Nhảy việc để tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống

14/05/2025 - 06:58

PNO - Ngày càng có nhiều lao động trẻ chọn nhảy việc để tìm kiếm sự viên mãn và cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Cho bản thân cơ hội để hạnh phúc

Sau khi tốt nghiệp ngành điều dưỡng tại Trường Ngee Ann Polytechnic (Singapore), năm 2021, Suhada Wang bước vào nghề y tá trong thời kỳ đại dịch COVID-19 với công việc cấp thuốc và theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân nơi tuyến đầu. Công việc ổn định nhưng lặp đi lặp lại khiến Suhada kiệt sức.

Nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Z sẵn sàng lựa chọn hướng đi nghề nghiệp mới khi cảm thấy mình không phù hợp với vị trí và môi trường làm việc hiện tại - Nguồn ảnh minh họa: Shutterstock
Nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Z sẵn sàng lựa chọn hướng đi nghề nghiệp mới khi cảm thấy mình không phù hợp với vị trí và môi trường làm việc hiện tại - Nguồn ảnh minh họa: Shutterstock

Cô bộc bạch: “Ngày nào cũng giống nhau. Tôi nghĩ cuộc sống phải có nhiều thứ hơn như thế”. Suy nghĩ đó của Suhada hình thành sau chuyến du lịch 18 ngày đến Bali (Indonesia) vào năm 2022. Cô nhớ lại ước mơ thời niên thiếu của mình là làm việc trong ngành truyền thông. Ngành điều dưỡng là lựa chọn của mẹ cô, nhưng theo đuổi những câu chuyện và ghi lại những hành trình thú vị mới là lựa chọn thực sự của cô.

Trở lại Singapore, Suhada đặt mục tiêu làm việc tại The Travel Intern - một nền tảng nội dung du lịch địa phương. Vì không có kinh nghiệm làm việc hay chuyên môn phù hợp, cô tiếp tục làm điều dưỡng và tiết kiệm tiền cho những chuyến đi ngắn ngày. Trong hơn 1 năm, Suhada đã đến Lào, Việt Nam, Philippines, Thái Lan và ghi lại những trải nghiệm trên đường đi. Cuối cùng, những trải nghiệm này giúp cô làm việc toàn thời gian tại The Travel Intern kể từ tháng 4/2025, ở tuổi 25.

Flynn Phelan đã nhảy việc ngay từ những năm đầu bước chân vào thị trường lao động Úc để tìm kiếm một công việc khiến anh cảm thấy hạnh phúc. Tốt nghiệp trung học năm 17 tuổi và giống như nhiều người trẻ, Flynn quyết định học nghề. Nhưng anh bắt đầu thèm khát một điều gì đó mới mẻ sau 5 năm làm nhân viên kiểm tra chất lượng đất tại miền trung bang Queensland (Úc). Flynn nhận ra mình thích nói chuyện với mọi người nên anh đã đổi đôi giày bốt để khoác lên mình chiếc vest và thử sức với ngành môi giới bất động sản. Anh chia sẻ: “Tôi hạnh phúc hơn nhiều, yêu công việc của mình và thực sự thích làm việc”.

Suhada và Flynn chỉ là một phần của làn sóng “kẻ lạc lõng giữa văn phòng” (thuật ngữ được sử dụng trên mạng xã hội để mô tả những người - thường là thế hệ Z, sinh trong giai đoạn 1997-2012 - đang tìm cách thay đổi nghề nghiệp sau 5, 10 hoặc 15 năm làm việc) đang ngày càng gia tăng. Thuật ngữ này phản ánh sự chủ động trong việc tìm kiếm con đường sự nghiệp riêng. Đối với nhiều người, mục tiêu không phải là thăng chức mà là một công việc mang lại ý nghĩa cùng sự viên mãn. Theo một cuộc khảo sát của nền tảng giáo dục EduBirdie (Mỹ), 37% người thuộc thế hệ Z cho biết đối với họ, công việc ý nghĩa là điều quan trọng nhất; 26% cho biết “không tìm được công việc khiến bản thân hứng thú” là một trong những nỗi lo lớn nhất; 32% lo lắng họ sẽ không phát huy hết tiềm năng của mình.

Thay đổi góc nhìn về sự nghiệp

Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc theo đuổi ý nghĩa trong công việc là mục tiêu mà một nhóm sinh viên chuyên ngành truyền thông tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) tìm hiểu thông qua dự án “Spark The Start”. Chiến dịch này nhằm khơi dậy cuộc đối thoại về những con đường sự nghiệp không theo khuôn mẫu. Isabelle Ang (23 tuổi) - 1 trong 4 thành viên đứng sau chiến dịch - cho biết: “Chúng tôi muốn thách thức quan niệm cho rằng mọi người đều phải theo đuổi công việc ổn định, an toàn hoặc danh giá”. Là một phần trong nghiên cứu, nhóm đã khảo sát 150 người trong độ tuổi từ 21-25 để hiểu điều gì thúc đẩy thế hệ Z trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Kết quả cho thấy, động lực nghề nghiệp hàng đầu là sự hoàn thiện bản thân (57,9%), tiếp theo là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống (10,5%), sự an toàn trong công việc (10,5%), mức lương (9,8%) và tác động xã hội (5,3%).

Bình luận về những khó khăn trong sự nghiệp mà nhiều người trẻ phải đối mặt, cô Prasanthi Guda - trưởng nhóm hướng nghiệp bậc đại học tại Trung tâm Hướng nghiệp, Đại học Quản lý Singapore - lưu ý: “Cuộc đấu tranh giữa tính thực tế và đam mê là một thách thức mà ngay cả những người kỳ cựu cũng phải đối mặt. Lý tưởng nhất là sự kết hợp lành mạnh của cả hai, nhưng nếu bạn không có được điều đó trong công việc đầu tiên của mình thì cũng không sao. Bạn có thể tìm kiếm nó ở những vị trí khác”. Cô nói thêm, chìa khóa là hiểu “điều gì cần ưu tiên ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống và sự nghiệp của mỗi người”.

Linh La (theo Straits Times, ABC.net.au, Forbes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI