Nhà bếp là “nhà thương”

26/08/2022 - 09:33

PNO - Hân kể, chồng cô hay ví bếp nhà mình như… nhà thương. Lúc đó Hân cười bảo, nhà thương là phải rộng rãi, có y tá, bác sĩ, có dụng cụ y tế, thuốc thang… ai lại đi so sánh bếp với nhà thương?

Công việc của Hân chủ yếu làm qua mạng. Ngồi máy tính càng nhiều, tiền càng nhiều, nhưng cô chỉ làm việc tám tiếng mỗi ngày, làm lúc nào cũng được, cô có thể chủ động thời gian. Buổi sáng, sau khi dọn dẹp nhà cửa, Hân ra chợ. 

Về nhà, Hân “chôn chân” dưới bếp, mẹ chồng cô nhận xét thế. Hân chia sẻ, mẹ chồng tiếc vì Hân có nhiều thời gian, lẽ ra đầu tư công việc để tăng thu nhập, ai lại đầu tư vào bếp núc. Mẹ già “thương” tiền là chuyện của mẹ, quán xuyến gia đình, bảo vệ hạnh phúc gia đình là chuyện của Hân. Kiếm tiền vốn áp lực, cô giải tỏa áp lực bằng cách quây quần với bếp. Hân cảm thấy thoải mái mỗi khi vào bếp, chồng con Hân cũng hoàn toàn yên tâm khi Hân vào đó, bởi vì cô luôn mang yêu thương theo cùng.

Ảnh mang tính minh họa - Our-Team
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team

 

Cô yêu bếp đến lạ lùng. Bếp là nơi cô gắn bó nhiều nhất so với những không gian khác trong nhà. Bếp của Hân luôn có lọ hoa thơm ngát, tươi sáng, héo lọ này thay lọ khác, để tăng sự duyên dáng, điệu đà cho không gian. Hân có thói quen tới nhà ai, cô cũng để ý cái bếp. Với cô, bếp là linh hồn của mỗi gia đình.

Bếp của Hân luôn tinh tươm, ngăn nắp, dù diện tích khu vực bếp khá khiêm tốn. Vào bếp nhà Hân tìm dao, kéo hơi khó. Hân giấu nhẹm, vì nhà có trẻ con, và vì nhiều sự an toàn khác nữa. Cái thớt gỗ, Hân thường xuyên chà rửa, phơi phóng cho chết vi trùng. Đũa, Hân cũng xài có thời hạn, rồi thay mới. Các loại gia vị như ớt bột, nghệ bột, nước mắm, dầu ăn, các loại đậu, hạt, gạo, đến cá, thịt, rau, củ đều từ “made in quê nhà”, mà phải chỗ thật sự tin cậy mới đặt mua. 

Chồng Hân thường nói với vợ rằng, chỉ có ăn cơm nhà anh mới thật sự yên tâm, nên dù ra ngoài mâm cao cỗ đầy, anh vẫn dành bụng về ăn cơm vợ nấu. Hân lấy đó là niềm vui mỗi ngày, và không hề thấy mệt mỏi khi vào bếp, không một lời than thở. 

Hân vẫn thường nói, sức khỏe mọi thành viên gia đình đảm bảo hay không, bếp núc đóng vai trò quan trọng. Việc chọn mua nguyên liệu, đến cách chế biến, thực đơn ăn uống đảm bảo cân đối dưỡng chất, góp phần cải thiện sức khỏe người thân rất nhiều.

Hôm nào nhà không rau, cô cảm thấy có lỗi với các thành viên, vì như thế là chưa cân bằng dinh dưỡng. Hân vào bếp bằng tất cả sự yêu thương, tận tụy. Nhà có người bệnh, hoặc khi trời nóng bức, Hân thay cơm bằng cháo cho… dễ ăn. 

Mùa đông, cơm dọn ra luôn nóng hổi, nhất là những món canh mà chồng con Hân rất thích như canh kim chi nấu đậu hũ, canh cá om dưa muối… Hân còn nấu nước đậu xanh, đậu nành, uống cho ấm bụng. 

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

Mùa hè, cô ép, xay các loại nước, sinh tố giải nhiệt. Các con cô hiếm khi uống nước ngọt đóng chai, kể cả trà sữa vốn “hot” ngoài vỉa hè. Chồng con thương yêu, ví Hân như “bác sĩ” dinh dưỡng, ví gian bếp như nhà thương. Những ghi nhận đó càng là động lực để Hân gắn bó với bếp. 

Thời này, bếp núc được hỗ trợ bằng nhiều thiết bị hiện đại, và đàn ông cũng có khả năng vào bếp, nên không ít phụ nữ không còn đồng tình với việc bếp núc giữ lửa hôn nhân. Hân lại cho rằng, điều đó còn tùy vào nếp nghĩ, vào hoàn cảnh và cách thể hiện của mỗi người.

Với Hân, cô luôn giữ phong cách nhà bếp như nhà thương, như sự thương mến mà chồng con đã “gắn mác” cho. 

Khánh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI