Nhóm chuyên gia WHO: COVID-19 khó xuất phát từ phòng thí nghiệm

09/02/2021 - 21:30

PNO - Nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết COVID-19 khó có khả năng rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, mà rất có thể đã lây sang người từ động vật.

Chuyên gia về an toàn thực phẩm và dịch bệnh động vật của WHO Peter Ben Embarek đưa ra đánh giá này khi kết thúc chuyến thăm đến TP.Vũ Hán, Trung Quốc, nơi nhóm các nhà khoa học hàng đầu thế giới đang điều tra nguồn gốc của COVID-19. Các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện tại thành phố này vào tháng 12/2019.

Ông Peter Ben Embarek giải thích biểu đồ lây nhiễm, khẳng định virus cần vật chủ trung gian để có thể truyền sang người
Ông Peter Ben Embarek giải thích biểu đồ lây nhiễm, khẳng định virus cần vật chủ trung gian để có thể truyền sang người

Viện Virus học Vũ Hán đã thu thập các mẫu virus trên diện rộng, dẫn đến các cáo buộc rằng nơi đây có thể đã gây ra đợt bùng phát ban đầu do làm rò rỉ virus vào cộng đồng xung quanh. Trung Quốc bác bỏ mạnh mẽ khả năng đó và thúc đẩy các giả thuyết rằng virus có thể bắt nguồn từ nơi khác.

Nhóm nghiên cứu của WHO đang xem xét một số giả thuyết về cách mà căn bệnh này lần đầu tiên xuất hiện ở người.

Ông Embarek cho biết: “Những phát hiện ban đầu của chúng tôi cho thấy rằng việc lây truyền thông qua một loài vật chủ trung gian là con đường khả dĩ nhất và là khía cạnh cần nhiều nghiên cứu hơn, có mục tiêu cụ thể hơn”.

Embarek nói thêm: “Mặt khác, những phát hiện cho thấy giả thuyết về sự cố trong phòng thí nghiệm khó có thể giải thích được sự xâm nhập của virus vào cộng đồng dân chúng”.

Nhóm của WHO bao gồm các chuyên gia từ 10 quốc gia. Nhiệm vụ của họ là bước đầu tiên tìm hiểu nguồn gốc của virus, được cho là bắt nguồn từ loài dơi trước khi truyền sang người thông qua một loài động vật hoang dã khác, chẳng hạn như tê tê hoặc dúi - một loài gặm nhấm ngoại lai nhưng lại là món ngon ở Trung Quốc.

Embarek cho biết việc lây truyền qua buôn bán các sản phẩm đông lạnh cũng là một khả năng có thể xảy ra.

Hai chuyên gia Marion Koopmans (bìa phải), Peter Ben Embarek (giữa) từ nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cùng người đồng cấp Trung Quốc Liang Wannian (bìa trái) phát biểu trong cuộc họp báo Nghiên cứu chung WHO-Trung Quốc được tổ chức khi kết thúc sứ mệnh điều tra nguồn gốc đại dịch ở Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc hôm 9/2
Hai chuyên gia Marion Koopmans (bìa phải), Peter Ben Embarek (giữa) từ nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cùng người đồng cấp Trung Quốc Liang Wannian (bìa trái) phát biểu trong cuộc họp báo Nghiên cứu chung WHO-Trung Quốc được tổ chức khi kết thúc sứ mệnh điều tra nguồn gốc đại dịch ở Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc hôm 9/2

Một thành viên khác của nhóm chuyên gia WHO nói với hãng tin Associated Press vào cuối tuần trước rằng họ được hưởng mức độ cởi mở hơn từ phía Bắc Kinh, so với những gì họ dự đoán, trong chuyến công tác; bao gồm việc được cấp toàn quyền truy cập vào tất cả các địa điểm cũng như trò chuyện với mọi nhân viên liên quan.

Nhà động vật học người Anh Peter Daszak cho biết, nhóm đã xem xét các vấn đề bao gồm những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên, mối liên hệ với động vật và vai trò của việc nhập khẩu thực phẩm đông lạnh trong lây truyền bệnh - một giả thuyết mà phía Trung Quốc đặt ra.

WHO mất nhiều tháng để đàm phán về chuyến thăm. Trung Quốc chỉ đồng ý thực hiện cuộc điều tra trong bối cảnh áp lực quốc tế lớn tại cuộc họp của Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 5/2020, nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục phản đối lời kêu gọi điều tra độc lập nghiêm ngặt.

Đến nay, các nhà chức trách Trung Quốc vẫn giữ kín thông tin về các nguyên nhân có thể gây ra đại dịch hiện đã giết chết hơn 2,3 triệu người trên toàn thế giới.

Tấn Vĩ (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI