Các đại sứ Mỹ tại Đông Nam Á lần lượt “bóc mẽ” tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông

20/07/2020 - 08:54

PNO - Sau khi chính quyền Mỹ nêu rõ lập trường về Biển Đông và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định sẽ không để Trung Quốc “xưng bá” ở khu vực này, lần lượt các đại sứ và nhân viên ngoại giao cấp cao Mỹ tại Đông Nam Á cũng nêu quan điểm.

Kinh tế Thái Lan sẽ bị ảnh hưởng bởi mưu đồ của Bắc Kinh

Đầu tiên là bài xã luận của Đại sứ Mỹ tại Thái Lan Michael George DeSombre đăng trên trang khaosodenglish.com, trong đó ghi rõ rằng giữa lúc thế giới tập trung vào cuộc chiến chống COVID-19, Trung Quốc đang tìm cách kéo dài chiến dịch bắt nạt ở Biển Đông.

Các chiến thuật cưỡng chế, lật đổ và thông tin sai lệch được sử dụng ở Biển Đông đặt ra câu hỏi về cách Trung Quốc có thể sử dụng các công cụ này ở những nơi khác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chẳng hạn vào ngày 1/4, Bắc Kinh công bố một chiến dịch thực thi pháp luật trên biển mới có tên là “Biển xanh 2020”, được cho là để tăng cường bảo vệ môi trường biển, nhưng ngay sau đó, tàu hải giám Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá Việt Nam.

Bắc Kinh tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng và vũ khí tại khu vực Trường Sa của Việt Nam.
Bắc Kinh tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng và vũ khí tại khu vực Trường Sa của Việt Nam

Bắc Kinh cũng củng cố các căn cứ quân sự của mình ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, triển khai máy bay, trạm nghiên cứu mới; phái một tàu khảo sát năng lượng cùng đội tàu hộ vệ vũ trang đến đe dọa công việc thăm dò dầu khí ngoài khơi của Malaysia; đồng thời kích động Indonesia bằng cách gửi hàng trăm tàu đánh cá và tàu cảnh sát hộ tống vào vùng biển ngoài khơi đảo Natuna của Indonesia.

Bắc Kinh vênh váo cảnh báo rằng bất cứ ai bác bỏ những yêu sách chủ quyền vô căn cứ của Bắc Kinh đối với Biển Đông đều cam chịu thất bại. Ông DeSombre kết luận, bất kể Trung Quốc đi đến đâu, họ đều sẽ bỏ qua các quy tắc, ngụy tạo nên cái họ gọi là sự thật và phá vỡ những lời hứa quốc tế.

Cảnh báo chính quyền Thái Lan, nhà ngoại giao Mỹ lấy ví dụ về những gì đang diễn ra trên sông Mê Kông. Trung Quốc từng hứa sẽ chia sẻ nguồn nước với các quốc gia vùng hạ lưu sông Mê Kông, thế nhưng minh chứng thực tế cho thấy các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn đã giữ lại hàng tỷ mét khối nước dù khu vực trung lưu và hạ lưu sông Mê Kông trải qua hạn hán nghiêm trọng nhất trong thập kỷ.

Chính quyền Trung Quốc vẫn điều hành các cuộc tuần tra ngoài lãnh thổ dọc biên giới Thái Lan, thúc đẩy xây dựng các quy tắc mới do Bắc Kinh chỉ đạo để cai trị dòng sông, làm suy yếu Ủy ban sông Mê Kông - diễn đàn đa phương duy nhất tuân theo quy định quốc tế tại sông Mê Kông.

Ông DeSombre lưu ý rằng dù Thái Lan không có bất kỳ tuyên bố lãnh thổ nào ở Biển Đông, tự do hàng hải của nước này tại khu vực có thể bị ảnh hưởng nếu Bắc Kinh chiếm trọn vùng biển. Nông dân Thái Lan, các nhà sản xuất và người tiêu dùng đều gián tiếp hưởng lợi từ hòa bình và ổn định trên Biển Đông bởi 80% GDP của nước này đến từ thương mại hàng hóa quốc tế.

Dòng sông Mê Kông đoạn chảy qua tỉnh Nakhon Phanom của Thái Lan cạn nước vào tháng 12/2019.
Dòng sông Mê Kông đoạn chảy qua tỉnh Nakhon Phanom của Thái Lan cạn nước vào tháng 12/2019

Trung Quốc cũng nhắm đến chủ quyền của Myanmar

Với ý kiến tương tự như ông DeSombre, Phó chánh văn phòng Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar - George N. Sibley viết trên tờ The Irrawaddy hôm 18/7, cáo buộc Trung Quốc thực hiện chiến dịch chưa từng có nhằm làm suy yếu chủ quyền của các nước ASEAN ở Biển Đông.

Đối với Myanmar, những tranh chấp này có vẻ xa vời, nhưng hành động của Bắc Kinh tại Hồng Kông và Biển Đông là dấu hiệu để Mỹ, các nước đồng minh và láng giềng thấy rõ rằng Trung Quốc sẵn sàng phá vỡ lời hứa, bỏ qua sự thịnh vượng của các quốc gia nhỏ hơn, tìm cách viết lại lịch sử ở bất cứ đâu.

Bốn năm trước, vào ngày 12/7/2016, Tòa án Trọng tài quốc tế đã bác bỏ yêu sách hàng hải “đường chín đoạn” của Bắc Kinh theo luật pháp quốc tế. Nhưng bỏ ngoài tai phán quyết và chẳng màng tham khảo ý kiến với các bên yêu sách ASEAN, Trung Quốc đã triển khai các lệnh cấm đánh bắt cá và cho tàu quấy rối tùy tiện ở Biển Đông.

Ông George N. Sibley viết: “Trung Quốc tiếp tục ngăn chặn các nước ASEAN khai thác nguồn tài nguyên ngoài khơi của họ, bao gồm cả trữ lượng dầu khí khổng lồ và một số ngư trường phong phú nhất thế giới. Qua đó làm thay đổi sinh kế của hàng triệu người thuộc cộng đồng ven biển Đông Nam Á”.

Theo nhà ngoại giao Mỹ, những sự kiện trên đang diễn ra cách xa Myanmar, nhưng Bắc Kinh đã sử dụng hành vi tương tự để đe dọa, thâu tóm và làm suy yếu chủ quyền của Myanmar. Thay vì nghề cá, Trung Quốc sử dụng các đồn điền chuối ở bang Kachin với lối canh tác hủy hoại môi trường.

Nông dân địa phương phản đối một dự án khai thác đồng do Trung Quốc hậu thuẫn tại mỏ Letpadaung, thuộc thị trấn Salingyi gần thành phố Monywa vùng Sagaing, Myanmar vào tháng 5/2016.
Nông dân địa phương phản đối một dự án khai thác đồng do Trung Quốc hậu thuẫn tại mỏ Letpadaung, thuộc thị trấn Salingyi gần thành phố Monywa vùng Sagaing, Myanmar vào tháng 5/2016

Thay vì đưa ra yêu sách hàng hải, Trung Quốc đổ tiền vào thâu tóm quan chức Myanmar, hưởng lợi trong lĩnh vực khai thác và lâm nghiệp. Thay vì xây dựng đảo, Trung Quốc công bố các dự án cơ sở hạ tầng và khu kinh tế đặc biệt nhằm mang lại lợi ích cho Trung Quốc nhiều hơn so với người dân Myanmar. Bên cạnh đó là nạn buôn bán người tại Myanmar mà 80% là đưa phụ nữ sang Trung Quốc.

Ông Sibley cảnh báo chủ quyền quốc gia hiện đại thường mất đi không phải thông qua hành động công khai, chiến tranh mà qua một loạt các sự kiện nhỏ hơn dẫn đến sự xói mòn chậm theo thời gian, và Myanmar đang đối mặt với mưu đồ đó từ Trung Quốc.

Philippines cần giữ vững chủ quyền tại biển Đông

Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim đưa ra bài phân tích trên trang web chính thức của cơ quan hôm 16/7. Trong đó tuyên bố Mỹ sẽ sát cánh cùng Philippines và các đối tác Đông Nam Á khác để duy trì trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế, nhằm đảm bảo quyền tiếp cận theo hướng chủ quyền, bền vững và hiệu quả cho Biển Đông cùng các tài nguyên mà vùng biển nắm giữ.

Theo đại sứ Sung Kim, vùng biển phía tây đất nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với cuộc sống của hàng triệu người dân, nắm giữ hệ sinh thái biển tuyệt vời mà các nhà nghiên cứu từ Mỹ sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp tại Philippines khám phá.

Đầu tháng 7, nhóm tấn công tàu sân bay Ronald Reagan đã tiến hành các hoạt động tập trận chung giữa hai tàu sân bay Ronald Reagan và Theodore Roosevelt gần vùng biển của Philippines, thể hiện cam kết của Mỹ đối với các thỏa thuận phòng thủ lẫn nhau và thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên khắp Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đồng thời Mỹ cũng tăng cường khả năng tự bảo vệ vùng biển của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines thông qua hoạt động đào tạo chuyên gia và cung cấp thiết bị mới.

USS Ronald Reagan (CVN 76, ở gần) và USS Nimitz (CVN 68, phía xa) cùng đội tàu tác chiến đi kèm của Mỹ hoạt động ở Biển Đông vào ngày 6/7/2020.
USS Ronald Reagan (CVN 76, ở gần) và USS Nimitz (CVN 68, phía xa) cùng đội tàu tác chiến đi kèm của Mỹ hoạt động ở Biển Đông vào ngày 6/7/2020

Tuy luận điểm của các nhà Ngoại giao Mỹ tại những quốc gia khu vực Đông Nam Á có sự khác nhau tùy thuộc mối quan tâm và mối quan hệ song phương, song tất cả đều đồng ý với quan điểm rằng Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch để tăng cường quấy rối Biển Đông, bỏ qua pháp luật quốc tế, mưu đồ độc chiếm vùng biển đầy tiềm năng. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trong khu vực, bất kể trực tiếp hay gián tiếp, sớm hay muộn.

Nếu trước đây Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn chưa thể đưa ra thái độ thống nhất về vấn đề Biển Đông, Mỹ đã thể hiện lập trường của mình như một yếu tố thúc đẩy, thuyết phục rằng các nước có lợi ích từ việc thượng tôn luật pháp quốc tế. Nếu không đồng lòng ngay bây giờ, mưu đồ bá chủ của Trung Quốc sẽ ngày càng bành trướng, không chỉ dừng lại ở Biển Đông.

Tấn Vĩ (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI