“Các con đến đọc sách để cảm nhận sự ngọt ngào…”

05/05/2023 - 06:04

PNO - “Đứa trẻ nào cũng biết quả cà chua. Vậy nên khi đọc tên “Cà Chua Ngọt”, các con sẽ thắc mắc. Tôi muốn chúng đến, đọc sách để cảm nhận sự ngọt ngào. Và tôi trồng cà chua cho các con chăm sóc, ngắm nghía, cảm nhận. Rồi các con sẽ có những buổi ngồi vẽ cà chua…” - cô Trần Huỳnh Nhị nói về những hoạt động của phòng sách mang tên Cà Chua Ngọt.

Mẹ tự xây dựng thói quen đọc sách với con

Không chịu ngủ trưa, Bảo An (6 tuổi) và Bảo Bảo (4 tuổi) nằng nặc đòi mẹ đưa đến phòng sách của cô Nhị. Chị Minh Hiền (phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) - mẹ của 2 đứa bé - ra điều kiện: “2 đứa ngủ giỏi rồi chiều mẹ sẽ chở ra phòng sách. Nghe lời là mẹ sẽ chở đi cả tuần luôn”. 2 đứa trẻ nhắm mắt nhưng miệng vẫn líu lo về những câu chuyện được nghe cô Nhị đọc tại phòng sách từ tuần trước. Nhìn các con, chị Minh Hiền thở phào, như đã trút bớt phần nào gánh nặng trong lòng.

Cô Trần Huỳnh Nhị hướng dẫn đọc cho trẻ
Cô Trần Huỳnh Nhị hướng dẫn đọc cho trẻ

Trước đó, Bảo An mắc chứng rối loạn ngôn ngữ. Chị Hiền phát hiện An có vấn đề khi bé được 28 tháng tuổi. Chị chia sẻ, công việc buôn bán khiến chị bận bịu cả ngày, không có thời gian quan tâm đến con. An lại là đứa trẻ dễ tính, đặt đâu chơi đó. Khi nào con đòi mẹ thì chị mở ti vi, iPad lên cho con tự chơi, còn mình tập trung vào công việc. Cả ngày tiếp xúc với thế giới trong phim hoạt hình nên dần dần, An không thích tiếp xúc với ai, cũng chẳng buồn nói chuyện và thể hiện cảm xúc. Đưa con lên Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM khám, chị Hiền mới biết con bị rối loạn ngôn ngữ.

Không chỉ Bảo An, mà Bảo Châu - con gái lớn của chị Hiền (đang học lớp Sáu) - cũng gặp vấn đề tương tự. Chị Hiền kể, Bảo Châu trước đây rất dạn dĩ, tự tin hát múa trong đám cưới và mọi hoạt động văn nghệ ở trường. Nhưng lên lớp Bốn, cháu bắt đầu thu mình, trở thành một đứa trẻ nhút nhát. Năm 2022, khi phòng đọc miễn phí của cô Nhị thành lập, chị Hiền tranh thủ mỗi tối đưa con đến tham gia. Hơn nửa năm qua, các con chị đã thay đổi rõ rệt. Bảo Châu đi học lúc nào cũng mang theo một quyển sách để đọc vào giờ ra chơi. Cháu cũng tự tin trong diễn đạt, còn tập phát biểu, nói chuyện trước đám đông. Còn Bảo An và Bảo Bảo thì đòi mẹ mua cái kệ sách để làm thư viện tại nhà. “Con hoàn toàn cai được ti vi. Hồi trước, qua phòng đọc con không chịu đọc, chỉ ngồi chơi hoặc giỏi lắm là lấy giấy tô màu. Nay đã tiến bộ hơn nhiều, chịu ngồi yên đọc sách và hào hứng tham gia vẽ tranh cùng các bạn. Tôi cũng ráng tập cho mình thói quen đọc sách cùng con” - chị Hiền vui vẻ. 

Phòng đọc sách của sự đồng hành

Phòng đọc sách Cà Chua Ngọt do cô giáo Trần Huỳnh Nhị - giáo viên bộ môn văn của Trường THPT Hòa Ninh, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) - thành lập sau những ấp ủ nhiều năm. Cô Nhị kể, chuyện bắt đầu khi con trai cô vừa tròn 2 tuổi, được phát hiện bị chậm nói. Một dịp mang theo sách về quê, thấy các con chơi rất vui cùng sách, cô Nhị nghĩ đến việc rủ bạn bè đưa con đến nhà đọc sách chung. “Khi đó, tôi nhận ra các bé thích sách. Vài bé gặp vấn đề về ngôn ngữ và sự tập trung. Từ đó, tôi quyết tâm dành thời gian mỗi ngày để đọc sách cùng con và hướng dẫn các bạn của con cùng đọc sách. Con trai tôi dần dần khắc phục chứng chậm nói và kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Cha mẹ của các bé khác cũng phản hồi rằng đọc sách không chỉ giúp con của họ cai điện thoại mà còn trở thành những đứa trẻ hiểu chuyện hơn” - cô Nhị kể. Tháng 4/2021, cô Nhị biến phòng khách nhà mình thành phòng sách mang tên “Cà Chua Ngọt” để tạo không gian đọc tại nhà và gieo mầm văn hóa đọc cho trẻ.

Trẻ được trải nghiệm nhiều hoạt động khi đến phòng sách Cà Chua Ngọt
Trẻ được trải nghiệm nhiều hoạt động khi đến phòng sách Cà Chua Ngọt

Sau vài tháng hoạt động, trẻ đến ngày càng đông, phòng đọc trở nên chật hẹp. Đồng hành cùng con và thấy được hữu ích từ phòng đọc sách, một phụ huynh đã cho mượn mặt bằng rộng hơn để cô Nhị mở rộng không gian đọc. Tháng 10/2022, phòng đọc Cà Chua Ngọt mới ra đời tại phường 3, TP Vĩnh Long với sự góp sức của các phụ huynh. Mẹ của các bé đã hỗ trợ kinh phí để trồng cây xanh, mua sắm kệ tủ, sách, đồ chơi, đàn, vật liệu trang trí và dọn dẹp vệ sinh phòng đọc… Ngoài ra, phòng sách còn nhận được sự hỗ trợ của nhiều học sinh, sinh viên vốn là học trò cũ của cô Nhị. Cô Nhị tâm sự, nhờ sự đồng hành từ cộng đồng, đặc biệt là phụ huynh mà cô có được trạng thái tốt nhất để vận hành phòng đọc sách. 

Từ khi thành lập đến nay, Cà Chua Ngọt duy trì mở cửa từ 17g30 - 20g30 mỗi ngày với 2 không gian: không gian đọc tự do và không gian đọc có hướng dẫn. Cô Nhị là người trực tiếp hướng dẫn các bé đọc sách theo khung thời gian cố định. Mỗi buổi hướng dẫn 60 phút, gồm 3 hoạt động. Trước đọc, cô cho trẻ ngồi thiền, lắng nghe hơi thở và nhạc khoảng 5 phút, giúp trẻ ổn định tâm trí, tạo tâm thế đọc. Bước vào giai đoạn đọc, trẻ sẽ đọc nhanh 10 phút để quan sát sách, học cách ghi nhớ và tập trung; nghe cô đọc diễn cảm một nội dung ngắn, luyện tập nắm bắt những điều cơ bản khi nghe; nghe giới thiệu về một quyển sách bất kỳ để nuôi dưỡng tình yêu sách… Sau khi đọc nhanh, trẻ sẽ đọc sâu dưới hình thức tự đọc 30 phút một nội dung sách. Sau đó, cô Nhị hướng dẫn trẻ làm một số hoạt động trải nghiệm như thuyết trình sách, vẽ bìa cuốn sách đang đọc, nói lên cảm xúc của bản thân sau khi đọc… Cuối mỗi tháng, các bạn nhỏ được tham gia hoạt động “Chạm sách”, gồm tương tác với diễn giả và vui chơi theo chủ đề. 

Đọc sách để hiểu sự ngọt ngào 

Trong quá trình đồng hành cùng trẻ đọc sách, nhiều tình huống khiến cô Nhị và các phụ huynh xúc động. Cô kể, khi hướng dẫn trẻ đọc bộ “Trường học danh nhân”, trước đọc, cô yêu cầu “Hãy nói về trường học theo mơ ước của các con”. Trong vài phút suy nghĩ, trẻ hình dung về ngôi trường mà trẻ được mặc trang phục tự do, được học những môn yêu thích, có bạn bè hòa đồng, thầy cô hiền hậu, lớp học đủ cơ sở vật chất, gọn gàng, có nhiều cây xanh… Có bạn nói: “Con muốn trường mình học giống như Cà Chua Ngọt và thầy cô giống như cô Nhị vậy”. 

Nói về cái tên Cà Chua Ngọt, cô Nhị giải thích, đó là tựa của một quyển sách của nhà văn Barbara Constantine mà cô rất xúc động khi đọc. Lấy bối cảnh một vùng quê nước Pháp, nhà văn đã cho người đọc gặp gỡ những con người không hoàn hảo nhưng đáng yêu. Đáng yêu nhất là cậu bé Tom - 11 tuổi, sớm biết tự lập bởi sự non trẻ của người mẹ. Cậu dạy mẹ học và hay đứng trước sông tìm cảm giác bình yên. Cậu cứu bà Madeleine, thay bà chăm sóc 2 con vật già nua… 

“Cuốn sách tập hợp những con người không hoàn hảo. Sự lỡ lầm, những tội lỗi, nỗi bất hạnh, gian truân của từng người như một nốt lặng của bản tình ca, dịu nhẹ để nâng những giai điệu cao vút - những trái tim yêu thương và tử tế. Đứa trẻ nào cũng biết quả cà chua. Vậy nên khi đọc tên Cà Chua Ngọt, các con sẽ thắc mắc. Tôi muốn chúng đến đọc sách để hiểu sự ngọt ngào. Và tôi trồng cà chua cho các con chăm sóc, ngắm nghía, cảm nhận, rồi các con sẽ có những buổi ngồi vẽ cà chua…” - cô Nhị chia sẻ. 

Thu Lê

Trẻ được trải nghiệm và vui chơi trong hạnh phúc

Tôi hy vọng có thể tạo ra một Cà Chua Ngọt như một không gian văn hóa. Ở đây, các con được đọc sách, được hoạt động trải nghiệm, được người lớn hướng dẫn học tập vui chơi trong hạnh phúc. Nhiều bé đến phòng đọc đã cải thiện được tình trạng lạm dụng điện thoại, khả năng tập trung và sử dụng ngôn ngữ dần tốt hơn. Các con cũng đã nhận thức được một vài giá trị đẹp từ sách, biết bày tỏ cảm xúc, nhiều bé trở nên dạn dĩ hơn, có kỹ năng giao tiếp xã hội.

Phụ huynh cũng có thay đổi lớn. Trước đây, phụ huynh nghĩ việc các con đọc sách là sở thích, nên chỉ hỏi con thích đọc không, con trả lời không thì thôi. Sau khi đến phòng sách, phụ huynh nhận ra trẻ thích thú với sách và hiểu rằng, việc đọc sách cần được hướng dẫn, đồng hành, bởi con không thể thích những gì con chưa biết. 

Cô Trần Huỳnh Nhị - giáo viên Trường THPT Hòa Ninh, 
huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI