Những dấu ấn không phai

Bài 1: Sức hút của đề tài chiến tranh cách mạng trên sân khấu

22/04/2022 - 09:10

PNO - Sau ngày đất nước thống nhất, sân khấu nước nhà bước sang giai đoạn đỉnh cao mới, trong đó đề tài chiến tranh cách mạng trở thành cảm hứng cho sân khấu phía Nam. Nhiều tác phẩm xuất sắc đã ra đời như Người ven đô, Tìm lại cuộc đời, Khách sạn hào hoa, Điểm hẹn vùng ven…

Đề tài chiến tranh cách mạng, đặc biệt là về cuộc kháng chiến chống Mỹ luôn là nguồn cảm hứng vô tận của văn hóa nghệ thuật. Rất nhiều tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc… đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng, làm nên tên tuổi của rất nhiều văn nghệ sĩ, có sức sống bền lâu. Nhân dịp kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022), mời bạn đọc cùng nhìn lại một số tác phẩm, nhân vật… đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho nhiều thế hệ khán giả

Tìm lại cuộc đời - thân phận con người giữa cuộc chiến

Khán giả xem vở cải lương Tìm lại cuộc đời trên sân khấu Đoàn cải lương Sài Gòn 2 chắc hẳn không quên được giọng ngâm của cố NSND Giang Châu trong vai thương phế binh Trần Hùng: “Rớt tú tài anh đi trung sĩ…”. Nó chua chát, đầy giễu nhại và bất lực cho số phận của một thanh niên khỏe mạnh có gia đình hạnh phúc, bỗng dưng tàn phế, tan nhà nát cửa vì bị cuốn vào cuộc chiến phi nghĩa. “Ngoài đời lúc đó nhiều Trần Hùng lắm. Sức hút của Tìm lại cuộc đời đến từ những nhân vật có thể bắt gặp giữa cuộc đời - chân thật và đầy ám ảnh”, soạn giả Đăng Minh nhận định.

Cố NSƯT Giang Châu trong vai Trần Hùng của vở cải lương Tìm lại cuộc đời
Cố NSƯT Giang Châu trong vai Trần Hùng của vở cải lương Tìm lại cuộc đời

Hai soạn giả Hoàng Khâm và Điêu Huyền đã chuyển thể bản kịch nói ban đầu của tác giả Huy Lam thành cải lương quá xuất sắc. “Từng lời thoại, câu ca của nhân vật Huy Bình vẫn in trong trí tôi, rõ mồn một” - NSND Thanh Tuấn tràn đầy hứng khởi khi nhắc đến vai diễn đại úy Huy Bình của mình trong Tìm lại cuộc đời.

Nổi danh trên sân khấu Kim Chung qua các vở tuồng kiếm hiệp, hiếm ai tin được Thanh Tuấn có thể “lột xác” ngoạn mục để trở thành Huy Bình - một sĩ quan cấp tiến du học từ Mỹ về. Không chỉ nhớ vai của mình, Thanh Tuấn còn thuộc luôn cả các vai đối diễn vì “vai nào cũng ấn tượng, lời văn quá hay, từng câu chữ đều đầy sức nặng, thấm vào tâm trí”.

NSND Thanh Tuấn vẫn nhớ từ năm 1976 - 1978, Đoàn cải lương Sài Gòn 2 diễn Tìm lại cuộc đời hằng đêm, cứ bảy đêm trụ một rạp, rồi chuyển sang rạp khác. Hai rạp Quốc Thanh và Hưng Đạo gần nhau, vậy mà vở diễn luân phiên ở hai rạp đều kín ghế. Rồi những đợt lưu diễn các tỉnh, mỗi điểm dừng lại ba, bốn đêm, cứ tầm chiều chiều là thấy bà con xách ghế đến giành chỗ, điểm diễn nào cũng đón 9.000 - 10.000 khán giả.

Khách sạn hào hoa - khi biệt động thành lên cải lương

Nhận vai Hiếu trong vở cải lương Khách sạn hào hoa - được xây dựng từ nguyên mẫu nữ chiến sĩ biệt động đã đánh bom khách sạn Caravelle ngày 25/8/1964, NSƯT Mỹ Châu thừa nhận chưa bao giờ nhận một vai “trái ngang” như vậy. Vì “nữ hoàng kiếm hiệp” của sân khấu Kim Chung ngày nào “hiểu tới đâu nhân vật đầy tinh thần cách mạng đó để mà diễn”? Trong hồi ký “Châu - Chút tạ tình tri âm”, NSƯT Mỹ Châu đã chia sẻ rất nhiều suy nghĩ về Khách sạn hào hoa, về sự ăn khách đến lạ thường của một vở diễn rất “chính trị”.

Mà leg vầy đi anh NSUT Kim Tử Long, NSUT Trọng Phúc và NSUT Thoại Mỹ trong vở Khách sạn hào hoa do cố NSND Huỳnh Nga dàn dựng năm 2009( ảnh Thanh Hiệp)
NSUT Kim Tử Long, NSUT Trọng Phúc và NSUT Thoại Mỹ trong vở Khách sạn hào hoa do cố NSND Huỳnh Nga dàn dựng năm 2009( ảnh Thanh Hiệp)

Đoàn Sài Gòn 2 lúc đó chỉ có ban giám đốc, dàn quản lý và đạo diễn là “người nhà nước”, còn lại toàn bộ nghệ sĩ, diễn viên là “dân Sài Gòn cũ”. Thế nhưng, người nghệ sĩ đã “hòa nhập và khắc họa được hình ảnh của người cách mạng, làm cho khán giả thương, và… yêu được người cách mạng”. Ngoài Mỹ Châu, Khách sạn hào hoa còn có một danh hài Tư Rọm duyên dáng, một Giang Châu hát hay, một Thanh Tuấn vai biệt động quân giả danh biệt kích tuyệt vời… Tất cả góp phần kéo khán giả đến rạp hàng năm trời, và dư âm kéo dài cho đến tận hôm nay.

Người ven đô - thấm đẫm tình đất, tình người

Ít ai biết vở diễn Người ven đô của Đoàn Kịch nói Nam bộ - chào mừng kỷ niệm 45 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 3/2/1975 - lại được hình thành từ tập bản thảo viết tay trong quyển vở học trò, được tác giả Minh Khoa mang từ chiến trường miền Nam ra Bắc năm 1972. Vở diễn có tên ban đầu là Trận tuyến ven đô.

Nhân vật Tám Khỏe trở thành vai diễn mẫu được nhiều diễn viên trẻ chọn lựa thể hiện trong các cuộc thi tài năng của sân khấu cải lương
Nhân vật Tám Khỏe trở thành vai diễn mẫu được nhiều diễn viên trẻ chọn lựa thể hiện trong các cuộc thi tài năng của sân khấu cải lương

Tập bản thảo này đã được các “cây đa cây đề” của làng văn nghệ Việt Nam là Thế Lữ và Lưu Trọng Lư tích cực hỗ trợ hoàn thiện để sớm đưa vào dàn dựng. Câu chuyện cảm động về những người con của quê hương Bà Điểm - Hóc Môn bám đất giữ vườn trầu nuôi giấu cán bộ, qua hai hình tượng Tám Khỏe và Bảy Đờn của Người ven đô đã chinh phục khán giả miền Bắc trước khi trở về quê hương Nam bộ, và tiếp tục ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng.

Tác giả Minh Khoa từng chia sẻ một kỷ niệm hy hữu, khi một tác giả đàn anh đã tìm đến “xin bớt một nhân vật”, vì tuyến nhân vật Tám Khỏe hay Bảy Đờn đều đủ để xây dựng riêng một kịch bản dài - sử dụng đến hai “đầu lĩnh” trong một trận đánh là lãng phí. Và ông đã khuyên người đàn anh này nên vào Nam một chuyến, vì còn nhiều Tám Khỏe với Bảy Đờn lắm… 

Đặc biệt, với khán giả miền Nam thì bản dựng cải lương Người ven đô của Đoàn Sài Gòn 1, với lực lượng hùng hậu gồm các nghệ sĩ như Út Trà Ôn, Thành Được, Phượng Liên, Trường Xuân, Thanh Thanh Hoa… là đỉnh cao. Soạn giả Đăng Minh cho rằng bản Ái tử kê được NSND Ba Vân đưa vào trong quá trình sáng tạo vở, là dấu ấn không thể thay thế. Những danh ca hàng đầu như Út Trà Ôn hay Phương Quang cũng phải luyện tập rất nhiều để xử lý bản Ái tử kê, mới thể hiện được nỗi đau xé lòng, vừa căm giận vừa uất nghẹn của Tám Khỏe.

Đến nay, nhiều người vẫn đánh giá Người ven đô là kịch bản rất khó dựng lại, vì khó ai diễn được Tám Khỏe, Bảy Đờn hay như Út Trà Ôn và Thành Được.

Điểm hẹn vùng ven - tràn đầy nhiệt huyết thanh xuân

Khác với các tác phẩm cải lương gần như được bảo chứng bởi lực lượng nghệ sĩ tài năng và tên tuổi, vở kịch truyền hình Điểm hẹn vùng ven (còn gọi là Đồng Đen) ra mắt năm 1984 lại mang đậm dấu ấn của người trẻ. Đây chính là tác phẩm thứ hai của đạo diễn Trần Ngọc Giàu (NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM hiện nay) khi ông mới 24 tuổi. Điểm hẹn vùng ven được khán giả rất yêu thích, bởi là vở kịch đầu tiên được quay ngoại cảnh.

Điểm hẹn vùng ven là vở kịch truyền hình đầu tiên thử nghiệm quay ngoại cảnh mang đến nhiều cảm giác tươi mới cho khán giả
Điểm hẹn vùng ven là vở kịch truyền hình đầu tiên thử nghiệm quay ngoại cảnh mang đến nhiều cảm giác tươi mới cho khán giả

NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, kịch bản viết theo tuyến truyện, nên bối cảnh sân khấu không tải nổi. Ông bèn có ý tưởng quay ngoại cảnh, và thông qua đó, gửi gắm chút ký ức tuổi thơ. Những miền ký ức thời thơ ấu sống trong vùng giải phóng, với những lần vô khu thăm ba đi kháng chiến của ông như sống lại trong các cảnh quay.

Đặc biệt, vở diễn cũng trình làng và tạo bệ phóng cho lớp diễn viên mới được đào tạo chính quy sau ngày đất nước thống nhất là Khánh Hoàng, Đàm Loan, Thành Lộc… Trong đó, sau hình tượng Đồng Đen (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Kịp), Khánh Hoàng cũng trở thành gương mặt quen trong các vai bộ đội, chiến sĩ cách mạng. Dù vở chỉ phát sóng hai lần, nhưng một thời gian dài đến 20 năm, nhiều khán giả vẫn quen gọi Khánh Hoàng là Đồng Đen.

“Lúc đó, đa phần diễn viên đều rất trẻ, ít kinh nghiệm, nhưng chúng tôi diễn với tất cả năng lực, tấm lòng, để tri ân những người anh hùng. Năm ấy, vẫn còn quan điểm cố hữu “anh hùng không được khóc”, nhưng tôi cứ diễn theo đúng cảm xúc của mình, vì anh hùng cũng là người, vẫn phải đớn đau rơi lệ khi mất con. “Mày giống y nó - lời nhận xét của các đồng đội anh hùng Đồng Đen khi đến xem duyệt vở, chính là lời khen giá trị nhất dành cho tôi”, nghệ sĩ Khánh Hoàng chia sẻ.

Nghệ sĩ Khánh Hoàng (phải) thăm hỏi và tặng đĩa  Điểm hẹn vùng ven cho anh Nguyễn Ngọc Thành, con trai anh hùng Đồng Đen vào năm 2013 - ẢNH: ĐỖ HẠNH
Nghệ sĩ Khánh Hoàng (phải) thăm hỏi và tặng đĩa Điểm hẹn vùng ven cho anh Nguyễn Ngọc Thành, con trai anh hùng Đồng Đen vào năm 2013 - ảnh: Đỗ Hạnh

Năm 2013, ở vị trí Giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM, nghệ sĩ Khánh Hoàng đã tìm về gia đình anh hùng Đồng Đen ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh để thăm hỏi và thắp hương cho nguyên mẫu nhân vật mình từng thể hiện thành công năm xưa. “Đặc biệt, cuộc hội ngộ thú vị với con trai anh hùng Đồng Đen - nhân vật mà nhằm tăng kịch tính cho vở, chúng tôi đã hư cấu để giặc giết đi khi còn ẵm ngửa - thực tế vẫn sống khỏe mạnh và trưởng thành đến hôm nay”, nghệ sĩ Khánh Hoàng kể.

Ở đây, có thể tìm thấy điểm chung của những tác phẩm nêu trên chính là tạo được sự đồng cảm, làm người xem có thể thấu hiểu, sẻ chia và yêu thương nhân vật, thậm chí, thấy mình trong chính nhân vật. Nói như tác giả Vương Huyền Cơ: “Chỉ cần câu chuyện được kể từ trái tim chứ không đợi thông qua chủ trương, định hướng nào, thì vẫn đến được trái tim”.

Đông A

 

Kỳ tới: Tỏa sáng từ những điều bình dị 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI