Nhiều nước châu Á chuyển hướng sống chung với dịch, Trung Quốc vẫn kiên định “zero-COVID”

01/11/2021 - 15:38

PNO - Trong khi các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương đang dần nới lỏng các hạn chế, đưa nhiều hoạt động trở lại bình thường, thì Trung Quốc vẫn đang quyết liệt với chính sách “nói Không với COVID-19”.

Mặc dù đã tiêm ngừa đầy đủ cho hơn 75% dân số, Trung Quốc vẫn kiên định với chiến lược “zero-COVID”, đi cùng với nhiều biện pháp nghiêm ngặt, trong đó có việc tiếp tục đóng cửa các biên giới, áp dụng thời gian cách ly dài ngày đối với tất cả những người đến từ nước ngoài và phong tỏa các địa phương đang bị bùng phát dịch.

Người dân Trung Quốc xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 bên ngoài một bệnh viện
Người dân Trung Quốc xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 bên ngoài một bệnh viện ở Bắc Kinh

Cuối tháng 10, thành phố Lan Châu, phía tây bắc Trung Quốc với dân số hơn 4 triệu người, đã bị phong tỏa sau khi chỉ có 6 ca nhiễm COVID-19 mới.

Một số quan chức y tế Trung Quốc đã đề nghị nới lỏng tạm thời hoặc một phần khi tỷ lệ tiêm chủng đạt 85%, nhưng các nhà phân tích cho rằng chính phủ nước này dự kiến cũng sẽ không nới lỏng nhiều các biện pháp hạn chế trong vòng 12 tháng tới.

Khác với Trung Quốc, nhiều quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, vốn từng theo đuổi chiến lược “zero-COVID”, nay đang chọn cách sống chung với dịch và dần mở cửa nhiều hoạt động trở lại.

Tuy vẫn đang ghi nhận hàng ngàn ca nhiễm mới mỗi tuần, Hàn Quốc đã quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 1/11. Theo đó, nước này sẽ cho phép tổ chức các cuộc hội họp cá nhân tập trung tối đa 10 người, đồng thời dỡ bỏ lệnh giới nghiêm. Hầu hết các doanh nghiệp cũng sẽ được phép mở cửa hoàn toàn trở lại. Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, tất cả học sinh nước này sẽ đi học lại từ ngày 22/11.

Ở Tokyo, Nhật, lệnh giới nghiêm cũng đã được dỡ bỏ đối với các quán bar và nhà hàng vào cuối tháng trước, mặc dù nước này vẫn đang ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới trên toàn quốc mỗi ngày.

Tuy nhiên, cả Nhật và Hàn Quốc đều tiếp tục kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, và yêu cầu cách ly bắt buộc đối với hầu hết du khách quốc tế.

Phun khử khuẩn trên đường phố Seoul, Hàn Quốc hôm 29/10
Phun khử khuẩn trên đường phố Seoul, Hàn Quốc hôm 29/10

Trong khi đó, từ ngày 1/11, Thái Lan sẽ mở cửa đón du khách từ 63 quốc gia, với điều kiện người nhập cảnh vào nước này đã được tiêm ngừa đầy đủ và có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Hôm 1/11, Úc cũng bắt đầu mở lại một phần biên giới cho những công dân đã được tiêm chủng đầy đủ, chấm dứt các hạn chế đi lại nghiêm ngặt, vốn làm cho nhiều gia đình nước này bị chia cách trong gần 2 năm qua.

Theo nhận định của CNN, sở dĩ các nước châu Á - Thái Bình Dương bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế là vì đã đạt tỷ lệ tiêm chủng khá cao. Mặc dù bắt đầu triển khai tiêm ngừa khá chậm, một số nước trong khu vực như Úc, Nhật, Hàn Quốc và Singapore hiện đang nằm trong danh sách những quốc gia có tỷ lệ tiêm ngừa COVID-19 tính theo đầu người cao nhất thế giới.

Tính đến cuối tháng 10, ít nhất 73% dân số Hàn Quốc đã được tiêm ngừa đầy đủ. Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết đã đến lúc đất nước này “cần thực hiện những bước đầu tiên để đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường”.

“Thêm vào đó, với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Delta, việc diệt trừ virus hoàn toàn là điều bất khả. Các nước như Úc và New Zealand đã có nhiều nỗ lực để theo đuổi cách làm này. Nhưng nay, đã đến lúc họ cần phải thay đổi cách phòng chống dịch, nếu không sẽ phải lặp đi lặp lại tình trạng phong tỏa”, ông Zhengming Chen - một giáo sư dịch tễ học tại Đại học Oxford - giải thích thêm.

Giáo sư cũng Chen cho rằng, khi mở cửa trở lại, các nước châu Á cũng có nguy cơ đối mặt với những đợt bùng phát dịch mới, nhưng tiêm ngừa sẽ làm giảm đáng kể các ca nhiễm bệnh với mức độ nghiêm trọng, và đây chính là cơ sở để từ bỏ chiến lược “zero-COVID”.

“Đến một giai đoạn nào đó, các quốc gia phải chấp nhận để cho các trường hợp nhiễm mới tăng lên, nhưng theo cách có thể kiểm soát được. Chúng ta không thể phong tỏa vĩnh viễn vì virus có thể vẫn luôn tồn tại”, ông Chen nói thêm.

Theo cách nói của Thủ tướng Kim Boo-kyum, cuộc chiến chống COVID-19 vẫn chưa phải kết thúc, và các nước cần phải có “một khởi đầu mới” trong cuộc chiến này.

Nhất Nguyên (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI