Nga - Mỹ đổ lỗi qua lại, số phận Tổng thống Assad mấp mé bờ vực thẳm

21/09/2016 - 11:23

PNO - Nga - Mỹ giằng co qua lại, tình hình Syria ngày càng trở lên hỗn loạn, số phận ông Assad chưa biết sẽ đi về đâu.

Mỹ cáo buộc hai máy bay Nga đã tấn công đoàn viện trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc gần Aleppo ngày 20/9, phá hỏng thỏa thuận ngừng bắn trong vòng một tuần giữa Nga - Mỹ tại Syria.

Sau khi một đoàn xe chở đầy thực phẩm của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ bị không kích ở Aleppo hôm 19/9, Liên Hợp Quốc đã đình chỉ tất cả các hoạt động cứu trợ tại Syria.
Ông Jens Laerke, người phát ngôn Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc nói: "Như là một biện pháp an ninh ngay lập tức, tất cả các hoạt động cứu trợ khác tại Syria đã bị đình chỉ, trong khi chờ đánh giá thêm về tình hình an ninh".

Nga - My do loi qua lai, so phan Tong thong Assad map me bo vuc tham
Xe viện trợ nhân đạo đến Syria bị hư hại nặng nề sau cuộc tấn công ngày 20/9 vừa qua. Ảnh: Reuters.

Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) thì tuyên bố vụ tấn công đoàn xe của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ là hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Hành động này diễn ra sau khi lệnh ngừng bắn do Nga - Mỹ hỗ trợ đã bị sụp đổ, trong bối cảnh Mỹ ném bom giết chết 62 binh sĩ Syria.

Mỹ ngay lập tức đổ lỗi cho Moscow, vì theo thỏa thuận ngừng bắn Nga có trách nhiệm kiềm chế lực lượng quân đội chính phủ của ông Bashar al-Assad.

"Chính quyền Syria và Nga biết điểm đến của đoàn xe này nhưng các nhân viên cứu trợ nhân đạo đã bị giết khi đang nỗ lực cứu trợ khẩn cấp người dân Syria. Mỹ sẽ nêu trực tiếp vấn đề này với Nga. Với những vi phạm nghiêm trọng của thỏa thuận ngừng bắn, chúng tôi sẽ đánh giá lại triển vọng hợp tác với Nga tại Syria trong tương lai", ông John Kirby, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.

Theo Đài Quan sát nhân quyền Syria thì vụ không kích vào đoàn xe của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ có thể là do quân đội Syria hoặc Nga thực hiện. Vụ không kích này phá hủy 18 xe chở đầy thực phẩm đang tiến vào khu vực phía Tây thành phố Aleppo, vốn là thành trì của phe nổi dậy đang bị quân chính phủ Syria bao vây. Theo báo cáo ban đầu, 12 người được cho là thiệt mạng do cuộc không kích trên.

Theo các quan chức của đoàn viện trợ, đoàn xe bị không kích khi đang dỡ hàng tại một nhà kho trong khu vực do phe đối lập Syria kiểm soát ở al-Kubra.

Trong khi đó, bom đạn tiếp tục được trút xuống phía Đông Aleppo, nơi 250.000 người đang bị bao vây trong khu vực do phe đối lập kiểm soát. Chiến sự tại Syria đang bùng phát mạnh trở lại, sau một thời gian tạm lắng với hy vọng mong manh bằng thỏa thuận ngừng bắn do Nga - Mỹ bảo trợ hồi đầu tháng 9.

Tuy nhiên, sau vụ không kích được cho là do quân đội Mỹ thực hiện nhắm vào quân đội Syria tại Deir ez-Zour khiến 62 binh sĩ Syria thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương đã gần như dập tắt việc thi hành thỏa thuận ngừng bắn khi các bên đổ lỗi cho nhau.

Phía Mỹ tuyên bố "lấy làm tiếc" và cho rằng vụ không kích vào quân đội Syria chỉ là nhầm lẫn, khi kế hoạch là không kích mực tiêu đang bị tổ chức khủng bố IS chiếm giữ. Ngược lại, Syria tố cáo rằng vụ không kích hôm 17.9 là "cố ý và đã được lên kế hoạch trước", còn Nga thì tố cáo Mỹ đang bảo trợ cho ISIS. Vụ việc này dẫn đến việc ngày 19/9 (giờ địa phương), quân đội Syria tuyên bố kết thúc thỏa thuận ngừng bắn và bắt đầu tiến đánh Aleppo.

Nga - My do loi qua lai, so phan Tong thong Assad map me bo vuc tham
Ngày 19/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẳng định Syria không thể có hòa bình nếu Tổng thống Assad không chịu từ chức.

Theo một bài viết của nhà bình luận Mike Whitney, xung đột ở Syria không phải là một cuộc chiến theo đúng nghĩa truyền thống của từ này. Nó là một chiến dịch nhằm thay đổi chế độ, giống như ở Libya và Iraq.

Người chèo lái chính của cuộc xung đột trên là một quốc gia đã từng lật đổ hơn 50 chính phủ có chủ quyền kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, Mỹ.

Washington là một nhà vô địch về thay đổi chế độ mà không một ai có thể sánh kịp. Thông qua công tác tuyên truyền và gắn với việc đổ lỗi một cách phù hợp, người dân Mỹ cho rằng đó chỉ là sự can thiệp và chính phủ của họ luôn làm điều đúng đắn.

Mỹ muốn dựng lên một chế độ bù nhìn ở Damascus để có thể bảo vệ hành lang đường ống ở phía Đông, giám sát quá trình vận chuyển các nguồn năng lượng dự trữ sống còn từ Qatar tới Liên minh châu Âu (EU), và đảm bảo rằng các nguồn dự trữ này tiếp tục bị chi phối bởi những đồng USD.

Nga - My do loi qua lai, so phan Tong thong Assad map me bo vuc tham
Câu "thần chú" của chính quyền Obama là "ông Assad phải đi".


Cuộc chiến ở Syria đã không bắt đầu khi chính phủ của Tổng thống Bashar al Assad đàn áp người biểu tình vào mùa xuân năm 2011. Cuộc chiến đã thực sự bắt đầu vào năm 2009, khi ông Assad bác bỏ một kế hoạch của Qatar để vận chuyển khí đốt từ Qatar sang EU qua Syria.

Năm 2009, ông Assad tuyên bố rằng ông sẽ từ chối ký thỏa thuận cho phép đường ống trên chạy qua Syria "để bảo vệ lợi ích của đồng minh Nga”. Ông Assad đã khiến các vương quốc dòng Sunni ở vùng Vịnh tức giận bằng cách ủng hộ một "đường ống Hồi giáo" của Nga chạy từ Iran qua Syria và đến các cảng của Liban.

Đương nhiên, Saudi Arabia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã rất tức giận với ông Assad. Trong bối cảnh đó, Washington và các đồng minh đã quyết định tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm bí mật chống Damascus, tiêu diệt hoặc lật đổ ông Assad.

Như vậy, thời điểm Tổng thống Syria Assad từ chối đường ống Qatar, ông đã ký vào “bản án tử hình” của chính mình. Hành động đơn lẻ đó là chất xúc tác cho sự can thiệp của Mỹ, mà sau đó đã làm biến đổi một quốc gia có nền văn minh 5.000 năm thành một nơi hoang vắng như Fallujah với những phần tử sát nhân cuồng tín do những cơ quan tình báo của Mỹ và đồng minh tuyển chọn và hậu thuẫn.

May mắn thay, Tổng thống Syria Assad - với sự giúp đỡ của Iran, Hezbollah và các cuộc không kích của Nga - đã đánh bật các nỗ lực nhằm lật đổ ông và dựng lên một chế độ bù nhìn của Mỹ. Tuy nhiên điều đó dẫn đến sự giao tranh ở Syria bây giờ đang ngày càng gay gắt hơn và chưa có dấu hiệu dừng lại bởi Mỹ-Nga, 2 cường quốc lớn, đều rất quyết liệt trong cuộc chiến này. Và số phận ông Assad sẽ được định đoạt bởi một trong hai bên và lúc nào cũng ở trong tình trạng mấp mé bên bờ vực thẳm.

Minh Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI