Quan chức y tế toàn cầu ủng hộ vắc-xin AstraZeneca dù Nam Phi ngưng sử dụng

09/02/2021 - 08:21

PNO - Các quan chức y tế tiếp tục cho rằng vắc-xin AstraZeneca có khả năng chống lại các biến thể của COVID-19, sau khi một nghiên cứu cho thấy nó có rất ít tác dụng trong việc ngăn ngừa biến thể mới đang lan nhanh ở Nam Phi.

Ngày 8/2, Nam Phi, nơi biến thể mới của virus corona hiện chiếm hơn 90% số ca mắc COVID-19, thông báo tạm dừng triển khai 1 triệu liều vắc-xin AstraZeneca vì hiệu quả phòng ngừa kém. Tuy nhiên, giới chức nước này cho biết họ vẫn có thể dùng lô vắc-xin theo "cách thức từng bước", tung ra 100.000 liều và theo dõi xem vắc-xin có ngăn ngừa được các ca nhập viện và tử vong hay không.

Ngay sau tin tức, rất nhiều những ý kiến trái chiều được đưa ra, hầu hết các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận.

Richard Hatchett, Giám đốc điều hành của Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh, một tổ chức đồng lãnh đạo chương trình COVAX toàn cầu để cung cấp hàng tỷ liều vắc-xin ở các nước nghèo cho biết: “Còn quá sớm để loại bỏ vắc-xin AstraZeneca”.

Tương tự Richard Hatchett, Giáo sư Salim Abdool Karim, đồng chủ tịch Ủy ban Cố vấn cấp Bộ trưởng của Nam Phi về COVID-19, cũng đồng quan điểm cho rằng chính phủ Nam Phi quá vội vàng khi kết luận AstraZeneca không ngăn ngừa được biến thể mới của COVID-19.

Các quan chức y tế tiếp tục cho rằng vắc-xin AstraZeneca có khả năng chống lại các biến thể của COVID-19.
Các quan chức y tế tiếp tục cho rằng vắc-xin AstraZeneca có khả năng chống lại các biến thể của COVID-19.

Trong khi đó, thông điệp tổng thể từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức khác kêu gọi mọi người đừng hoảng sợ. Một số quan chức y tế toàn cầu chỉ ra nghiên cứu ở Nam Phi có quy mô nhỏ và đã thử nghiệm vắc-xin bằng cách tiêm phòng liều đầu tiên và liều thứ hai chỉ cách nhau 4 tuần, mặc dù đã có bằng chứng cho thấy vắc-xin hoạt động tốt hơn nếu thời gian tiêm chủng giữa hai liều cách nhau xa hơn.

“Ngày càng rõ ràng hơn, khoảng cách giữa hai liều càng dài thì hiệu quả càng cao” - Kate O'Brien, người đứng đầu bộ phận tiêm chủng tại WHO, nói.

Được biết, trong số hơn 330 triệu liều vắc-xin chuẩn bị được phân phối cho các quốc gia trong kế hoạch COVAX vào cuối tháng 2 tới đây, vắc-xin của AstraZeneca chiếm phần lớn. Đây cũng chính là loại vắc-xin mà Việt Nam sẽ dùng để tiêm phòng trong thời gian tới.

Các chuyên gia tin rằng vắc-xin AstraZeneca sẽ đóng vai trò lớn ở châu Phi và toàn cầu. Đồng thời nhấn mạnh 1 triệu liều vắc-xin được phân bố tới Nam Phi sẽ hết hạn vào tháng 4, nên được triển khai nhanh chóng, tránh lãng phí.

Hiện, các chính phủ phương Tây đang sử dụng chủ yếu AstraZeneca cho tiêm chủng và tin tưởng vào khả năng phòng ngừa các biến thể mới của loại vắc-xin này.

“Chúng tôi nghĩ rằng cả hai loại vắc-xin mà chúng tôi sử dụng đều có hiệu quả trong việc ngăn chặn các ca bệnh nặng và tử vong” - Thủ tướng Anh Boris Johnson nói với các phóng viên. Vương quốc Anh đang sử dụng vắc-xin của AstraZeneca và Pfizer để tiêm chủng phòng ngừa COVID-19 cho người dân.

Chung Thu Hương (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI