Nhà khoa học hàng đầu của Đức bị điều tra hành vi gian lận và tham nhũng

11/04/2021 - 14:24

PNO - Một nhà tâm lý học hàng đầu của nước Đức đang đứng trước nguy cơ bị trường đại học nơi mình công tác truy tố ra tòa với cáo buộc gian lận số liệu và tham nhũng trong nghiên cứu.

Ông Hans-Ulrich Wittchen, nhà tâm lý học hàng đầu của nước Đức, đang đứng trước nguy cơ bị Trường đại học tổng hợp Kỹ thuật Dresden (TU Dresden - Đức) truy tố ra tòa với cáo buộc gian lận số liệu trong nghiên cứu.

Kết quả điều tra kéo dài 2 năm vừa được tờ Science công bố mới đây cho thấy, có bằng chứng rõ ràng về việc ông Wittchen đã có hành vi gian dối số liệu trong một nghiên cứu do ông thực hiện trước đó.

Ông Hans-Ulrich Wittchen - Ảnh: MITTENZWEI KARL/PICTURE-ALLIANCE/BERLINER ZEITUNG
Ông Hans-Ulrich Wittchen - Ảnh: Mittenzwei Karl/Picture-Alliance/Berliner Zeitung

Theo đó, nghiên cứu bị “đưa vào tầm ngắm” là một cuộc khảo sát quy mô lớn tại gần 100 cơ sở điều trị bệnh tâm thần trên khắp nước Đức với ngân sách thực hiện lên tới 2,4 triệu Euro do ông Wittchen làm trưởng nhóm nghiên cứu. Dự án tập trung phân tích để tìm hiểu tình trạng quá tải trong công việc của nhân viên thuộc hệ thống này, từ đó nêu lên các khuyến nghị và giải pháp giúp chính phủ Đức cải thiện tình hình.

Thế nhưng từ tháng 2/2019, báo chí Đức bắt đầu râm ran việc các số liệu của dự án nghiên cứu này “có dấu hiệu bị ngụy tạo” khiến TU Dresden phải vào cuộc bằng cách mở một cuộc điều tra chính thức do giáo sư ngành Luật Hans-Heinrich Trute dẫn đầu.

Sau 2 năm tiến hành điều tra, ủy ban điều tra của TU Dresden đã có báo cáo cuối cùng với phát hiện rằng: chỉ có 73 trong tổng số 93 cơ sở điều trị và hỗ trợ bệnh nhân tâm thần là thực sự được nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát. Số cơ sở y tế còn lại đã được ông Wittchen chỉ đạo các nghiên cứu viên giả mạo số liệu bằng cách copy dữ liệu từ một cơ sở y tế để “xào nấu” thành số liệu cho những đơn vị còn lại.

“Những vi phạm này là cố tình chứ không phải đơn thuần là sự cẩu thả trong công việc”, báo cáo cho biết.

Nói với tờ Science về cáo buộc gian lận số liệu, Wittchen cho biết ông không muốn trả lời các câu hỏi quá chi tiết “bởi chúng liên quan đến các vấn đề pháp lý". Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định bản thân mình không làm điều gì sai trái và dự án nghiên cứu mà ông thực hiện “là đúng đắn về mặt khoa học”. Ông Wittchen cũng soạn một bản giải trình 70 trang để phản bác các cáo buộc nhắm vào mình.

Báo cáo điều tra cũng cho biết, ông Wittchen còn có hành vi tìm cách ngăn chặn quá trình điều tra nhằm vào mình. Tháng 4/2019, ông đã gửi một email đến giáo sư Hans Müller-Steinhagen, Chủ tịch trường TU Dresden, nói rằng “hãy tránh xa nghiên cứu này” với hàm ý đe dọa và thúc ép nhóm công tác dừng việc điều tra nếu không muốn “một cơn địa chấn chính trị mang tầm quốc gia” sẽ xảy ra.

“Tôi muốn, bằng tư cách cá nhân và tính chất riêng tư, một lần nữa cảnh cáo ông rằng… ông đang tự chuốc lấy những rủi ro cực kỳ nghiêm trọng”, trích một đoạn trong email nói trên của ông Wittchen. Hai thành viên khác của nhóm điều tra cũng nhận được cảnh báo tương tự từ ông Wittchen.

Các điều tra viên đã phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy ông Wittchen có hành vi làm giả một số tài liệu nhằm che giấu những dữ liệu giả mạo của mình, bao gồm các bài trình bày, email, và thậm chí có thể cả các chữ ký.

“Nếu những phát hiện trên được xác nhận thì chúng sẽ trở thành bằng chứng chính thức để tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của ông ta”, báo cáo viết.

Trường Đại học TU Dresden, nơi ông Hans-Ulrich Wittchen làm việc - Ảnh: Telangana Today
Trường Đại học TU Dresden, nơi ông Hans-Ulrich Wittchen làm việc - Ảnh: Telangana Today

Ngoài ra, báo cáo còn cho biết có dấu hiệu tham nhũng khi ông Wittchen đã “thuê” chính con gái mình tham gia vào dự án nghiên cứu do mình quản lý mặc dù “suốt 2 năm thực hiện cuộc khảo sát, không ai thấy cô ta làm bất cứ việc gì cả”. Con gái của ông Wittchen từ chối bình luận về cáo buộc này.

Người phát ngôn của TU Dresden cho biết, trường đại học này hiện đang tiến hành điều tra bổ sung để củng cố thêm bằng chứng cho cáo buộc tham nhũng, đồng thời sẽ đưa vụ việc ra tòa để đề nghị khởi tố hình sự khi có kết quả điều tra vào giữa tháng 4 này.

Ông Hans-Ulrich Wittchen (69 tuổi) là nhà khoa học tên tuổi được xem là số 1 trong ngành dịch tễ, tâm thần học và tâm lý học lâm sàng tại Đức.

Ông Wittchen có hơn 1.000 bài báo được đăng trên các tờ báo và tạp chí khoa học uy tín, với gần 70.000 lượt trích dẫn. Ngoài ra, ông còn là trưởng ban biên tập của tập san chuyên về rối loạn thần kinh.

Từ năm 2017 đến nay, ông Wittchen đứng đầu một viện nghiên cứu tâm lý thuộc TU Dresden (Đức).

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI