Từ tháng 2/1979 ở biên giới phía Bắc đến tháng 2/2019 ở Biển Đông

18/02/2019 - 06:33

PNO - "Người Việt Nam với người Trung Quốc không thù hằn gì nhau cả. Giữa hai dân tộc lúc nào cũng gần gũi, thân thiện, luôn tôn trọng nhau. Nhưng ý đồ thôn tính Việt Nam của các lãnh đạo Trung Quốc thì luôn thường trực".

Tưởng nhớ hương hồn đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc mùa xuân Kỷ Mùi 1979, song song với nhiệm vụ hun đúc tinh thần yêu nước, còn là sự nhắc nhở trách nhiệm dân tộc rằng, cuộc chiến ấy vẫn đang hằng ngày bành trướng ra biển đảo, kéo dài cho đến tận hôm nay.

Những ngày đầu xuân Kỷ Hợi 2019, chúng tôi gửi bản câu hỏi về cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc tháng 2/1979 cho Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm - nguyên Giám đốc Học viện Hải Quân, nguyên Tham mưu phó - Trưởng phòng Tác chiến quân chủng Hải Quân thời thập niên 1980. Thế nhưng, cuộc phỏng vấn đã diễn ra với tất cả sự ngậm ngùi của những dấu hỏi từ cả hai phía, trong một buổi chiều đúng 40 năm sau.

Tu thang 2/1979 o bien gioi phia Bac den thang 2/2019 o Bien Dong
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm

“Khi Trung Quốc xua quân xâm lược chúng ta rạng sáng 17/2/1979, tôi đang là thiếu tá Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 161, Vùng III Hải Quân, thuộc Đà Nẵng. Cuối ngày hôm đó, chúng tôi nhận được tin họ tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc. Lệnh là sẵn sàng chiến đấu toàn quân” - Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nhớ lại.

Quyền lợi nước lớn trên hết

Phóng viên: Có quan điểm cho rằng, cần lần về Hiệp định Genève 1954 để hiểu Chiến tranh Biên giới 1979?

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Đúng thế. Ý đồ của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay từ hồi ấy là chỉ muốn cho chúng ta xây dựng xã hội chủ nghĩa ở bên kia vĩ tuyến 17 mà thôi. Chung quy cũng chỉ là cái sách lược xưa cũ nhất của nhân loại: chia để trị. Chính vì thế, chúng ta thống nhất đất nước năm 1975 là ngoài cái toan tính của họ. 

Bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó chủ tịch nước) có nhắc trong hồi ký, thời điểm tháng 4/1975, có một nhà báo Pháp, thân Trung Quốc, đến tiếp xúc với ông Dương Văn Minh, cho biết có thể làm cầu nối để ông tiếp xúc với Trung Quốc, nhằm “giữ” miền Nam. Sau khi cân nhắc đến quyền lợi của cả dân tộc “đi với Pháp không ăn thua, đi với Mỹ cũng vậy, giờ đi với Trung Quốc chắc cũng chẳng ra gì” nên ông ấy từ chối. Sau năm 1975, Trung Quốc lập tức hỗ trợ, giúp Khơ-me Đỏ mạnh lên, để gây áp lực lên chúng ta ở biên giới Tây Nam, cũng với mục đích đó - làm sao mình phải luôn theo họ.

* Thế còn vấn đề mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Liên Xô?

- Đó chính là nguyên nhân mà sách báo đã nói nhiều. Riêng tôi thấy, từ những năm 1960, Liên Xô và Trung Quốc đã trở thành kẻ thù không đội trời chung. Với tư tưởng Đại Hán xuyên suốt trong lịch sử của mình, khi Stalin chết, Trung Quốc đã muốn giành lấy ngọn cờ lãnh đạo phe Cộng sản Quốc tế và từ đó dấy lên cao trào chống Liên Xô với chủ nghĩa “xét lại”. 

Đến cuối thập niên 1970, báo chí Trung Quốc tuyên truyền mạnh mẽ luận điệu: Liên Xô là đại bá, Việt Nam là tiểu bá theo chân Liên Xô. Đặc biệt, ngày 7/1/1978, Tổng bí thư Lê Duẩn sang Liên Xô kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga và đã ký với Liên Xô hiệp ước hữu nghị và thân thiện, đồng thời, cho Liên Xô sử dụng căn cứ Cam Ranh.

Việc này làm cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều lồng lộn. Ngay lập tức, tháng 1/1979, Mỹ đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, sau những nỗ lực từ năm 1972. Mùng Một tết Kỷ Mùi, ông Đặng Tiểu Bình không ăn tết ở trong nước mà công du Hoa Kỳ 8 ngày. Ông đội mũ cao bồi, nhảy với sinh viên Mỹ và sau đó về ghé Nhật Bản hai ngày.

Cũng thời điểm đó, cả phương Tây, Nhật, Mỹ, Trung Quốc đều đang bao vây cấm vận Việt Nam, cho rằng cuộc chiến đấu chống Khơ-me Đỏ, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng của ta là chiến tranh xâm lược Campuchia. Sau khi thăm Mỹ, Nhật trở về, Đặng Tiểu Bình tuyên bố “đã nhốt được con gấu Bắc cực vào chuồng”, ám chỉ Liên Xô và “sẽ dạy cho Việt Nam một bài học”. Mười ngày sau, họ phát động cuộc chiến đánh chiếm Việt Nam.

Tu thang 2/1979 o bien gioi phia Bac den thang 2/2019 o Bien Dong
Bộ đội Việt Nam trong chiến tranh biên giới phía Bắc

* Cuối cùng, quyền lợi của họ vẫn là trên hết. Tình hữu nghị chỉ là viển vông?

- Đúng. Nên nhớ rằng, năm 1972, khi Mỹ muốn giải quyết chiến tranh ở Việt Nam, Kissinger hoạt động như con thoi - gặp Chu Ân Lai hàng chục lần. Trong những lần đó, có lúc Ngoại trưởng Mỹ hỏi Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc rằng, họ giúp Việt Nam vì cái gì, có phải vì ý thức hệ không, hay cái gì khác. Chu Ân Lai khẳng định luôn, Trung Quốc giúp Việt Nam không phải vì ý thức hệ mà vì muốn trả món nợ máu tiền nhân của họ đã gây ra cho ta (!?). Tôi nghĩ, cái đó chỉ là che đậy, để thấy rõ ràng vấn đề ý thức hệ đối với Trung Quốc chẳng là gì cả. Chỉ quyền lợi của họ là trên hết.

Tại sao chúng ta vẫn bị bất ngờ?

* Tại sao chúng ta vẫn bị bất ngờ trong tình thế căng thẳng như vậy?

- Lúc nào Hồ Chủ tịch cũng nói “bạn thì bạn, nhưng phải cảnh giác” đối với Trung Quốc. Tất cả âm mưu của họ, mình đều rất hiểu, từ chuyện vĩ tuyến 17 cho đến mãi sau này. Tuy nhiên chúng ta không ngờ họ chuyển từ đồng chí sang thù nhanh như vậy.

* Để triển khai quân trên toàn tuyến biên giới phía Bắc vào tháng 2/1979, trải dài hơn 1.200km, họ phải chuẩn bị từ lâu. Tại sao việc động binh lớn như vậy mà ta vẫn bất ngờ?

- Vấn đề tình báo của ta phải rút kinh nghiệm sau lần ấy là phải hiểu rõ hơn Trung Quốc. Hai nữa, thời điểm ấy, vệ tinh do thám của Liên Xô cũng không hề “hé răng” cho mình biết điều gì. Tôi nghĩ, họ chắc chắn phải biết, nhưng họ không nói.

* Dù chúng ta chưa sử dụng đến quân chủ lực, chỉ là các lực lượng du kích và biên phòng tại chỗ, nhưng cũng đã làm bất ngờ quân Trung Quốc, khiến họ tổn thất nặng nề. 

- Người Việt Nam với người Trung Quốc không thù hằn gì nhau cả. Giữa hai dân tộc lúc nào cũng gần gũi, thân thiện, luôn tôn trọng nhau. Nhưng ý đồ thôn tính Việt Nam của các lãnh đạo Trung Quốc thì luôn thường trực. Do đó, dân mình rất cảnh giác và luôn ý thức phân biệt rõ giữa nhân dân Trung Quốc và các nhà lãnh đạo của họ.

Cuộc chiến tháng 2/1979, chúng ta chưa sử dụng quân chủ lực. 4 quân đoàn của ta còn nguyên, chỉ mới sử dụng lực lượng của quân khu các tỉnh, lực lượng biên phòng, lực lượng tại các nông trường, xí nghiệp được vũ trang đánh trả. Cũng chính vì thế, Trung Quốc nhận ra ngay là không thể đánh lâu dài được. Nếu đánh tiếp, Việt Nam huy động 4 quân đoàn ra thì nhất định tổn thất rất lớn. Hơn nữa, Liên Xô cũng đã có những cái động thái cho thấy sẽ can thiệp nếu chiến sự kéo dài.

* Nhưng chiến tranh xâm lược trên thực tế đâu có dừng lại?

- Lúc nào tôi cũng lưu ý, chiến tranh xâm lược do Trung Quốc phát động vào tháng 2/1979 không dừng lại vào ngày 18/3/1979. Đến năm 1982, tôi về làm tham mưu phó Hải Quân, mỗi tuần tôi lên Hà Nội giao ban đến 7 lần, lần nào cũng nghe Cục 2 (Cục Quân báo) báo cáo hôm qua Trung Quốc bắn sang mấy ngàn quả pháo, đạn cối, ta bắn sang Trung Quốc bao nhiêu quả và thương vong, đồng thời là các báo cáo từ chiến trường Campuchia... Cứ như thế kéo dài cho tới năm 1989.

Tôi còn nhớ, một lần sau khi giao ban ở Bộ Tổng tham mưu về, tôi báo cáo Bộ Tư lệnh Hải Quân tình hình biên giới có triển vọng giảm căng thẳng. Đồng chí Giáp Văn Cương - Tư lệnh Hải Quân - kết luận luôn. Ông bảo: “Đừng tưởng bở. Ngưng trên bộ nhưng sẽ tăng cường trên biển đấy, các anh phải hết sức cảnh giác, tăng cường”. Y như rằng, năm 1988 đã xảy ra Gạc Ma.

* Đó cũng là lý do Báo Phụ Nữ muốn phỏng vấn Chuẩn đô đốc, bởi ý thức rằng, Gạc Ma là sự nối dài chiến tranh biên giới. Khi nhìn ra Biển Đông, rõ ràng chiến tranh biên giới chưa kết thúc, cho đến tận bây giờ.

- Hoàn toàn đúng. Không phải đến năm 2006 - họ mới đưa “đường lưỡi bò” ra Liên Hiệp Quốc. Năm 1970, khi trả lời các nhà báo phương Tây, Mao Trạch Đông đã nói rằng: “Thái Bình Dương chưa được thái bình, vì còn nằm trong tay người Mỹ. Khi nào nó nằm trong sự quản lý của Trung Quốc thì mới có thái bình”. Tư tưởng của họ đối với biển là tư tưởng xuyên suốt từ cường quốc lục địa thành cường quốc đại dương. Trong mưu đồ thống trị đó, họ phải khống chế Biển Đông. Giải quyết được vấn đề Biển Đông là họ nắm được cả thế giới.

Ba lần họ đã chớp thời cơ chiếm biển đảo của Việt Nam. Lần thứ nhất vào năm 1956, lợi dụng lúc Pháp bàn giao chính quyền cho vua Bảo Đại, Trung Quốc chiếm phía Đông là đảo An Vĩnh, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Lợi dụng Hiệp định Paris năm 1973, Mỹ rút quân và có thể đã “bật đèn xanh”, nên tháng 1/1974, Trung Quốc gây ra cuộc hải chiến với Hải quân Việt Nam Cộng hòa và chiếm luôn toàn bộ phía Tây (Nguyệt Thiềm) quần đảo Hoàng Sa, khi đó do Việt Nam Cộng hòa quản lý.
Có một thời, chúng ta lờ đi, không nói đến Hoàng Sa, nhưng chúng tôi phản đối và yêu cầu phải luôn khẳng định đó là một phần máu thịt của đất nước, cho dù bị chiếm đóng.

Tu thang 2/1979 o bien gioi phia Bac den thang 2/2019 o Bien Dong
 

* Về Gạc Ma, ông từng nói đó là một cuộc thảm sát chứ không có trận hải chiến nào cả.

- Đúng vậy. Tôi là người đầu tiên nói ngày 14/3/1988 là cuộc thảm sát và bây giờ cả thế giới cũng thừa nhận. Lúc đó, không hề có một tàu chiến nào của mình ra đối đầu với Trung Quốc. Ta chỉ có 2 tàu vận tải là HQ604 và HQ605, là những con tàu mà nói thật, chính Trung Quốc viện trợ cho mình để làm đường Hồ Chí Minh trên biển. Còn lại là công binh.

Phía họ đã đưa cả một hạm đội đến, bắn chìm 2 chiếc tàu đó của ta. Còn tàu 505 là tàu đổ bộ xe tăng mà ta lấy được từ Hải quân Việt Nam Cộng hòa, cũng chỉ có mấy khẩu pháo 40 li, mà không có đạn. Trung Quốc cũng bắn cháy luôn và thuyền trưởng đã cho ủi bãi lên đảo Cô-ly, cho nên còn giữ được.

Ở Gạc Ma, họ lên một đầu đảo, cán bộ chiến sĩ của ta lên đầu kia và bị giết hết. Người Mỹ cho biết, Trung Quốc bắn Hải quân Việt Nam như bắn cá trong chậu. Đây là cuộc thảm sát man rợ của Trung Quốc đối với các công binh Việt Nam trên bãi đá Gạc Ma.

Vậy mà phải đến 40 năm…?

* Báo chí những ngày qua đưa ra các luận điểm: nhắc lại Chiến tranh Biên giới là để “khép lại quá khứ”, “xóa bỏ đau thương”, “không khoét sâu hận thù”… Ông cảm thấy thế nào?

- Cái đó có vẻ hơi thừa. Nói thật, tôi đã phát biểu nhiều về cuộc chiến tháng 2/1979 mà đến nay vừa tròn 40 năm, nhưng đến giờ mới được báo chí công khai, tự do đăng tải. Rất mừng, bởi vì công luận đã có được cái nhìn rõ hơn, chính xác hơn. Tôi nghĩ, hương hồn của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc không bị tủi thân. Nhưng lòng tôi cũng chạnh buồn ngay, vì tại sao 10 năm, 20 năm, 30 năm không nhắc tới mà phải đến tận bây giờ?

Do vậy, ai không nói đến chuyện này, vì lý do gì đó, vì hữu nghị giữa Việt Nam - Trung Quốc hay hệ tư tưởng hoặc bất cứ gì khác… là có tội với nhân dân, đặc biệt có tội với hàng vạn chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống. Dĩ nhiên, chúng ta nhắc đến, nói đến, không phải muốn khơi dậy hận thù. Trung Quốc, nếu thật sự muốn nhân dân Việt Nam “hiểu” Trung Quốc thì Trung Quốc phải xin lỗi nhân dân Việt Nam về sự kiện năm 1979. Nhưng, anh ạ nhìn ra Biển Đông sẽ thấy, họ sẽ không bao giờ làm được hành động cao đẹp như vậy cả.

* Vâng, khi nhìn ra Biển Đông, như đã nói, Báo Phụ Nữ muốn nhắc lại cuộc chiến biên giới, để các thế hệ hôm nay và mai sau phải thấy, cuộc chiến ấy đang tiếp diễn. Và các thế hệ phải học tập, làm việc theo ý chí Biển Đông là nhiệm vụ phải đạt được.

- Rất chính xác. Là một người lính lăn lộn trên biển, tôi hoan nghênh suy nghĩ đó, vì mặt trận Biển Đông là chiến trường còn lâu dài và có thể rất khốc liệt.

* Chúng ta có được bài học nào để tiếp tục đấu tranh giành lại Trường Sa, Hoàng Sa, thưa ông?

- Một mặt, chúng ta vẫn phải giữ hòa bình, ổn định, để phát triển đất nước; phải xây dựng được lực lượng hải quân, không quân và cảnh sát biển mạnh, đủ sức răn đe đối với những tư tưởng ngông cuồng nước lớn. Ngoài ra còn phải tạo ra những hệ vũ khí của mình. Đi mua là cần thiết, nhưng phải tự mình phát triển mới bền vững. Thế nhưng, tôi vẫn nghĩ, cái chính phải làm sao cho các thế hệ người Việt, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, sẵn sàng ra biển, sẵn sàng xây dựng biển, sẵn sàng tham gia phát triển kinh tế biển và sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trước hết là 28 tỉnh thành ven biển.

* Điều này có vẻ là xu thế, cùng với trào lưu khởi nghiệp đang rất nhộn nhịp trong giới trẻ hiện nay?

- Có 2 hướng. Từ chính sách, cách thu hút, làm sao trong nước phát động được phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, cố gắng lôi kéo kiều bào ở nước ngoài, ưu tiên xây dựng kinh tế ven biển, xây dựng quốc phòng ven biển, xây dựng cả hải quân và không quân.

Ví dụ chuyện máy bay không người lái, Việt kiều và thanh niên trong nước ngày nay có kiến thức tốt. Máy bay không người lái đâu chỉ phục vụ trinh sát, chụp ảnh mà có thể phát triển thành những phương tiện tấn công, tiếp vận. Ở các nước, các đại học còn tổ chức thi sáng tạo tàu ngầm. Có cái chạy bằng diesel, bằng ắc-quy, thậm chí có cái đạp chân… Tức là làm sao trong thanh niên có sự mạnh dạn và Nhà nước có chính sách đầu tư hỗ trợ tốt hơn.

* Cảm ơn ông. 

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI