Vì sao Trung Quốc chọn thời điểm này để gây hấn trên Biển Đông?

27/04/2020 - 07:20

PNO - Trước sự leo thang “bắt nạt” của Trung Quốc tại Biển Đông, Mỹ hiện chỉ có một số ít tàu hoạt động tại khu vực.

Tại Biển Đông, Mỹ hiện chỉ có tàu tấn công đổ bộ USS America cùng một tàu tuần dương, một tàu khu trục hoạt động tại khu vực.

Lực lượng Hải quân Mỹ mỏng đi vì COVID-19

Hải quân Mỹ và Hải quân Hoàng gia Úc (RAN) đã hợp tác để tiến hành các hoạt động ở Biển Đông. Một tàu khu trục lớp Anzac của Úc - HMAS Parramatta (FFG 154) bắt đầu thực hiện nhiệm vụ cùng tàu tuần dương tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga - USS Bunker Hill (CG 52) từ Mỹ vào trung tuần tháng Tư. Liên minh sau đó bổ sung thêm tàu tấn công đổ bộ USS America (LHA 6) và tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh-Burke USS Barry (DDG 52).

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kiểm tra một cuộc tập trận quân sự chung ở Biển Đông vào tháng 4/2018 - Ảnh: Tân Hoa Xã
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kiểm tra một cuộc tập trận quân sự chung ở Biển Đông vào tháng 4/2018 - Ảnh: Tân Hoa Xã

Các hoạt động kết hợp của đội tàu hai nước bao gồm tập trận tích hợp và diễn tập cơ động ở Biển Đông, gần nơi tàu nghiên cứu Haiyang Dizhi 8 - hỗ trợ bởi nhóm tàu cảnh sát biển Trung Quốc - đối đầu với các tàu khảo sát dầu khí của Malaysia. Malaysia phản đối việc Trung Quốc đưa tàu vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này, cũng như đưa ra yêu sách lãnh thổ với hầu hết khu vực Biển Đông.

Chuẩn đô đốc Fred Kacher của Hải quân Mỹ tuyên bố: “Việc đưa đội tàu chiến đấu đến Biển Đông giúp báo hiệu cho các đồng minh và đối tác của chúng tôi rằng Mỹ cam kết giữ gìn tự do và hoạt động mở cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Nhưng màn biểu diễn năng lực và sự cam kết của Washington lại trông giống như viễn cảnh thuận lợi của Bắc Kinh. Bởi dù có sự hậu thuẫn từ Úc, hạm đội Mỹ ở Biển Đông tương đối mỏng.

Có lẽ Mỹ vẫn duy trì một hoặc hai tàu ngầm gần khu vực, nhưng hỗ trợ trên không lại rất kém. USS America sở hữu một số ít tiêm kích F35 và máy bay trực thăng, bởi bản thân tàu không phải là hàng không mẫu hạm. Các hàng không mẫu hạm hiện ở rất xa. Tàu USS Theodore Roosevelt đang mắc kẹt ở đảo Guam do sự bùng phát của COVID-19, với 856 ca dương tính SARS-CoV-2 từ thủy thủ đoàn 4.800 thành viên. Tàu sân bay USS Ronald Reagan thì đang neo đậu tại Nhật Bản.

Hỗ trợ trên không cũng yếu do các căn cứ không quân gần nhất của Mỹ tọa lạc trên đảo trên Guam (cách 3.200 km) và Okinawa (cách 2.400 km). Ngược lại, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) có nhiều tàu hơn ở Biển Đông và quanh bờ biển đại lục. 

Sự chia rẽ giữa Mỹ và đồng minh Philippines

Tuy là đồng minh lớn nhất của Mỹ tại Biển Đông, vào tháng 2/2020, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ra lệnh chấm dứt Thỏa thuận lực lượng thăm viếng năm 1998 (VFA) với Mỹ, cáo buộc Washington can thiệp vào vấn đề nội bộ. Quyết định sẽ được thi hành vào tháng 8/2020. Không có VFA, Hiệp ước hỗ trợ phòng thủ lẫn nhau (MDT) năm 1951 - cơ sở cho hợp tác an ninh song phương Mỹ - Philippines dễ trở nên vô dụng. 

Nếu không có quyền miễn trừ ưu đãi, quân đội Mỹ sẽ bị cản trở trong việc duy trì hoạt động bình thường của khoảng 300 cuộc tập trận song phương, triển khai luân chuyển quân đội, các cuộc viếng thăm cảng hàng năm. Trên thực tế, Philippines dành 1,1% GDP cho quốc phòng, một nửa mức trung bình của ASEAN. Trong đó, chỉ có 30% ngân sách quốc phòng của Philippines hỗ trợ các hoạt động quân sự, phần còn lại dùng để trả lương và lương hưu cho nhân viên. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi Mỹ gần như chịu trách nhiệm hoàn toàn cho việc phát triển năng lực quân sự của Philippines tại Biển Đông.

Bất chấp quan điểm trái ngược từ phía Tổng thống Duterte, bảo đảm an ninh của Mỹ đối với Philippines được ghi nhận trong MDT vẫn duy trì. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố trong chuyến thăm Manila năm 2019 rằng, bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào của Trung Quốc vào quân Philippines hoặc các tàu công cộng tại vùng biển phía Tây hoặc phía Đông Philippines đều sẽ tự động kích hoạt MDT.

Richard Haass - thành viên tổ chức phi lợi nhuận Council on Foreign Relations (Mỹ) - cảnh báo rằng, sự lãnh đạo của Mỹ trên đà suy yếu, cùng với suy thoái kinh tế kéo dài từ đại dịch COVID-19, có thể tác động xu hướng địa chính trị châu Á. Khi Trung Quốc cố gắng tận dụng khoảng trống do COVID-19 tạo ra, Washington và các mối quan hệ đồng minh lâu đời ở Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể xấu đi. Từ đó, mang lại cho Bắc Kinh thêm động lực để áp đặt ý chí của mình đối với khu vực, theo trật tự thế giới sau đại dịch mà nước này giả định.

Tấn Vĩ (theo The Diplomat, Asia Times, Naval-technology)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI