Nhiều rủi ro khi để trẻ ở nhà một mình

08/07/2025 - 07:15

PNO - Đã có không ít thảm kịch xảy ra với trẻ em khi chúng phải ở nhà một mình trong lúc cha mẹ đi làm hay vắng mặt vì những lý do bất khả kháng.

Những cái chết thương tâm

Gần đây, hàng loạt tai nạn thương tâm liên quan đến chuyện “trẻ em bị bỏ lại nhà một mình” đã làm dấy lên các cuộc thảo luận ở Hàn Quốc về việc có nên đưa ra luật để ngăn chặn những thảm kịch như vậy?

Hôm 3/7, 2 đứa trẻ - 8 tuổi và 6 tuổi - đã thiệt mạng trong một vụ hỏa hoạn vào đêm khuya tại một căn hộ trên tầng 6 ở Busan khi cha mẹ chúng đang đi làm. Trước đó 9 ngày, một thảm kịch tương tự ở cùng một thành phố, nơi 2 chị em - 10 tuổi và 7 tuổi - đã chết khi đang ngủ trong căn hộ trên tầng 4 của một tòa chung cư khi cha mẹ chúng dậy đi làm từ rất sớm. 4 tháng trước đó, ngày 26/2, một bé gái 12 tuổi đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn tại một biệt thự ở Seo-gu, Incheon. Đám cháy bùng phát khi cha cô bé đang ở bệnh viện, còn mẹ đi làm.

Để trẻ em ở nhà một mình là điều không một cha mẹ nào mong muốn  - Nguồn ảnh: Shutterstock
Để trẻ em ở nhà một mình là điều không một cha mẹ nào mong muốn - Nguồn ảnh: Shutterstock

Theo cơ quan cứu hỏa quốc gia Hàn Quốc, trong 108.759 sự cố an toàn trẻ em được báo cáo từ 2021-2023, gần một nửa xảy ra tại nhà, nhiều hơn rất nhiều so với số trường hợp xảy ra tại trường học. Trong đó, rất nhiều nạn nhân trẻ em bị bỏ ở nhà một mình. “Xã hội Hàn Quốc từ lâu đã xem trẻ em bị bỏ lại nhà một mình là không thể tránh khỏi, thường đặt gánh nặng kiếm sống lên trên sự an toàn của trẻ em. Nhưng những bi kịch gần đây buộc chúng ta phải đặt câu hỏi: liệu việc kiếm sống có bao giờ được đặt trước cuộc sống của một đứa trẻ không?” - Choi Seo-jeong - một chuyên gia tâm lý nói.

Cần ngăn chặn thảm kịch ngay từ đầu

Các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu phát triển hải ngoại (ODI) - một tổ chức nghiên cứu độc lập quy mô toàn cầu - ước tính gần 40 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở các quốc gia nghèo nhất phải sống một mình hoặc với một đứa em còn rất nhỏ. Theo một báo cáo về việc chăm sóc trẻ em trên toàn thế giới, hàng chục triệu trẻ em dưới 5 tuổi thường xuyên bị bỏ lại nhà một mình hoặc phải chăm sóc thêm 1-2 em nhỏ khi cha mẹ đi làm.

Các nhà nghiên cứu cho biết, ở những quốc gia nghèo nhất, việc thiếu chế độ nghỉ phép chăm con, giáo dục mầm non, nhà trẻ hạn chế, hoặc không có tiền để trả cho những chi phí này, khiến phụ nữ phải đối mặt với sự lựa chọn đau đớn giữa việc không kiếm được tiền để nuôi gia đình, đưa con đi làm hoặc để con ở nhà một mình. Nhiều bà mẹ cho biết họ lo sợ con mình có nguy cơ bị thương hoặc có hành vi và sự phát triển lệch lạc do bị cô đơn. Các nghiên cứu y khoa đã chỉ ra việc thiếu sự giám sát của phụ huynh đã dẫn đến nhiều trẻ em bị thương hoặc tử vong do tai nạn… “Các bà mẹ buộc phải lựa chọn giữa khả năng kiếm tiền và việc học của con cái. Đây là một lựa chọn mà không bà mẹ nào muốn nhưng buộc phải sống chung với nó” - trích từ ODI.

Ở hầu hết các nước phát triển, việc để trẻ ở nhà một mình được coi là một hình thức “bỏ bê”. Tác động của điều này đối với sức khỏe tâm thần của trẻ là một vấn đề gây tranh cãi. Nhiều nghiên cứu ở Bắc Mỹ đã chỉ ra, thanh thiếu niên bị bỏ ở nhà một mình sẽ cảm thấy cô đơn, lo lắng và sợ hãi, đồng thời cũng có nguy cơ có hành vi chống đối xã hội như trốn học, trộm cắp và tập hút thuốc, uống rượu.
Tại Mỹ, để một đứa trẻ một mình được coi là một hình thức bỏ bê trẻ em và bị cấm về mặt pháp lý. Ở tiểu bang Maryland, việc để trẻ em dưới 8 tuổi mà không có người giám sát bị xem là bất hợp pháp, trong khi tiểu bang Illinois cấm để trẻ em dưới 14 tuổi một mình. Nếu trẻ bị thương hoặc tử vong trong hỏa hoạn hoặc tai nạn khác, cha mẹ có thể phải đối mặt với cáo buộc hình sự. Quy định này nhằm ngăn chặn những thảm kịch xảy ra ngay từ đầu.

“Luật pháp có thể xác định rõ độ tuổi tối thiểu mà trẻ em có thể ở nhà 1 mình. Tuy nhiên, nếu một luật như vậy được đưa ra, mối quan tâm chính là luật này có đặt thêm gánh nặng cho các gia đình có nguồn lực chăm sóc hạn chế, chẳng hạn như các gia đình có thu nhập thấp, gia đình có cha mẹ đơn thân… Do đó, các hình phạt pháp lý nên được áp dụng một cách thận trọng” - Jeon Min-kyeong - luật sư tại công ty luật Onyul - nói.

Jeon nhấn mạnh: để luật pháp thực sự hiệu quả, nó phải đi kèm với việc mở rộng các dịch vụ chăm sóc trẻ em công cộng, bao gồm các trung tâm phúc lợi trẻ em, các chương trình sau giờ học và các dịch vụ chăm sóc khẩn cấp do chính quyền địa phương điều hành, tập trung vào việc ưu tiên các biện pháp hỗ trợ phù hợp với từng hoàn cảnh.

Thu Thanh (theo Korea Herald, Guardian, UN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI