Nhà khó cậy vợ hiền

20/07/2016 - 14:08

PNO - “Người Thái chúng tôi có câu: “Nhà khó cậy vợ hiền”. Đời tôi thấm thía câu này lắm. Tôi là bác sĩ nhưng không biết làm giàu, sống trung thực nên chịu nghèo mãi, vợ có thương thì mới chấp nhận cảnh ấy..."

Nha kho cay vo hien
Bà Hằng chăm sóc chồng bị bệnh

“Người Thái chúng tôi có câu: “Nhà khó cậy vợ hiền”. Đời tôi thấm thía câu này lắm. Tôi là bác sĩ nhưng không biết làm giàu, sống trung thực nên chịu nghèo mãi, vợ có thương thì mới chấp nhận cảnh ấy. Giờ đã 65 tuổi, bệnh tật đầy mình, tôi càng hiểu thêm vợ tôi đúng là vợ hiền”, bác sĩ Vi Văn Đội thủng thẳng kể chuyện hôn nhân của mình.

Chồng già vợ trẻ là tiên?

Bác sĩ Đội nhấp nhổm ra vào, cái chân bị tật tấp tểnh, tay phải run bần bật, miệng ngọng nghịu rằng vợ đi chợ lẽ ra giờ này phải về rồi: “Tôi lo lắm, sợ bà ấy lại ngất xỉu như hôm trước thì khổ”. Nhưng khách không phải chờ lâu, khoảng mười phút sau một chiếc xe đạp lọc cọc dừng trước sân, ông hỏi vợ: “Sao về muộn thế? Lo thắt cả ruột!”. Bà vợ lột nón lá, cười tươi chào khách: “Ối giời! Tính ông ấy thế đấy. Cứ động việc gì là quýnh lên, chân tay run như thằn lằn đứt đuôi. Hôm nay tôi phải đi lấy thêm thuốc cho ông, về trễ mười lăm phút chứ mấy!”.

Bà Lương Thị Hằng, vợ bác sĩ Đội, sinh năm 1959, kém chồng 10 tuổi. Người ta bảo “chồng già vợ trẻ là tiên”, nhưng “tiên chồng” này càng già càng khó tính, phải chiều còn hơn chiều trẻ con. Từ năm 2009, bác sĩ Đội về nghỉ chế độ, hai năm sau bị xuất huyết não, khỏi bệnh thì để lại di chứng méo miệng, chân và tay phải bị liệt nhẹ.

Là một người siêng năng cả chuyên môn lẫn việc nhà, nay phải ngồi một chỗ nên tâm lý ông thay đổi. Hàng ngày bà Hằng thường dậy rất sớm, từ lúc 2g30, ra ruộng cắt cho kịp 100 bó rau muống, đến 5g chở bằng xe đạp ra chợ cách nhà khoảng 2km giao rau. Rồi quay về, tiếp tục cắt tới 7g được 100 bó rau nữa, lại đi giao ở chợ khác, xa hơn. Đến khoảng 10g mới về nhà lo chăm sóc chồng.

Bà Hằng ngồi trên võng, cười lớn kể: “Ông ấy giờ đổ đốn ra, nhõng nhẽo lắm! Ăn uống thì có sao dùng vậy nhưng nói nhiều quá. Đi làm về mệt muốn chết mà còn phải nghe chồng hỏi đủ thứ, dặn dò dây cà, dây muống. Cứ vợ dắt xe khỏi nhà là tập tễnh ra cổng, đứng ngóng theo. Sốt cả ruột!”. Ông bác sĩ già cũng méo miệng cười theo: “Tôi lo cho bà ấy thôi. Bệnh cao máu mà đạp xe suốt ngày ngoài trời nắng, nguy hiểm lắm! Cách đây một tuần, đã bị ngất xỉu ngoài chợ”.

Bà Hằng lại cười phá lên: “Hôm ấy tôi bị ngã ngất ngoài chợ, bà con xúm vào đưa cấp cứu. Ở nhà ông lão không thấy vợ về, nghe tin dữ thì cuống lên, chân tay run lẩy bẩy, thuê xe lên bệnh viện tìm. Tôi nằm đúng một ngày, đỡ là về ngay, không thì ai chăm sóc cho ông ấy”. Rồi bà lấy khăn ướt, vừa lau cho chồng vừa mắng yêu: “Đã bảo nằm nghỉ cho khỏe, cứ chạy lui chạy tới, mồ hôi mồ kê…”.

Duyên trời buộc

Bác sĩ Vi Văn Đội (SN 1949) quê ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Tốt nghiệp Đại học Thái Nguyên năm 1974, ông tình nguyện vào chiến trường B nhưng không được vì Bệnh viện huyện Mai Châu lúc ấy chỉ có hai bác sĩ. Mãi đến năm 1984, sau khi cưới vợ có con rồi, ông mới được vào Tây Ninh, công tác tại Bệnh viện huyện Châu Thành. Thời điểm đó vừa xong chiến tranh biên giới, nhà nước đang tập trung xây dựng hồ thủy lợi Dầu Tiếng.

Một số người có tiền của muốn trốn tránh nghĩa vụ, không tham gia công trình này, nên nghề bác sĩ của ông rất dễ kiếm tiền, cứ ký xác nhận một giấy khám sức khỏe loại B, C là đã có một chỉ vàng. Tuy nhiên, bác sĩ Đội kiên quyết không làm. Mới từ Bắc vào, cả nhà bốn người chen chúc trong căn phòng tập thể, kinh tế thiếu thốn, nhưng ông vẫn không chấp nhận “tiêu cực” để nuôi vợ con. Hai năm sau, bà vợ người Thái xinh đẹp dắt con lên Lâm Đồng với người tình mới, bỏ ông bơ vơ nơi xứ lạ.

Nha kho cay vo hien
Vườn rau của gia đình

Ba năm “cơm tập thể, giường cá nhân”, bác sĩ Đội được bạn bè giới thiệu cho một cô gái nông thôn là chị Hằng, quê huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Năm 1988, hai người tổ chức cưới. Bà Hằng kể: “Cái duyên trời se. Cái que trời buộc” thôi, chứ tôi thiếu gì người theo, đâu cần phải ưng ông bác sĩ già hơn đến 10 tuổi. Thực lòng tôi thấy ông ấy hiền lành, tay nghề cao. Mẹ tôi bảo người này tử tế, được nhờ con ạ”. Ông bác sĩ nghèo mang ba lô về ở nhà vợ, trong căn nhà lá nhỏ bà mẹ nhường cho. Là trạm trưởng trạm y tế xã Ninh Điền cách nhà 16km, hàng ngày ông đạp xe đi làm, tối mịt mới về, có khi công tác đột xuất xa nhà cả tuần. Cơm nhà nước, lương ba cọc ba đồng, ông giao hết cho vợ. Cảnh nghèo nhưng vợ chồng rất hạnh phúc vì hiểu và trân trọng nhau.

Vợ hiền

Bác sĩ Đội công nhận, gia đình ông yên ấm hạnh phúc là nhờ một tay bà. Ông làm việc ở một xã mà đa số là người Kh’mer, Chăm, cuộc sống còn lạc hậu, rất cần chăm sóc đặc biệt về y tế, nên tất bật cả ngày; bỏ mặc vợ ở nhà lăn lộn với 2,5 công ruộng và đàn heo nái.

Ba người con lần lượt ra đời, cũng một tay vợ ông chăm sóc, trừ những khi đau ốm phải gọi đến bố. Nhọc nhằn thế, chồng lại khó tính mà trong nhà chẳng bao giờ có tiếng cãi nhau. Ba người con của ông bà cũng nuôi ước mơ bước vào giảng đường đại học như bố, nhưng chỉ cậu con trai cả thực hiện được, nay đã tốt nghiệp Trường ĐH Nông Lâm Thủ Đức. Cô con gái thứ học xong lớp 12 thì đi học nghề. Cậu út đang học lớp 12 nhưng chỉ mê bóng đá. Nuôi ba người con ăn học là cả “núi tiền”. Lương chồng, tiền bán rau, nuôi heo gà của vợ, gom góp lại chỉ tạm đủ chi tiêu cho mấy con người.

Căn nhà cũ mỗi năm một xuống cấp, mưa dột phải che chỗ này, đậy chỗ kia, bà chẳng dám than van gì. Bà hiểu, ngoài lương tâm thầy thuốc và lương tháng mấy triệu đồng, chồng mình gia tài chỉ có mỗi… chiếc ống nghe. Cứ nghe bà con các dân tộc thiểu số chia sẻ: “Bác sĩ sao mà nghèo quá” là bà rơi nước mắt. Nhưng, bà lại tự động viên, chồng mình là trí thức, mọi hành xử của ông ấy đều có căn do, mình chỉ cần làm đúng bổn phận người vợ, nuôi dạy các con nên người là được.

Ghi nhận công lao của bác sĩ Vi Văn Đội với ngành y tế vùng biên giới, năm 2008, Tỉnh ủy Tây Ninh kết hợp với Quỹ người nghèo đã xây tặng gia đình ông một căn nhà đại đoàn kết khang trang. Ông hàng ngày ngồi nhà ngóng vợ về, tiếc không còn sức khỏe để giúp vợ trồng rau, nuôi heo.

Phương Quý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI