Nhờ mùa gặt tháng Chạp biết tết buồn hay vui

24/01/2020 - 05:13

PNO - Giáp Tết, ai ai cũng chất lúa đầy nhà. Với nụ cười thường trực trên môi, người nông dân chào hỏi nhau: "Mùa này được bao nhiêu giạ một công?".

Ngày nghỉ, ở nhà ngủ vùi. Mở mắt ra thì mặt trời đã đi qua cửa sổ. Quờ lấy cái điện thoại. Đã hơn bốn giờ chiều! Tôi lần số gọi về cho má. Giọng nói ấm áp của má làm tôi tỉnh ngủ. Rồi hai mẹ con trò chuyện thật lâu...

Nghe hôm kia má xuống Nhơn Thạnh (tỉnh Bến Tre) mua lúa chở về nhà. Tôi bâng quơ: "Mua gạo cho khỏe". Má đáp gọn bâng: "Con không biết chứ lúa mùa tháng Chạp mà". Má ơi, cuộc sống mưu sinh chốn thị thành làm con quên béng cái tháng Chạp. Nhưng mà con biết chứ! Bao mùa gặt tháng Chạp đã gắn với cuộc đời má, với tuổi thơ con và cả gia đình mình. Má đi mua lúa chỉ để thấy lòng xoa dịu mỗi khi ký ức xưa quay quắt tìm về.

Ngày đó, chúng tôi sống trong căn nhà vách ván, giữa cánh đồng miền Tây mênh mông. Tôi còn nhớ như in, nhà chỉ cách ruộng mỗi hàng rào dâm bụt và con đê nho nhỏ. Một năm có ba mùa lúa chín, nhưng cái nắng cuối năm hong khô hơn hạt lúa, rồi những cơn gió bấc cứ như luồn qua khe, nhả từng ngụm hương lúa vào nhà.

Thu hoạch hạt ngọc trời ban vững vàng mùa xuân mới

Thu hoạch hạt ngọc trời ban vững vàng mùa xuân mới - Ảnh Internet

Đến hẹn lại lên, ba má tôi gánh phân trâu về pha lỏng, trét lại cái sân trước nhà để chuẩn bị phơi lúa. Ba anh em tôi cứ chạy ra chạy vào bịt mũi cười khúc khích, dù nó chẳng có mùi gì. Sau này lớn lên, đọc sách báo tôi mới biết đó là cách làm dân gian của nhà nông không chỉ riêng ở Việt Nam. Mà lúc nhỏ, mỗi lần thấy cảnh đó thì tôi lại nghĩ: mùa gặt tháng Chạp đã về.

Mặt trời chưa ló dạng, má đã thức dậy kho lại nồi cá, bắc cái chõ xôi hầm hập lên bếp. Má sột soạt cho cơm trưa vào cà-mèn để ba mang theo. Nhà tôi thời đó có máy suốt lúa nên sáng nào các chú trong đội suốt cũng tới uống tách trà, ăn xôi nóng hổi má nấu rồi cùng ba khiêng máy ra đồng. Tiếng họ cười nói rôm rả làm anh em tôi tự chui ra khỏi giường mà không cần má phải "kêu như kêu đò" mới thấy mặt. Sáng sớm, trời còn se se lạnh.

Tôi mang cặp bước theo con đường mòn đi học. Ra đến lộ cái thì đôi dép nhựa in hình hoa phượng cũng ướt sũng sương mai và dính đầy cỏ dại ven đường.

Có năm tôi học chiều còn anh hai học sáng. Công việc sau khi ngủ dậy của tôi là lùa đàn vịt ra đồng ăn lúa mót. Tay tôi cầm cây trúc quơ quơ, vai đeo túi ni-lông có vài ba cuốn tập để học bài. Út An còn nhỏ, nhiều hôm không có ai giữ nên tôi phải dắt em theo. Nhiệm vụ có vẻ khó khi tôi phải canh chừng thằng em hiếu động không chạy loạn, làm vịt hoảng mà bớt “rớt hột” ban đêm. Nhưng thật ra, trong thâm tâm tôi lại thích dắt nó theo cùng.

Chờ vịt ăn xong, lùa chúng xuống kênh là chị em tôi bắt đầu cuộc truy tìm dế mèn, dế trũi, châu chấu, chuồn chuồn. Mùa này sậy cũng trổ cờ nên thằng út hay đòi chị bẻ cho mấy cây để nó phe phẩy ngọn cờ lên lá mắc cỡ co co dúm dúm, hay để lay động những đọt rau muống đang trổ bông tím biếc, làm mấy con cào cào hoảng hốt nhảy lên chơi.

Mấy khi thấy dãy nón lá nhấp nhô trên mặt lúa, chị em tôi lùa vịt lại gần, í a í ới gọi má. Má mặc áo bà ba, khom người xuống thấp, một tay vòng qua đám lúa, tay kia kéo mạnh lưỡi hái cong vòng. Đám lúa ngã rạp thành khúm nhỏ. Má và các dì dàn thành một hàng ngang, tay gặt nhịp nhàng, từ từ tiến thẳng về phía trước. Chẳng bao lâu, một công lúa chín vàng nặng hạt đã nằm sát mình xuống đất.

Đội cắt đi thì đội suốt của ba mới đến. Mọi người tản ra gom lúa về, hai chú ở lại cho máy "ăn" và xốc lúa vào bao. Tiếng máy suốt cứ kêu tành tạch vang cả cánh đồng. Bó lúa lúc nạp vào còn nguyên vẹn nhưng khi nhả ra, máy lại bắn lên cao những cọng rơm xơ xác. Chị em tôi đứng xem hoài không biết chán.

Thời điểm lúa chín rộ, ba đi miệt mài đến tối. Má cắt lúa vần công nên khi thu hoạch ruộng nhà thì má nghỉ vài ngày để phơi lúa. Lúc này anh em tôi cũng đã thi xong học kì nên càng được dịp tự do quây quần, lăng xăng phụ má. Nhà có cái bồ cào để trở lúa nhưng chỉ có anh hai và má dùng. Tôi với út An toàn luồn bàn chân xuống lúa mà vừa đi vừa xới. Đầu hạt lúa châm chích vào da, làm hai chị em cười sặc sụa. Má nhìn tôi lắc đầu, bảo "còn hơn con trai". Giờ nhắc lại chân tôi vẫn còn cảm giác tê tê.

Ngày ấy, Sơn Đông (tỉnh Bến Tre) vào những ngày giáp Tết, ai ai cũng chất lúa đầy nhà. Người nông dân với nụ cười thường trực trên môi, chào hỏi nhau bằng câu cửa miệng: "Mùa này được bao nhiêu giạ một công?". Ông trời dường như tính toán sẵn. Hễ đến độ thu hoạch vụ đông xuân thì thời tiết khô hanh, không còn mưa gió bão bùng nên cây lúa trĩu hạt vẫn vươn mình đứng thẳng. Bà con vui với vụ mùa bội thu nên những vất vả, muộn phiền trong năm cũng được cất vào quên lãng. Họ đón Tết về với niềm tin và hy vọng.

Thu Hằng

                                                                                                                                                               

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI