Người bạn tốt của tuổi ấu thơ

03/06/2023 - 05:58

PNO - Cảm ơn những trang sách đã cùng tôi đi qua thời thơ ấu. Có lẽ không có người bạn nào tốt hơn sách, những khi muốn được cuộn mình chìm đắm vào thế giới riêng, tôi luôn nghĩ đến sách.

Ngày còn bé, nhà tôi có khoảng sân rộng phía trước và hàng hiên bên nhà. Khoảng sân có cây mận và cây dừa cho trái quanh năm; còn hàng hiên thì ba tôi trồng chuối, mãng cầu dai và 1 cây mít, nên chị em tôi được ăn trái cây thường xuyên. Nhưng nhớ nhất là cảnh chị em tôi quây quần bên chiếc ghế xích đu mỗi khi ba má tôi ra đó ngồi hóng mát. Ba tôi còn sắm một chiếc ghế tựa để má ngồi nghỉ trưa. Mỗi khi có cuốn sách hay, tôi cũng hay trốn ra đây để đọc.

Không biết tự lúc nào tôi rất mê đọc sách, bắt đầu là truyện tranh. Tôi may mắn có ba là giáo viên nên hay được chở vào thư viện của trường, các cô thủ thư cho tôi tha hồ lựa và mượn sách về nhà. Bạn hàng xóm của tôi có ba làm ở Nhà xuất bản Kim Đồng, tôi mượn được vô số sách từ bạn.

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

Cuốn Mít Đặc và các bạn chắc hẳn tuổi thơ ai cũng đọc qua. Gần 40 năm trôi qua, mỗi khi tình cờ nhớ lại hay có ai đó nhắc đến tựa sách, tôi cứ tủm tỉm cười và cảm thấy vô cùng ấm áp. Những khi cáu kỉnh vì chuyện không như ý hay khi thấy mình ngốc nghếch, tôi lại nhớ đến Mít Đặc. Đọc blog một người xa lạ, thấy câu trích “Một hôm đi dọc theo bờ suối, Biết Tuốt nhảy qua con cá chuối”, tự nhiên thấy vô cùng thân quen và muốn kết bạn với người viết blog, rồi những câu thơ ngô nghê của Mít Đặc lại hiện về: “Có cái bánh nhân mỡ, dưới gối cậu Ngộ nhỡ”; rồi thì: “Nhanh nhẩu đói thật tội, nuốt chửng bàn là nguội”, ôi tuổi thơ!

Đọc cuốn Hành trình thời thơ ấu, tôi tưởng tượng ra cuộc sống, cảnh vật ở các thành phố, miền quê phía Bắc. Văn tả cảnh, tả người thật sinh động và mỹ miều, cảnh vật như đang hiện ra trước mắt những cánh đồng, triền đồi miên man trong hành trình của cô bé nhân vật chính. Câu chuyện về một đứa trẻ nhưng có nhiều bài học cuộc đời và những ứng xử để tôi nghiền ngẫm mãi đến sau này. 

Tôi đọc truyện dịch văn học nước ngoài với những cuốn sách dày cộp. Năm lớp Bảy, tôi trốn ngủ trưa đọc một mạch hết cả cuốn Love story. Hồi đó thấy hay, nhưng giờ nhớ lại, tôi lại thấy nó sến sẩm như truyện ngôn tình thời nay.

Không biết năng lượng và sức tưởng tượng của tôi đến đâu, nhưng tôi nhớ mình đã đọc hết ngày này sang ngày khác cho đến tận trang cuối cùng của những cuốn sách từ những đất nước xa lạ với mình thuở đó như Jane Eyre, Thành trì, Hàm cá mập, Oliver Twist… Tôi nhớ như in chi tiết cậu bé Oliver thèm thuồng nhìn trái lê mọng nước chảy xuống cằm mỗi khi đi chợ thấy lê chất trên quầy, vì lúc đọc truyện, tôi vẫn chưa biết trái lê hình dáng, màu sắc như thế nào.

Tôi nhớ sự dũng cảm đến đáng thương của cậu bé khi cầm chén xin thêm: “Please Sir, I want some more” đến nỗi sau này có dịp xem vở nhạc kịch Oliver Twist ở London, tôi như thấy từng câu chữ trong những trang sách cũ hiện về. Tôi nhớ hàng cây liễu rũ và những hàng cây trơ trụi lá trong Jane Eyre mỗi chiều khi đi dọc sông Thames. Tôi hình dung ra nỗi cô đơn cùng sự mạnh mẽ, bướng bỉnh của người phụ nữ trẻ để tiếp thêm sức mạnh cho chính mình. 

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

Tôi đặc biệt nhớ và xúc động với cuốn Lâu đài người bán nón của nhà văn A. J. Cronin. Mỗi khi đi qua các khu phố ở London, tôi nhớ người cha độc đoán đến khắc nghiệt đã đẩy đứa con gái út mà ông yêu thương hết mực đến cái chết tức tưởi. Đi qua những căn nhà gạch đỏ, tôi lại nhớ đến dãy phố nhà ông ở được miêu tả trong truyện, căn nhà có cửa sổ ở tầng 2 nhìn xuống đường hiện ra rõ mồn một. 

Cảm ơn những trang sách đã cùng tôi đi qua thời thơ ấu. Có lẽ không có người bạn nào tốt hơn sách, những khi muốn được cuộn mình chìm đắm vào thế giới riêng, tôi luôn nghĩ đến sách. Thỉnh thoảng, tôi hay miên man nhớ về tôi của tuổi niên thiếu trong những buổi chiều tà, nằm đu đưa trên chiếc võng ngoài hàng hiên với cuốn sách yêu thích, nghe tiếng chim kêu chiều bay về tổ, cùng tiếng xào xạc của lá cây, chao ôi là nhớ! 

Phan Quỳnh Dao

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI