Nhật Bản đẩy nhanh hoạt động của hai siêu trung tâm tiêm chủng giữa tâm dịch

31/05/2021 - 15:17

PNO - Hôm 31/5, hai trung tâm tiêm chủng đại trà ở Tokyo và Osaka đã hoạt động với công suất tối đa, một tuần sau khi khai trương.

Hai địa điểm, được điều hành bởi các nhân viên Lực lượng Phòng vệ và dự kiến hoạt động trong ba tháng, đã đạt mục tiêu cung cấp tối đa 10.000 và 5.000 mũi tiêm mỗi ngày khi Nhật Bản tìm cách hoàn thành việc tiêm chủng cho những người từ 65 tuổi trở lên vào cuối tháng Bảy.

Các trung tâm góp phần đẩy nhanh chương trình tiêm chủng do chính quyền địa phương điều hành, với mục tiêu của Thủ tướng Yoshihide Suga là đạt 1 triệu liều tiêm trên toàn quốc mỗi ngày từ giữa tháng Sáu.

Nhật Bản đang tụt hậu so với các nước phát triển khác trong việc triển khai vắc-xin. Kể từ khi chương trình bắt đầu vào tháng Hai, chỉ khoảng 6% trong số 126 triệu dân của đất nước nhận được ít nhất một liều vắc-xin.

Người cao tuổi sống ở Tokyo, Osaka và các tỉnh lân cận như Saitama, Chiba, Kanagawa, Kyoto và Hyogo đủ điều kiện để tiêm chủng tại hai “siêu trung tâm” trên.

Cùng với việc tăng sức chứa cho hai cơ sở, Bộ Quốc phòng bắt đầu chấp nhận cuộc hẹn tiêm chủng đặt trước tại trung tâm tiêm chủng ở Osaka từ Hyogo và Kyoto, bắt đầu từ ngày 7/6 trên trang web chính thức và thông qua ứng dụng tin nhắn Line.

Dù vậy, các trung tâm tiêm chủng đại trà đang sử dụng vắc-xin hai liều do công ty công nghệ sinh học Moderna Inc. của Mỹ phát triển; trong khi việc tiêm chủng do chính quyền địa phương tiến hành đang cung cấp vắc-xin hai liều do công ty dược phẩm Pfizer Inc. (Mỹ) và đối tác BioNTech SE (Đức) phát triển.

Do đó, những người đã tiêm một liều vắc-xin Pfizer không được phép sử dụng liều Moderna. Bộ Quốc phòng khuyến cáo, những người đã đặt lịch tiêm tại trung tâm do nhà nước quản lý và cơ sở do chính quyền địa phương điều hành cần nhanh chóng hủy bỏ một trong hai.

Người cao tuổi được chủng ngừa COVID-19 vào ngày 31/5, tại Sân vận động Noevir Kobe ở miền tây Nhật Bản.
Người cao tuổi được chủng ngừa COVID-19 vào ngày 31/5, tại Sân vận động Noevir Kobe ở miền tây Nhật Bản

Ở một diễn biến khác, tờ Yomiuri đưa tin hôm 31/5, Nhật Bản đang cân nhắc yêu cầu người hâm mộ tham dự Thế vận hội Tokyo xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính hoặc hồ sơ tiêm chủng.

Khán giả nước ngoài đã bị cấm tham dự và các nhà tổ chức dự kiến ​​sẽ đưa ra quyết định vào tháng tới về việc liệu người hâm mộ Nhật Bản có được tham dự Thế vận hội hay không, và nếu có thì với những điều kiện nào.

Ngoài các biện pháp chống virus khác như cấm cổ vũ ồn ào và đập tay ăn mừng, Yomiuri cho biết chính phủ đang xem xét liệu khán giả có phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính, được thực hiện trong vòng một tuần trước khi tham dự một sự kiện Olympic hay không.

Báo cáo trên dẫn đến hàng ngàn bài đăng trên mạng xã hội chỉ trích việc nước này tiếp tục thúc đẩy tổ chức Thế vận hội giữa lúc đại dịch bùng phát.

Thuật ngữ "chứng chỉ kiểm tra âm tính" đang thịnh hành trên Twitter ở Nhật Bản, thu hút hơn 26.000 lượt tweet vào chiều 31/5.

Một người dùng Twitter lên tiếng: "Nếu bạn không thể ăn uống, cổ vũ hay thi đấu đỉnh cao, thì việc trả tiền cho một chiếc vé và một đợt xét nghiệm đắt tiền là gì?", trong khi những người khác đặt câu hỏi về tính chính xác của chứng chỉ xét nghiệm.

Trong một cuộc thăm dò do tờ Nikkei công bố cùng ngày, hơn 60% số người được hỏi ủng hộ việc hủy bỏ hoặc trì hoãn Thế vận hội, một kết quả phù hợp với các cuộc thăm dò trước đó của các phương tiện truyền thông khác.

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản và Ủy ban Olympic quốc tế khẳng định, sự kiện Olympic Tokyo sẽ diễn ra theo các quy tắc an toàn nghiêm ngặt từ ngày 23/7 - 8/8.

Linh La (theo Kyodo, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI