Nhà thơ Bình Nguyên Trang: “Không thể trả lời thỏa đángcho câu hỏi về tình yêu”

29/09/2016 - 12:20

PNO - Trên “cánh đồng” chữ nghĩa, Bình Nguyên Trang âm thầm cày xới nhiều thể loại. Trong mỗi câu chuyện, nụ cười của chị, lại ẩn chứa nhiều ngẫm ngợi của người đàn bà trải nghiệm...

* Phóng viên: Cầm bút đã hơn 20 năm, là cái tên được bạn đọc tuổi học trò nhiều thế hệ nhớ đến, với khối lượng tác phẩm chị sở hữu, có thể nhìn thấy một Bình Nguyên Trang bền bỉ và chung thủy với nghiệp văn chương?

- Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Thực ra, so với một số bạn văn cùng trang lứa, tôi chưa viết nhiều bằng họ. Và trong văn chương, chuyện viết bao nhiêu chữ, bao nhiêu trang sách, bao nhiêu cuốn sách không quan trọng bằng việc độc giả có đọc mình, có nhớ tới mình hay không. Lao động bền bỉ, chung thủy, đối với tôi cũng là những khái niệm chung chung, khiên cưỡng, và có chút xa lạ. Viết đối với tôi không phải là sự cố ý. Nó là một cái gì tự nhiên, như kiểu đầy thì tràn. Có chút gì đó bản năng.

* Với chị, văn chương có vai trò như thế nào?

- Tôi cần những cuộc trò chuyện mà ở đó, toàn bộ đời sống tinh thần của tôi được tỏ bày, được thỏa mãn, được sẻ chia. Viết có vai trò với tôi như vậy. Giây phút ngồi trước trang giấy và viết nỗi buồn, niềm vui, trải nghiệm của mình trên đó, tôi hạnh phúc.

Văn chương chẳng cao hơn bất cứ nghề nào, nhưng nó là nghề đầy khiêu khích. Đôi khi bạn chọn nó cũng chẳng được. Đôi khi bạn rời bỏ nó cũng chẳng xong. Nó là một nghề đỏng đảnh, thường giành quyền lựa chọn ai đó hơn là để họ chọn.

Tôi có khoảng 10 năm im hơi lặng tiếng. Một phần vì vật lộn mưu sinh, nhưng cơ bản là tôi muốn rời bỏ văn chương. Tôi định sẽ đi một con đường khác và khép lại cuộc chơi với con chữ. Bởi tôi ngộ thấy, văn học là công việc của bóng tối, của im lặng, cô đơn. Tôi đã muốn làm một người "khôn ngoan" hơn, là tránh xa việc viết. Nhưng rồi tôi thua cuộc. Càng lúc, tôi càng thấy việc ngồi vào bàn và viết một điều gì đó lên trang giấy là niềm an ủi, niềm hân hoan đáng kể trong đời sống của mình. Khi có trang giấy làm bạn, mọi cảm xúc đều được thăng hoa, được sẻ chia rất lớn. Và rồi, sau gần 10 năm, tôi chính thức trở lại bằng việc in ba cuốn sách trong một năm.

Nha tho Binh Nguyen Trang: “Khong the tra loi thoa dangcho cau hoi ve tinh yeu”

* Đều đều ra mắt sách trong thời buổi văn hóa đọc có phần ngổn ngang, phải chăng vì chị có niềm tin sẽ tìm được tri âm?

- Có, tôi luôn mang theo niềm tin ấy trên đường. Làm nghệ thuật nói chung, viết văn nói riêng, theo tôi, không phải chỉ để nổi danh, không phải chỉ để kiếm tiền, không phải để trang trí cho cuộc đời mình, mà chính là để đi tìm tri âm, tìm một tiếng vọng.

* Theo chị, văn chương có còn “đất” trong thời hiện đại? Có được lớp trẻ hưởng ứng và đón nhận?

- Thời nào văn chương cũng còn đất, tôi nghĩ vậy. Chỉ khi thế gian này không còn tồn tại thì văn chương mới biến mất. Dù có thể là hôm nay chúng ta thấy ít người đọc văn chương hơn, nhưng không có nghĩa là khả năng an ủi, bồi đắp của văn chương không còn, hay không mạnh mẽ.

Lớp trẻ có thể đang mải mê nhiều loại hình giải trí khác, và ít tiếp cận văn chương hơn, thực tế đó có chút chạnh lòng. Lỗi ở đây không phải của lớp trẻ. Lỗi thuộc về các nhà văn chưa có nhiều tác phẩm đủ sức nặng, sức hấp dẫn để lôi kéo độc giả.

Nhìn vào một số hiện tượng trong văn học như sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư được độc giả đón nhận với số lượng “khủng”, ta có thể thấy điều này: giới trẻ vẫn khát văn chương, vẫn say mê những tác phẩm hay.

Còn khi độc giả thờ ơ, nghĩa là đời sống văn chương đang thiếu tác phẩm hay. Đơn giản vậy thôi. Chúng ta nói văn hóa đọc xuống cấp, gia đình, nhà trường không rèn kỹ năng đọc sách cho giới trẻ cũng chỉ đúng một phần.

* Chị có phải là người phụ nữ phức tạp, pha trộn giữa tính kỷ luật và sự lãng mạn, mơ mộng?

- Kỷ luật của cơ quan thực ra cũng chỉ là chuyện nội quy, giờ giấc. Cái đó thì ngay lúc ở nhà mình cũng cần kỷ luật, vì như thế mới đủ thời gian làm hết các việc trong ngày. Còn con người bên trong thì không điều gì có thể làm mình khác đi. Mơ mộng thì vẫn cứ mơ mộng thôi. Nhưng tôi cũng không hẳn là một người mơ mộng, lãng mạn quá đâu. Hoặc nếu có thì thời đó qua rồi. Tôi ngày càng thấy mình không có chút phức tạp nào, thậm chí rất đơn giản là khác.

* Tuổi thơ của một nữ sĩ có lẽ đặc biệt, thưa chị?

- Tôi sinh ra tại ngôi làng vùng trung du ngoại ô thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tuổi thơ của tôi là không gian của vùng đồng bằng Bắc bộ, với cánh đồng xanh mướt, với bờ đê đầy hoa sài đất nở vàng, với những con đò xuôi ngược trên sông và những phận người lam lũ. Tất cả đã gợi nên những cảm xúc đẹp để viết nên những bài thơ đầu tiên trong cuộc đời.

Năm tôi 10 tuổi, đang học lớp 4 trường làng thì đậu vào lớp chuyên văn của huyện. Cha đưa tôi đến gặp thầy Nguyễn Ngọc Ký, vốn là bạn học của cha, nhờ để ý giúp. Thầy đã chỉ cho tôi cái hay, cái đẹp của nhiều tác phẩm văn chương, và giú p tôi hiểu một điều cơ bản: cuộc sống sẽ trở nên buồn tẻ và nhàm chán đến nhường nào, nếu không có văn học nghệ thuật…

* Còn với hai “tác phẩm” đáng yêu, Bình Nguyên Trang là người mẹ như thế nào?

- Điểm yếu của tôi là nhiều lúc chiều con hơi thái quá. Tôi hay hình dung lại mì nh khi còn nhỏ, để hiểu các sở thích của bọn trẻ bây giờ. Tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ tôi và nghĩ việc mình sống như thế nào, ứng xử, lựa chọn ra sao cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến bọn trẻ. Vậy nên, có bọn trẻ, tôi thấy mình sống tốt hơn mỗi ngày.

* Cái nhìn của chị về tình yêu, thưa chị?

- Không có câu trả lời nào có thể thỏa đáng cho câu hỏi về tình yêu. Chỉ biết rằng, không có tình yêu, đời sống chỉ là một sự khô cằn, trống rỗng.

* Làm báo, làm vợ, làm mẹ, vậy thời gian nào chị dành cho sáng tác?

- Nói chung, tôi cũng là một bà mẹ “siêu nhân” đấy. Việc làm báo, dĩ nhiên rất bận rồi. Việc nhà cũng phải lo toan nhiều thứ lắm. Và sáng tác lúc nào nhỉ? Hình như bất cứ lúc nào. Lúc nghỉ ngơi, khi đang viết dở một bài báo, lúc đêm khuya một mình. Tôi là người ngủ ít.

* Chị tìm cảm hứng bằng cách nào? Chị làm mới mình ra sao trong cuộc sống bộn bề, bận rộn?

- Cảm hứng thì tự nó đến, vì muốn tìm cũng không biết đâu để tìm. Cảm hứng đến từ những gì xung quanh “đập” vào lý trí. Càng biết lắng nghe đời sống, cảm hứng càng tuôn chảy. Tôi nghĩ, chỉ cần bạn sống không vô cảm thì bất cứ điều gì xung quanh, dù là nhỏ nhất, cũng có thể mang đến cho bạn những rung cảm bất ngờ. Làm mới mình thực ra cũng từ đấy thôi.

Tất cả những gì ở bên ngoài, cho dù lóng lánh đến đâu, cũng chỉ là một sự làm mới vô bổ, rất nhanh chán và nhanh cũ. Phải là một sự làm mới từ bên trong. Và nó giống như cái mầm cây, được bạn nuôi nấng từ việc đọc một trang sách hay, ân cần với một cảnh ngộ, xúc động trước một bông hoa nở, một chiếc lá rơi, hay trải nghiệm từ những chuyến đi… Cuộc sống càng bận rộn, càng phải giữ cho mình sự tĩnh lặng trong tâm hồn, đó mới là gốc rễ của sự làm mới.

* Chị có tìm được sự đồng cảm trong gia đình, người thân, bạn bè?

- Tri âm tri kỷ rất khó tìm thấy. Tôi cũng có những khoảnh khắc cô đơn, và có lẽ cũng là tạng người sống được trong cô đơn, không đến nỗi xem cô đơn như kẻ thù cần phải loại bỏ. Tôi vui và buồn thuận theo tự nhiên. Ở tuổi này, tôi cũng đã học được bài học về sự buông bỏ, cũng như biết chấp nhận những người thân yêu như chính bản thân họ. Tôi là người ít đòi hỏi ở người khác, thành ra cuộc sống cũng khá đơn giản, dễ chịu.

* Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện.

Bình Nguyên Trang đã xuất bản nhiều tập sách, gồm các thể loại thơ, truyện ngắn, ký chân dung. Ngoài các giải thưởng do báo Hoa Học Trò, Áo Trắng, Mực Tím trao tặng khi còn là một cây bút tuổi học trò, Bình Nguyên Trang còn giành giải nhất truyện ngắn Tác phẩm tuổi xanh của báo Tiền Phong khi cô vừa tròn 20 tuổi, giải B của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho tập thơ Những bông hoa đang thiền.

Khánh Thủy (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI