Nhớ lại, thấy mình hèn

18/02/2019 - 08:35

PNO - Đi rồi mới thấy, mình trốn nghĩa vụ quân sự là hèn. Nhiều cái chết không thể tưởng tượng nổi. Dân chết, lính chết. Nói Mỹ ác thì mình có thấy, nhưng thằng Tàu ác gấp nhiều lần.

Bữa đó làng đang vào vụ cày, đồng trên ruộng dưới bóng trâu và người thấp thoáng. Bỗng có mấy du kích mang súng, vừa đi vừa hỏi: “Thấy thằng B. trốn đâu không?”. Biết mô mà trả lời. Loa truyền thanh không ngừng phát lệnh tổng động viên, thanh niên trai tráng hãy lên đường. Kẻ hăng hái, người chần chừ. B. sợ quá, trốn biệt. Giấy yêu cầu của xã xuống, ông chú của B. thẫn thờ không biết cháu đã đi đâu. Du kích vào cuộc. Lùng từ cánh đồng đầy năn, lát, tre ngoài triền sông đến nghĩa địa. Tuyệt mù.

Nho lai, thay minh hen
Người chiến sĩ lên đường chiến đấu

Chiều nắng như long óc. Cây dương liễu già, cao mấy chục mét bị sét đánh đứng cạnh cái đìa ngoài biền nước mặn. Ba du kích vừa đi vừa ngó, bỗng một người dừng lại, gương A.K lên ngọn dương liễu: “Xuống, nếu không tau bắn”. Người trên ngọn cây là B., giọng cuống quýt: “Dạ, để tui xuống”.

B. đi biền biệt. Sáu năm sau, một chiều sẩm tối, anh xuất hiện giữa sân nhà người thân với bộ quân phục, người đen nhẻm, ốm tong, nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát hẳn ra. Bà ngoại B. đang xắt chuối thả dao cái bịch: “Trời ơi, con với cháu…”. Không  biết ai nhắn, chưa đầy nửa tiếng sau, mẹ B. từ bên kia sông vừa chạy vừa khóc, tới sân nhà, hai tay bà chới với lao về phía trước, giọng lạc đi: “Mẹ tưởng con chết rồi…”.

Giọng B. bình tĩnh: “Thôi, mẹ đừng khóc, con đã về đây rồi”. Rồi mẹ lẫn con khóc nức nở. Hàng xóm đổ tới. Giọng ai đó như hụt đi: “Thằng B. về, còn thằng S. thì không thấy”. Ủa, chừng đó năm, sao anh không một dòng thư về? Ai đó vừa cười vừa như khóc: “Hắn mồ côi cha từ nhỏ, mẹ đi bước nữa, ở với chú, có ăn là phước rồi, có được học mô mà biết chữ…”.

Mấy bữa sau, trong bữa ăn mừng, B. kể rất nhiều chuyện đánh nhau với quân Trung Quốc ở Lạng Sơn. Là lính trinh sát, nếu chết thì những người như B. chết trước. Nói về cái chết, B. lắc đầu đừng hỏi nữa, đau lắm. Đi rồi mới thấy, mình trốn nghĩa vụ quân sự là hèn. Nhiều cái chết không thể tưởng tượng nổi. Dân chết, lính chết. Nói Mỹ ác thì mình có thấy, nhưng thằng Tàu ác gấp nhiều lần.

Sau này khi tôi đã hiểu chuyện, có lần tôi hỏi B: “Hồi đó răng chú nói là mình hèn?”. “Sợ. Mi không sống thời bom đạn Mỹ, hễ nghe tiếng súng nổ là cong đầu chạy. Chiến tranh kinh lắm, ai có sống mới biết. Nên khi tổng động viên, tau sợ chết mới trốn. Nhưng vào lính, thấy anh em như mình, khắp các vùng miền, mỗi đứa một hoàn cảnh, đói cơm lạt muối đã đành, nhưng chết lúc nào không biết. Chính vì thế mà mình thấy hèn. Mình không đi, sẽ có đứa thay mình, rồi biết đâu nó chết! Đứa nào cũng cầu mong thoát chết, hết đánh nhau để về làm ruộng. Trốn ở nhà, không chứng kiến, trực tiếp đánh nhau thì yên thân, nhưng sẽ không hiểu tính mạng quý giá ra sao. Đi bộ đội, đánh nhau sinh tử gang tấc, muốn sống thì phải đánh tới nơi, không đầu hàng, bỏ trận địa, dù có chết cũng không ân hận. Nhưng mong sao không đánh nhau nữa…”.

Nhớ lại chuyện này, năm đó tôi học lớp Tám. Trí óc trẻ con chưa lớn nhưng đã kịp ghi hình ảnh người mẹ già khẳng khiu đổ gục trên vai chú. Chú đã già. Bà cũng già. Nước mắt hai mẹ con lúc đó khóc giữa sân vườn ông nội tôi đã nhòa đi mấy chục năm rồi, không biết chú còn nhớ. Tôi thì nhớ du kích thúc mũi A.K đưa chú lên xã lúc bắt được. Rồi xã mời chú lên họp, chúc mừng trở về nguyên vẹn. Từ đó, chú không kể gì nữa, cứ lẳng lặng đi làm, trở lại cuộc sống cày cuốc mưu sinh.

Một bữa gặp ở đám giỗ, ngó tôi đen thui, chú hỏi mi làm báo chi mà như công nhân than Quảng Ninh hồi tau đi lính có thấy? Tôi nói vừa từ Trường Sa về. Có thấy tàu Trung Quốc không? Một ông trong bàn hỏi. Không, nhưng nhà cửa nó xây chiếm trên đảo mình thì thấy. Chú uống hết ly rượu, dằn xuống: “Lại mấy thằng Tàu”. Tay chú nắm lại. Cơn rùng mình chạy qua lưng tôi, khi thấy trong ánh mắt chú một tia máu. Nhớ lại có lần chú nói, đứa nào đi lính mà chẳng muốn cởi áo lính về quê, nhưng mình muốn cũng đâu có được, bởi nó cứ gây hoài. Mà gây thì mình đánh, đừng hèn.

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI