Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ 2/4: Con đã bật ra… tiếng nói

02/04/2022 - 05:45

PNO - “Mẹ ơi, ba ơi”, nghe cậu con trai đến lúc năm tuổi mới bật ra những từ đơn giản này, anh chị vui trào nước mắt.

Chuyển nhà, đổi việc để con được "học cô Mai" 

Bé H.D. (P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) mới năm tuổi nhưng đã “đầu quân” vào ba trường nhà trẻ - mẫu giáo và hai trường giáo dục chuyên biệt. Mỗi khi chọn trường mới, vợ chồng chị K.D. tràn trề hy vọng về sự chuyển biến của con trai H.D., nhưng rồi lại sớm rơi vào tuyệt vọng vì con vẫn không phát âm được. 
Chưa kịp mừng vì con có vẻ bắt nhịp với trò chơi tập thể, chị lại thắt lòng khi thấy con lủi thủi chơi một mình ở góc lớp. Vợ chồng chị đành cho con nghỉ học và rồi cũng không biết làm gì tiếp theo, càng thêm loay hoay, hoang mang khi con ba tuổi, rồi bốn tuổi vẫn không nói được lời nào.

Một lần đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), chị K.D. được giới thiệu một người có kinh nghiệm mảng này: chuyên viên âm ngữ trị liệu nhi Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức (TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Lần khác, chị tham gia một buổi khám từ thiện dành cho trẻ chậm phát triển, cũng lại được nghe tư vấn: “Chị hãy tìm cô Mai ở Trung tâm Hoàng Đức. Cô sẽ giúp chị, giúp bé”. 

Bé H.D. và niềm vui mỗi ngày được mẹ dắt tay đến trường - ẢNH: TUẤN ANH
Bé H.D. và niềm vui mỗi ngày được mẹ dắt tay đến trường - Ảnh: Tuấn Anh

Thời điểm ấy, gia đình chị K.D. đang ổn định cuộc sống tại Q.8, TP.HCM. Ngôi trường cô Mai nơi Biên Hòa xa xôi coi như đành lỗi hẹn, nhất là khi dịch COVID-19 lan tràn.

“Con mình tính khí ôn hòa, luôn tươi tỉnh, vui cười. Con chậm nói thì mẹ cứ… chờ, sớm muộn gì con cũng sẽ nói” - vợ chồng chị nghĩ vậy và trì hoãn mãi cho đến khi con bốn tuổi, muốn đi vệ sinh vẫn phải ú ớ trong họng rồi kéo tay ba mẹ nhờ dắt đi. Chị nhận ra con càng chậm nói càng không chơi với ai ngoài ba mẹ.

Anh chị quyết định sắp xếp lại cuộc sống, về ở nhà ba mẹ của chị ở Biên Hòa. Chị hằng ngày vượt mấy chục cây số đi làm tại TP.Thủ Đức, còn anh làm tận Q.7 (TP.HCM) nên đành nghỉ công việc vốn đang thuận lợi. 

Đến Trung tâm Hoàng Đức, với biểu hiện cơ bản là không có ngôn ngữ, tương tác xã hội hạn chế… bé H.D. được xác định “rối loạn phổ tự kỷ”, cần hỗ trợ âm ngữ trị liệu, gia tăng tương tác xã hội. Điều này nằm ngoài suy nghĩ của vợ chồng chị K.D. vì “bé chỉ chậm nói thôi mà”. Bỏ tất cả, dành hết tâm sức cho con nên anh chị càng nôn nóng kết quả. Hiểu điều này, các thầy cô đã chuẩn bị tâm lý cho anh chị chấp nhận bắt đầu một hành trình dài nâng đỡ con với sự đồng hành của thầy cô. 

Để con không bỡ ngỡ, tuần đầu, chị K.D. chỉ gửi bé học hai tiếng vào buổi chiều. Và điều kỳ diệu đã đến sau một tháng về trường mới: Bé đã gọi mẹ gọi ba, anh chị vui mừng trào nước mắt. 

“Có lần bị bệnh, ngồi chờ tới lượt bác sĩ khám, bé H.D. nép vào lòng mẹ thỏ thẻ: “Mẹ ơi! Mẹ ơi! Con sợ!”. Nghe thương gì đâu, vậy mà bấy lâu bé “nhốt” tiếng nói trong người. Chị K.D. âu yếm nhìn con, miên man hồi tưởng lại những khoảnh khắc vỡ òa vui sướng khi nuốt từng lời bé thơ ngọng nghịu.

Cả nhà cùng hát

Từ chỗ không tập trung được năm phút, H.D. dần ngồi học được cả buổi. Từ chỗ thích gì cứ đến lấy, giờ bé đã biết khoanh tay xin cô hoặc năn nỉ mượn bạn. Cô dạy nói cả vế câu “cho xin xe” thay vì bé chỉ giơ tay đòi hoặc nói từ đơn “xe”.

Bé biết nói, người lớn mới phát hiện rằng từ lâu bé đã biết đọc chữ, nhưng không hiểu nghĩa. Dù không được ai dạy chữ nhưng bé đã sao chụp hình ảnh của chữ và lưu vào bộ não bằng cách đặc biệt nào đấy. Đi siêu thị, vào bãi xe, dạo trên đường, bé nhìn các bảng hiệu và đọc ro ro. Biết bé thích xe hơi, chị K.D. mua sách có nhiều hình, trong đó có xe hơi, cùng con đọc sách cho con bổ sung vốn từ và tìm hiểu nghĩa của từ. 

Trí nhớ của bé rất tốt. Đường đến siêu thị, trường học hồi ở nhà cũ phải qua nhiều cầu, quẹo nhiều ngả, mà hễ mẹ quẹo đường lạ là bé nhận ra ngay, liền chỉ tay, nghiêng người, dùng mọi ngôn ngữ của cơ thể để nhắc mẹ, tuyệt nhiên không bật ra một tiếng nào. Giờ thì bé khều mẹ, nhẹ nhàng nói: “Mẹ ơi! Đi đường này!”. Bé phát âm ngày một rõ hơn. Trước kia chỉ mình mẹ nghe hiểu, giờ đây cả đại gia đình đều thông suốt.

Thời điểm bé nghỉ học vì dịch COVID-19, thấy con cứ ở nhà quanh quẩn, chị K.D. sốt ruột nên xin cô gửi bài tập. Cô gọi video call hướng dẫn chị cách nắn miệng, vành môi rồi chị tập lại cho con. Với “rùa, voi, ve, bò, bé, mưa, cô Mai…”, chị kiên nhẫn tập chỉnh âm R, V, B, M… cho con trong suốt thời gian hạn chế ra đường và nghỉ thai sản sinh bé trai thứ hai. Khi chị đi làm lại, được cô Mai tập huấn từ xa, ba bé tiếp tục kèm cho con. Vợ chồng chị lên mạng kết nối với các phụ huynh có con tự kỷ để trao đổi kinh nghiệm.

Những ngày đầu có em, anh Hai H.D. tỏ vẻ sợ, không dám lại gần. Giờ đây, khi em một tuổi, đã biết đi, chạy, nói giỏi, hai anh em tự bày trò chơi xếp hình, chơi xe, chơi trốn tìm với nhau trong nhà. Có khi ba mẹ đi làm về, nghe tiếng líu lo hai anh em đọc thơ, hát những bài nhạc thiếu nhi, bài đồng dao “Chi chi chành chành…”, cả nhà cùng hòa giọng rộn rã. 

H.D. tuy chưa biết tự kể chuyện ở lớp (phải đợi mẹ hỏi, gợi ý mới kể) nhưng đã biết phán đoán tình huống xấu khi em bé ra cầu thang, bước chân xuống thềm nhà. Bé gọi giật “em!” rồi chạy ào đến dang hai cánh tay hùng dũng, chặn lại. Em vâng lời, quay vào chỗ an toàn, anh Hai mới thở phào và tươi cười, ôm hôn em.

Tô Diệu Hiền

 

Đếm từng bước tiến của con, mẹ đỡ day dứt về lỗi của mình

“Lúc sinh bé H.D. có sự cố dây rốn quấn khắp người con, không thể sinh thường, bác sĩ mổ khẩn cấp bắt con ra thì con đã tím nửa mặt, may mà cứu kịp. Rồi khi con còn nhỏ, dưới hai tuổi, tôi mải làm việc đến tận khuya mới về, không dành nhiều thời gian chăm sóc, gần gũi để hiểu con.

Mẹ tôi thắc mắc: “Tầm này con người ta đã biết “bái bai”, biết nói vài từ, sao thằng bé im re vậy?”. Tôi đã phớt lờ và nghĩ độ phát triển mỗi trẻ mỗi khác. Mong rằng những phụ huynh khác hãy dành thời gian chăm sóc con nhiều hơn, để ý con và đọc sách báo, học hỏi để nhận biết vấn đề ở con mình, tìm chuyên gia để khám và can thiệp sớm. 

Nghĩ là do lỗi của mình nên giờ đây tôi dành mọi điều tốt nhất cho con. Bé tuy chưa phát triển bằng bạn bè cùng tuổi, nhưng đã tiến bộ nhiều so với chính bé trước đây. Vợ chồng tôi không đặt quá nhiều kỳ vọng nên tâm lý khá nhẹ nhàng, “được nhiêu hay nhiêu”. Chỉ mong một ngày con được đứng trong lễ tốt nghiệp để bước vào lớp Một, dù có chậm lại một vài năm cũng là hạnh phúc lắm rồi!

Cảm ơn thầy cô đã thương, cảm ơn con đã cố gắng!”.

Chị K.D.

 

Bé H.D. và giờ học âm ngữ trị liệu nhẹ nhàng, tràn ngập tiếng cười bên cô Mai - ẢNH: TUẤN ANH
Bé H.D. và giờ học âm ngữ trị liệu nhẹ nhàng, tràn ngập tiếng cười bên cô Mai - Ảnh: Tuấn Anh

Cha mẹ chấp nhận và phối hợp tốt với chuyên gia, con sẽ tiến bộ

Chăm lo cho hàng trăm thiên thần nhí, cô Nguyễn Thị Mai vẫn nhớ từng bé và đặc biệt ấn tượng về cậu học trò “liên tỉnh” H.D. 

Cô chia sẻ: “Với nỗ lực tự thân của bé và sự phối hợp tích cực, nhịp nhàng của gia đình, lộ trình can thiệp trong gần một năm đã mang lại hiệu quả bất ngờ. Hiện bé đã nói được câu và diễn đạt được nhu cầu của bản thân. Ví dụ: “Cô Mai cho con chơi xe”, “Mẹ ơi giúp con!”, “Con muốn đọc chuyện Bubu”… Bé rất tình cảm, thích nũng nịu, thích ôm cô. Thỉnh thoảng kể chuyện gì đó hoặc “méc” bạn giành đồ chơi, dù nói chưa được tròn vành rõ chữ, nhưng bé vui khi cô dừng lại, chăm chú lắng nghe. Mẹ bé nói, thời gian nghỉ học mấy tháng vì dịch, bé thường nhắc cô, cứ ôm cặp đòi “đi học cô Mai”. 

Cô Mai thú thật rằng, lúc tiếp nhận bé H.D., các thầy cô hơi lo vì “thời gian vàng” để can thiệp sớm là độ 2 - 3 tuổi, ở độ tuổi 4 - 5 như bé H.D. mọi việc khó hơn nhiều. 

Cô Mai nhắn nhủ các phụ huynh nên đưa con đi khám kịp thời để chuyên gia can thiệp sớm, nếu gia đình phối hợp tốt, hiệu quả sẽ rất cao. Nhiều phụ huynh không chấp nhận vấn đề của con mình, cứ đợi con lớn sẽ tự khắc phục. Khi tình trạng chuyển qua rối loạn khác, việc can thiệp càng phức tạp. Nếu con cần thiết phải can thiệp giáo dục đặc biệt thì cần được chẩn đoán đúng rối loạn vì mỗi rối loạn sẽ có các phương pháp và cách tiếp cận khác nhau.

Nguyễn Thắng

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI