Người đàn ông có tinh hoàn bọc trong ‘vỏ trứng’ do vôi hóa

11/01/2020 - 19:00

PNO - Các bác sĩ ở Ấn Độ tiếp nhận người đàn ông 80 tuổi đi tiểu ra máu và có triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhưng vấn đề của ông hóa ra lại vượt quá ca nhiễm trùng đơn giản.

Báo cáo công bố trên Tạp chí BMJ Case Studies cho thấy: quy trình kiểm tra nhanh xác định phần bìu sưng của bệnh nhân là do một tinh hoàn trở nên rất cứng khi chạm vào. Sau đó, các bác sĩ tiết niệu tại Đại học Y King George ở Lucknow nhận ra rằng đây là một trường hợp hiếm gặp trong y khoa.

Kết quả chụp CT cho thấy tinh hoàn bên phải của người đàn ông “đang bơi” trong chất lỏng – mà theo y khoa là “hydrocele”. Lạ kỳ hơn, túi chất lỏng đã phát triển một lớp canxi dày như vỏ trứng.

Vôi hóa không phải là một vấn đề hiếm gặp. Máu của chúng ta mang canxi từ xương đi quanh cơ thể để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, nhưng đôi khi cũng làm lắng đọng nó trong các mô mềm dưới dạng 'hòn đá' (ví dụ như sỏi thận) hoặc thậm chí dọc theo mạch máu như mảng bám.

Viêm có thể là một nguyên nhân gây vôi hóa, khiến cơ thể chúng ta phản ứng như một con hàu lớn tìm cách bao bọc canxi quanh dị vật, biến chúng thành những viên “ngọc trai” đáng lo ngại. Trong trường hợp cụ thể này, chấn thương khởi động quá trình bao bọc canxi là do sự tích tụ chất lỏng bị mắc kẹt bên dưới màng bao quanh tinh hoàn.

Hình ảnh cho thấy tinh hoàn bệnh nhân được bọc trong một lớp vỏ trứng từ canxi tích tụ
Hình ảnh cho thấy tinh hoàn bệnh nhân được bọc trong một lớp vỏ trứng từ canxi tích tụ

Hiện tượng hydroceles ở tinh hoàn tương đối phổ biến, thường xuất hiện một thời gian ngắn ở trẻ sơ sinh trước khi tự biến mất. Ở những người lớn tuổi (đặc biệt là khi sống ở vùng khí hậu nhiệt đới, nóng), quá trình tích tụ chất lỏng có thể là dấu hiệu của sự tắc nghẽn do nhiễm ký sinh trùng.

Các bác sĩ đưa ra giả thuyết rằng tinh hoàn của người đàn ông này có thể bị nhiễm một loài giun nhỏ xíu, gọi là Wuchereria bancrofti. Loài giun truyền qua vật trung gian là muỗi này thường chịu trách nhiệm cho biến chứng của hệ thống bạch huyết, gây ra sưng các bộ phận cơ thể đặc trưng như bệnh phù chân voi.

Mặc dù vôi hóa và hydroceles không phải là tình trạng đáng chú ý, nhưng chúng hiếm khi phát triển cùng nhau. Với nhiều năm sưng viêm lặp đi lặp lại khiến màng hydroceles dày lên xung quanh tinh hoàn, các lớp canxi có thể tích tụ dần theo thời gian, bọc tinh hoàn trong lớp vỏ cứng.

Các bác sĩ tiết niệu nghiên cứu trường hợp này lưu ý rằng sự việc tương tự được đề cập lần đầu vào năm 1935. Kể từ đó, chỉ một số ít các trường hợp giống vậy được báo cáo.

Mặc dù nhiễm trùng có thể được điều trị bằng thuốc chống nấm, các bác sĩ lưu ý rằng việc khắc phục tinh hoàn bị tình trạng này đòi hỏi phải phẫu thuật.

Linh La (theo Science Alert)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI