Các nữ dân quân Việt Nam tải đạn trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại năm 1972 - ẢNH TƯ  LIỆU

Theo nhạc sĩ Thế Bảo, cách nhiều nhạc sĩ chọn hình ảnh người phụ nữ đưa vào âm nhạc của mình, không nhằm mục đích làm dịu đi những khốc liệt nơi chiến trường. Các tác giả đang làm đúng vai trò ghi nhận lại lịch sử. Họ chỉ thi vị hóa bằng giai điệu. “Người phụ nữ Việt trong chiến tranh chịu nhiều đau thương. Trong âm nhạc cũng thể hiện khía cạnh đó, nhưng không nhiều. Có một sự thật rằng, tính chiến đấu của phụ nữ rất cao, và sự căm thù giặc không thua kém đàn ông, nên dù ở nơi chiến trường hay khi làm hậu phương, họ dịu dàng, giàu tình thương, nhưng đủ quyết liệt, mạnh mẽ”, nhạc sĩ Thế Bảo nói và nhắc đến Cô gái Sài Gòn đi tải đạn của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, Hai chị em của nhạc sĩ Hoàng Vân... để làm rõ ý muốn chia sẻ.

Âm nhạc được dùng để khắc họa nỗi đau chiến tranh theo cách riêng. Nhưng đa phần, theo nhiều nhạc sĩ, những sáng tác mang cảm xúc bi thương chỉ xuất hiện sau khi chiến tranh đã lùi vào quá vãng, con người có thời gian để nhìn ngắm nỗi buồn, sự mất mát. Còn lại, trong những ngày chiến đấu khốc liệt, âm nhạc mang giai điệu tích cực, sôi nổi, là công cụ để hiệu triệu người trẻ bừng bừng khí thế lên đường ra trận.

Còn lại tới mai sau

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - một trong số những tác giả có nhiều sáng tác ấn tượng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ - nay tuổi đã gần 90. Ông lấy làm vui mừng khi Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (tên ban đầu là Đội nữ tải đạn Sài Gòn, về sau được nhạc sĩ Lê Lôi và nhạc sĩ Triều Dâng góp ý sửa tên) của ông được mọi người hát đến tận hôm nay. Ngày 1/9/1968, ca khúc được phát lần đầu tiên trên Đài tiếng nói Việt Nam. Suốt một tuần sau đó, giai điệu, lời ca trong ca khúc đã vang lên khắp thành phố, trở thành bài hát động viên người nữ thanh niên lên đường: “Hôm qua, hôm qua chưa hề vác nặng/ Em chưa từng vượt suối, qua bưng/ Em chưa từng dãi nắng dầm mưa/ Hôm nay em là chiến sĩ vai dạn dày, vững vàng bước chân/ Lòng người đang độ mùa xuân/ Trào dâng niềm vui đánh Mỹ, dẫu hiểm nguy em không nề”.

NSND Thu Hiền, ca sĩ nổi tiếng với dòng nhạc cách mạng, trữ tình quê hương
NSND Thu Hiền, ca sĩ nổi tiếng với dòng nhạc cách mạng, trữ tình quê hương

“Cuộc Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968 phải thần tốc, người phụ nữ vác đạn nặng thì bước chạy phải khẩn trương, nên tôi chọn giai điệu nhanh, hồ hởi. Về sau, khi đạo diễn Nguyễn Hồng Sến thực hiện phim tài liệu Đường ra phía trước và sử dụng nhạc của ca khúc Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, tôi thấy vô cùng phù hợp, khi khắc họa hình ảnh những người nữ chiến sĩ vừa vác đạn vừa chạy giữa những lằn bom quân thù, bất chấp hiểm nguy. Hình ảnh những cô gái Sài Gòn đi tải đạn thời điểm ấy tạo cho tôi nhiều sự rung cảm”, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ chia sẻ.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ thường lấy hình ảnh người phụ nữ trong lao động, chiến đấu hay ở cuộc sống đời thường để sáng tạo nên những giai điệu của riêng ông. Niềm cảm hứng ấy xuất phát từ sự ngưỡng mộ, tình thương yêu dành cho một nửa còn lại của thế giới, khi họ gác niềm riêng vì mục tiêu chung của dân tộc. Sự đoàn kết ấy không chỉ thể hiện trong đời sống, mà với âm nhạc của Lư Nhất Vũ, đặc biệt ở ca khúc Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, phải là tốp ca thể hiện mới hùng hồn, đúng tinh thần hơn, dù các tiết mục đơn ca vẫn mang đến nhiều cảm xúc.

Ông cho biết: “Tôi viết Cô gái Sài Gòn đi tải đạn vào khoảng tháng Tư đến tháng Năm năm 1968, nhưng mãi đến tháng Tám mới thu, vì đợi nhóm nữ của Đoàn ca múa nhạc Trung ương thể hiện. Trong mấy mươi năm qua, ca khúc được thể hiện với nhiều giọng hát khác nhau, nhưng tôi vẫn ấn tượng nhất bản thu của nhóm nữ, ca khúc phù hợp hơn khi thể hiện tốp ca”.

Ca khúc Cô gái Sài Gòn đi tải đạn:

 

 

Trong số những sáng tác thời kháng chiến chống Mỹ, nhắc đến hình ảnh người phụ nữ, nhiều nhạc sĩ gọi tên nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn với hai nhạc phẩm gồm Bài ca người nữ tự vệ Sài GònQua sông. Đây là hai ca khúc cách mạng có đời sống sôi nổi sau nhiều năm ra đời. Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, nhạc sĩ Thế Bảo đều cho rằng hai ca khúc này của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn là dấu son của âm nhạc kháng chiến, lấy hình tượng phụ nữ làm trung tâm. 
Tuổi em vừa tròn đôi mươi mười tám, em cài mái tóc gọn gàng đi từng bước vững vàng/ Trẻ trung đôi mắt em mở to, trong vắt hàng mi xanh thắm ơ hò ơ/ Thon thon lưng em áo bà ba, vai em căng lên vết hằn da/ Nào ai có ngờ chuyển thương tải đạn chẳng ai khác là: Em đấy mà!”, (trích Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn).

Với bao lớp thế hệ người Việt sau này, giai điệu của Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn mang tính hoài niệm. Nghĩa là chỉ cần ca khúc ấy vang lên, những thước phim trong quá khứ về một thời hào hùng của dân tộc lại hồi sinh. Giai điệu cùng với lời ca tạo sự hứng khởi, như thắp lên trong lòng người nghe một đốm lửa nhỏ, khơi dậy ý chí sống vì mọi người, vì lý tưởng chung của dân tộc.

Bài ca Phụ nữ Việt Nam của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Hai chị em của nhạc sĩ Hoàng Vân, Người con gái Pa Kô của nhạc sĩ Huy Thục, Người con gái sông La của nhạc sĩ Doãn Nho, Đường Trường Sơn xe em qua của nhạc sĩ Văn Dung... là một số đại diện tiêu biểu trong bức tranh lớn về âm nhạc kháng chiến, lấy hình ảnh phụ nữ làm trung tâm.

Cho đến ngày nay, những sáng tác ấy vẫn giữ nguyên giá trị, trở thành vốn quý. Để thế hệ sau khi lật giở những trang sử của dân tộc, nhìn vào có thể biết thời đạn bom, phụ nữ Việt Nam đã ngoan cường thế nào, đã hợp lực với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân giành lấy hòa bình cho đất nước ra sao. Khi sáng tác, các nhạc sĩ không thể biết rằng những “đứa con tinh thần” của họ có sức sống lâu bền, dẻo dai đến thế. Nhưng với nghệ thuật, hãy cứ lao động sáng tạo nghiêm túc, làm việc bằng cái tâm, cái tầm thì thời gian sẽ minh chứng đâu là tác phẩm mang giá trị. 

Diễm Mi 


Kỳ tới: Tranh cổ động và câu chuyện về một giai đoạn lịch sử anh hùng

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhanvattacphamvi /strCate=nhanvattacpham

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvandevi /strCate=vande

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsangtacvi /strCate=sangtac

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATErubikvanhoavi /strCate=rubikvanhoa
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvanhoavi /strCate=vanhoa