Năm 2021, một năm thật dài của thế giới

26/12/2021 - 16:31

PNO - Cuối năm, việc nhìn lại các sự kiện và tin tức quan trọng đã qua trong năm là thông lệ của báo chí thế giới. Vụ đột nhập Điện Capitol (tòa nhà Quốc hội Mỹ) vào ngày 6/1 được xem là “tiền đề” cho một năm 2021 đầy tranh cãi ở Mỹ; cùng với đó, biến thể của COVID-19 đã kéo ghì nỗ lực của toàn cầu để có thể trở lại cuộc sống bình thường.

Năm dài nhất của cách ly

Đám đông người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump tập trung trước tòa nhà Quốc hội ở Washington D.C. Hàng ngàn người đã cố gắng xông vào bên trong hòng ngăn không cho nghi thức chứng nhận kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 diễn ra.

COVID-19 và các biến thể biến 2021 thành một năm quá dài của thế giới
COVID-19 và các biến thể biến 2021 thành một năm quá dài của thế giới

Nhiếp ảnh gia Leah Millis nhớ lại, đám đông giận dữ luôn có thái độ thù địch với cánh truyền thông. Một số đồng nghiệp của cô đã bị hành hung vào hôm đó. “Với tôi, vụ việc đánh dấu sự thật chấn động rằng công dân Mỹ đang tấn công vào chính tòa nhà biểu tượng nền dân chủ của họ”, Leah Millis nói.

COVID-19 và các biến thể virus đã khiến nhân loại có một năm dài nhất. Hình ảnh các nhân viên y tế đứng cạnh giường bệnh nhân đang nằm với máy thở phòng chăm sóc đặc biệt thời điểm tháng Giêng ở châu Âu sau đó đã trở thành phổ biến và kéo dài mãi cho đến tận hôm nay trên toàn cầu. Tỷ lệ lây nhiễm, nhập viện và tử vong cao liên tục làm dấy lên hết lo ngại này đến nỗi sợ khác xoay quanh các biện pháp phong tỏa, cách ly và sự tàn phá nặng nề đối với các nền kinh tế và an sinh xã hội.

Thế giới xúc động với bức ảnh chụp cô bé Bianca Toniolo (ba tuổi) đang nằm trong căn phòng tối ở San Fiorano (Ý) với khuôn mặt được chiếu sáng bởi màn hình điện thoại. Bé đang mỉm cười khi video call với mẹ đang tự cách ly trong phòng ngủ bên cạnh vì tiếp xúc với một F0.

Hay phản ứng của cụ bà Yoshia Uomoto khi con trai Mark Uomoto và cháu gái đến thăm lần đầu tiên sau một năm giãn cách xã hội vì COVID-19 tại Seattle (Mỹ). Họ đã đến để dành sự bất ngờ cho người mẹ đã 98 tuổi của mình vì trước đó gia đình chỉ có thể đứng nhìn nhau qua cửa sổ viện dưỡng lão. “Chào mẹ”. Đáp lại tiếng của con, bà Yoshia thốt lên: “Thật vui khi được gặp con”. Và họ ôm chầm nhau.

Biến thể Delta quét qua Ấn Độ. Ống kính truyền thông đã kịp ghi lại cảnh người đàn ông tháo chạy khỏi sức nóng tỏa ra từ các giàn hỏa thiêu bệnh nhân COVID-19 ở ngoại ô New Delhi hồi cuối tháng Tư. Không ai muốn nhắc lại con số tử vong của đất nước này ở thời điểm đen tối nhất.

Thế giới năm 2021 còn chứng kiến những cuộc tụ tập phản đối bắt buộc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và các biện pháp hạn chế kéo dài làm mất cân bằng xã hội ở châu Âu, Bắc Mỹ hay những lời kêu gọi tiêm chủng trước khi quá muộn. 

Người đàn ông chạy khỏi sức nóng tỏa ra từ các giàn hỏa thiêu bệnh nhân tử vong vì COVID-19 ở ngoại ô New Delhi (Ấn Độ) hồi cuối tháng Tư
Người đàn ông chạy khỏi sức nóng tỏa ra từ các giàn hỏa thiêu bệnh nhân tử vong vì COVID-19 ở ngoại ô New Delhi (Ấn Độ) hồi cuối tháng Tư

Ở một góc nhìn khác từ trên cao, mọi người sẽ thấy như mình đang bay qua rừng cờ của tác phẩm nghệ thuật sắp đặt công cộng mang tên “Hãy nhớ”, gần đài tưởng niệm Washington ở Mỹ ngày 19/9. Tác phẩm trình bày trên một diện tích rộng 20 mẫu Anh nhằm tưởng nhớ những người đã tử vong vì COVID-19 với hơn 650.000 lá cờ bằng nhựa mang thông điệp gửi đến những người đã khuất.

Chiến tranh, thiên tai và người di dân buồn

Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020 cuối cùng cũng đã được diễn ra sau một năm bị trì hoãn vì dịch bệnh. Nữ vận động viên thể dục dụng cụ Rebeca Andrade của Brazil thi đấu trong trận chung kết và chàng Marcel Hug của Thụy Sĩ ngồi trên xe lăn băng qua vạch đích đường đua 5.000m giành huy chương vàng là những hình ảnh được nhớ mãi.

Tháng Tám, Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sau 20 năm chiến tranh, dẫn đến một cuộc di tản hỗn loạn, là sự kiện đáng nhớ của năm 2021. Đây cũng là một trong những cuộc không vận lớn nhất lịch sử. Chuyện những người di cư buồn diễn ra khắp nơi ở những nước nghèo, thường bị thiên tai với hy vọng đến Mỹ, Ý, Pháp, Anh… tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp để rồi đôi khi trả giá bằng chính mạng sống của mình hay người thân khiến thế giới không khỏi xót xa.

Các thảm họa thiên nhiên tiếp tục diễn ra trên toàn cầu. Các trận cháy rừng và lũ lụt liên tục xác lập các kỷ lục về mức độ tàn phá và ảnh hưởng lên hàng triệu người từ Đông sang Tây. Dịch châu chấu tấn công châu Phi cũng là một sự kiện khó quên tương tự như tàu thám hiểm của NASA hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa.

Các cuộc biểu tình chống bạo lực giới khắp nơi trên thế giới cũng là sự kiện tiêu biểu của năm 2021. Người ta nhớ về buổi tập trung cầu nguyện cho Sarah Everard, một phụ nữ trẻ bị bắt cóc và giết bởi một sĩ quan cảnh sát ở London (Anh). Ánh mắt của nữ sinh Patsy Stevenson khi bị các sĩ quan cảnh sát bắt giữ, đã trở thành hình ảnh tiêu biểu cho tâm trạng tức giận của quốc gia trước tình trạng bất an mà phụ nữ phải đối mặt ở Anh nói riêng và trên toàn thế giới. 

 Nam Anh (theo The Atlantic)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI