Mỹ phản đối Trung Quốc tìm cách đưa người vào Tòa án quốc tế về Luật biển

05/08/2020 - 14:25

PNO - Mới đây, Bắc Kinh đã đề cử ông Đoàn Khiết Long - một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc - ứng cử vào vị trí thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS), cơ quan xét xử và giải quyết các tranh chấp hàng hải.

Động thái của Trung Quốc bị Mỹ kịch liệt phản đối. Washington cho rằng, không nên trao cho Bắc Kinh vị trí này vì Trung Quốc là quốc gia không tuân thủ luật hàng hải quốc tế ở Biển Đông.

Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) ở Hamburg, Đức – Ảnh: AFP/Getty Images
Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) ở Hamburg, Đức - Ảnh: AFP/Getty Images

Theo CNBC, tháng trước, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ông David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương nói, “bầu một quan chức Trung Quốc vào cơ quan này không khác gì thuê một kẻ đốt nhà giúp điều hành Sở cứu hỏa”.

Ứng cử viên Trung Quốc, ông Đoàn Khiết Long, sinh năm 1958, được coi là ứng cử viên duy nhất của châu Á cho 1 trong 7 vị trí thẩm phán mới của ITLOS. Ngoài ông Long, các ứng cử viên khác bao gồm đại diện của các nước: Malta, Jamaica, Ý, Chile, CHDC Congo, Ukraine, Uruguay, Brazil.

Trước đó, đại diện Zimbabwe đã chính thức xin rút khỏi vị trí ứng cử viên.

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ David Stilwell tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia bầu cử (thẩm phán) Toà án quốc tế ITLOS sắp tới đánh giá cẩn thận thông tin đăng ký của ứng cử viên Trung Quốc và xem xét liệu một thẩm phán người Trung Quốc tại ITLOS sẽ giúp đỡ hay cản trở luật hàng hải quốc tế. Với những gì Bắc Kinh đã làm, câu trả lời đã rõ ràng”.

Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) dự kiến ​​sẽ tổ chức một cuộc bầu cử vào tháng 8 hoặc tháng 9 để chọn ra 7 thẩm phán phục vụ trong nhiệm kỳ 9 năm. Tất cả 168 nước ký kết Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS), sẽ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này.

Ứng cử viên Trung Quốc Đoàn Khiết Long vào vị trí thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật biển - Ảnh: Getty Images
Ứng cử viên Trung Quốc Đoàn Khiết Long vào vị trí thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật biển - Ảnh: Getty Images

Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực PCA đã bác bỏ các yêu sách "đối với gần 90% Biển Đông của Trung Quốc", cho rằng các đòi hỏi này là “vô căn cứ”, theo các nguyên tắc của UNCLOS. Trung Quốc - quốc gia đàm phán và phê chuẩn công ước, đã từ chối chấp nhận hoặc công nhận phán quyết của tòa.

Đây không phải là lần đầu Trung Quốc đưa ứng cử viên cho ghế thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật biển. Trên thực tế, 3 thẩm phán Trung Quốc từng phục vụ tại cơ quan tư pháp này kể từ cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức vào năm 1996, theo trang web của ITLOS.

Trung Quốc luôn theo đuổi các yêu sách và hoạt động của mình ở Biển Đông - bao gồm khoan tìm dầu khí và tôn tạo đảo nhân tạo - với đường 9 đoạn phi pháp họ tự vẽ ra, xâm phạm chủ quyền nước khác và luôn tìm cách hợp thức hoá nó, bất chấp luật pháp quốc tế và sự thật lịch sử.

Việt Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI