Nhiều quốc gia "quay lưng" với Viện Khổng Tử của Trung Quốc

27/04/2020 - 15:23

PNO - Thành phố lớn thứ hai của Thụy Điển chấm dứt kết nghĩa cùng Thượng Hải. Động thái diễn ra trong bối cảnh đất nước này đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử của Trung Quốc.

Thụy Điển “chán” Trung Quốc

Thị trưởng thành phố Gothenburg - Axel Josefson - nói với Đài Phát thanh truyền hình công cộng Thụy Điển: “Trao đổi giữa hai thành phố trong 2-3 năm qua rất kém. Xem xét thời gian hiện tại, chúng tôi thấy không cần gia hạn thỏa thuận kết nghĩa của hai thành phố”.

Gothenburg ký thỏa thuận kết nghĩa với Thượng Hải từ 34 năm trước; đến năm 2003 bản ghi nhớ mở rộng để bao gồm các trao đổi về văn hóa, kinh tế, thương mại và thể thao.

Thỏa thuận đã được gia hạn liên tục nhưng chính thức hết hạn vào cuối năm 2019. Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền đề nghị xem xét lại thỏa thuận, nhưng các đảng khác đề nghị tạm dừng hoàn toàn việc liên kết.

Cơ quan thương mại thành phố và chính quyền cụm cảng được phép tiếp tục mối quan hệ với Thượng Hải và Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Stockholm, Thụy Điển.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Stockholm, Thụy Điển

Gothenburg là một trong số nhiều thành phố của Thụy Điển kết thúc mối quan hệ “kết nghĩa” với Trung Quốc trong những tháng gần đây. Linköping cắt đứt quan hệ với Quảng Châu, Luleå ngừng thỏa thuận với Tây An, và Västerås "từ biệt" Tế Nam.

Thị trưởng Linköping - Lars Vikinge - nói với tờ báo Thụy Điển Dagens Samhalle vào tháng 2/2020 rằng họ đã cắt đứt mọi liên lạc chính trị với Trung QuốcLý do vì các mối đe dọa mà Đại sứ quán Trung Quốc đã nhắm vào chính phủ Thụy Điển.

Một phái đoàn từ Quảng Châu dự kiến ​​đến thăm Linköping vào tháng 12/2019 nhưng được thông báo rằng họ không được chào đón.

Cũng trong tháng 2/2020, thị trưởng Västerås - ông Anders Telj - tiết lộ với tờ Financial Times về quyết định tạm dừng quan hệ đối tác với Trung Quốc, do lo ngại về vấn đề nhân quyền ở đại lục.

Nhà nước Trung Quốc và các đơn vị hành chính tổ chức kết nghĩa với nhiều thành phố trên thế giởi để tổ chức giao lưu văn hóa, thương mại.
Nhà nước Trung Quốc và các đơn vị hành chính tổ chức kết nghĩa với nhiều thành phố trên thế giới để giao lưu văn hóa, thương mại

Viện Khổng Tử "mất điểm" trước thế giới

Từ năm 2004, chính phủ Trung Quốc đã tài trợ thành lập Viện Khổng Tử trong các trường đại học và cao đẳng trên khắp thế giới. Một cơ quan của Bộ Giáo dục Trung Quốc, được gọi là Hanban, cung cấp giáo viên, sách giáo khoa và quỹ hoạt động.

Thụy Điển đã đóng cửa lớp học Khổng Tử cuối cùng ở Falkenberg do nhà nước Trung Quốc tài trợ vào tuần trước, sau khi Học viện Khổng Tử cuối cùng đóng cửa vào năm 2019. Học viện được xem như “nhà xuất khẩu văn hóa” với các chương trình ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, nhưng dư luận cho rằng nó là một phần của mạng lưới tuyên truyền ủng hộ Bắc Kinh.

Viện Khổng Tử được cho là kênh tuyên truyền của Bắc Kinh tại nước ngoài.
Viện Khổng Tử được cho là kênh tuyên truyền của Bắc Kinh tại nước ngoài

Người đứng đầu chương trình của Viện nghiên cứu quốc tế Thụy Điển Bjorn Jerden nói việc kết thúc các chương trình cho thấy thái độ cứng rắn của Thụy Điển đối với Trung Quốc: Ý kiến ​​công chúng về Trung Quốc đã trở nên tiêu cực hơn rất nhiều ở Thụy Điển. Điều này khá quan trọng, vì Thụy Điển từng là một của các quốc gia tích cực nhất ở châu Âu về số lượng các thỏa thuận này.

Có 541 viện Khổng Tử trên toàn thế giới, bao gồm 137 cơ sở ở châu Âu. Thụy Điển là quốc gia châu Âu đầu tiên thực hiện việc đóng cửa toàn bộ Viện Khổng Tử sau 6 năm. Vào tháng 12/2014, Đại học Stockholm - trường đại học đầu tiên ở châu Âu tổ chức Học viện Khổng Tử - cũng là cơ sở đầu tiên tuyên bố chấm dứt chương trình.

Một "ghi chú" dài 5 trang do Ủy ban châu Âu gửi đến chính quyền và các trường đại học ở châu Âu vào tháng 2/2020, đề nghị các trường đại học thuộc Liên minh châu Âu (EU) nên thành lập đội chống gián điệp dân sự để ngăn chặn Trung Quốc và những người khác ăn cắp bí mật khoa học.

"Cá nhân" hoặc "nhóm" đặc biệt trong mỗi trường đại học sẽ "liên lạc" với các nhân viên phản gián thực sự từ các dịch vụ an ninh quốc gia "cùng xử lý các vấn đề xâm phạm của nước ngoài".

Đại học Vrije Universiteit ở Brussel (Bỉ) cũng quyết định cắt đứt quan hệ với Viện Khổng Tử vào năm 2019, sau khi dịch vụ an ninh nội địa của Bỉ tuyên bố người đứng đầu Viện - Xinning Song - là “persona non grata” - cá nhân không được chào đón ở nước này.

Các học viên của Viện Khổng Tử tại châu Phi học cách xếp đèn lồng Trung Thu.
Các học viên của Viện Khổng Tử tại châu Phi học cách xếp đèn lồng Trung thu

Vào tháng 4/2017, Hiệp hội học giả quốc gia Mỹ đã phát hành báo cáo “Học viện Khổng Tử và Quyền lực mềm trong Giáo dục đại học Mỹ” đưa ra phân tích toàn diện về cách chính phủ Trung Quốc thâm nhập vào các trường đại học, cao đẳng Mỹ để nâng cao hình ảnh của nước họ.

Một đạo luật của Mỹ thông qua vào năm 2019, cấm các trường đại học tổ chức Học viện Khổng Tử nhận tài trợ cho các nghiên cứu ngôn ngữ Trung Quốc dẫn đến việc đóng cửa nhiều Học viện Khổng Tử hơn.

Tính đến ngày 24/4/2020, có tổng cộng 86 Học viện Khổng Tử tại Mỹ, bao gồm 5 cơ sở dự kiến ​​sẽ đóng cửa vào mùa hè năm 2020 tại Đại học bang Maryland, Đại học bang New Mexico, Đại học bang Missouri, Đại học bang Arizona và Đại học Miami ở Ohio.

Vào tháng 1/2020, Đại học Maryland ở Mỹ cũng đã hủy bỏ học viện Khổng Tử liên kết do những cáo buộc về việc Bắc Kinh cố gắng gây ảnh hưởng chính trị đến các học giả. Đây là cơ sở lâu đời nhất của Viện Khổng Tử tại Mỹ.

Trung Quốc kiểm soát những gì được dạy trong các lớp học Khổng Tử và kiểm duyệt mạnh mẽ các chủ đề như độc lập, Tây Tạng và Đài Loan. Các viện Khổng Tử cũng bị cáo buộc tuyển dụng thiên vị vì chỉ ủng hộ những người trung thành với nhà cầm quyền Trung Quốc. Giờ đây, các nước lo ngại Viện Khổng Tử có thể trở thành điểm nóng giúp Trung Quốc tiến hành một cuộc chiến tuyên truyền lớn nhằm “tẩy trắng” trách nhiệm trong đại dịch COVID-19.

Tấn Vĩ (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI