Mỹ đạt cột mốc quan trọng trong hành trình ghép tạng cho người từ động vật

20/10/2021 - 17:41

PNO - Lần đầu tiên, một quả thận heo được cấy ghép thành công vào cơ thể người mà không bị hệ thống miễn dịch đào thải ngay lập tức.

Quy trình được thực hiện tại cơ sở y tế NYU Langone Health ở Thành phố New York liên quan đến việc sử dụng một con heo có gen biến đổi, để các mô của nó không còn chứa loại phân tử gây kích hoạt sự đào thải gần như ngay lập tức ở người nhận.

Các nhà nghiên cứu tiết lộ với hãng tin Reuters người nhận là một bệnh nhân nữ chết não có dấu hiệu rối loạn chức năng thận. Trong ba ngày, quả thận mới đã được gắn vào mạch máu và duy trì hoạt động bên ngoài cơ thể cô ấy, cho phép các nhà nghiên cứu dễ dàng theo dõi.

Bác sĩ Robert Montgomery, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết kết quả kiểm tra chức năng của quả thận được cấy ghép "trông khá bình thường". Quả thận tạo ra "lượng nước tiểu" tương đương với một quả thận người được cấy ghép, và không có bằng chứng nào về sự đào thải mạnh mẽ - vốn xuất hiện gần như ngay lập tức khi thận heo chưa biến đổi gen được cấy ghép vào người.

Bác sĩ Montgomery nói thêm, mức creatinine bất thường của người nhận - một chỉ số cho thấy chức năng thận kém - đã trở lại bình thường sau khi cấy ghép.

Các bác sĩ tại Mỹ ghép thành công quả thận từ lợn biến đổi gen cho một bệnh nhân đã chết não mà không gặp phải triệu chứng loại thải
Các bác sĩ tại Mỹ ghép thành công quả thận từ lợn biến đổi gen cho một bệnh nhân đã chết não mà không gặp phải triệu chứng loại thải

Tại Mỹ, gần 107.000 người hiện đang chờ ghép nội tạng, trong đó có hơn 90.000 người đang chờ một quả thận. Thời gian chờ cho một quả thận trung bình từ ba đến năm năm.

Các nhà nghiên cứu đã làm việc suốt nhiều thập kỷ để xem xét khả năng sử dụng nội tạng động vật trong cấy ghép, nhưng các công trình luôn vướng phải câu hỏi khó về cách ngăn chặn sự đào thải ngay lập tức của cơ thể con người.

Nhóm của Montgomery đưa ra giả thuyết việc loại bỏ gen tạo ra carbohydrate kích hoạt sự đào thải - một phân tử đường gọi là alpha-gal - sẽ ngăn chặn được vấn đề.

Giống heo biến đổi gen, được đặt tên là GalSafe, được phát triển bởi đơn vị Revivicor của United Therapeutics Corp. Chúng đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vào tháng 12/2020, để sử dụng làm thực phẩm cho những người bị dị ứng thịt và như một nguồn nguyên liệu tiềm năng của liệu pháp điều trị cho con người.

Cơ quan này cho biết các sản phẩm y tế được phát triển từ heo vẫn cần có sự chấp thuận cụ thể của FDA trước khi được sử dụng trên người. Hiện có nhiều nghiên cứu khác xem xét liệu heo GalSafe có thể là nguồn cung cấp mọi cơ quan, từ van tim cho đến da cho bệnh nhân hay không.

Montgomery nói thêm, thí nghiệm ghép thận ở NYU sẽ mở đường cho các thử nghiệm ở bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, có thể trong một hoặc hai năm tới. Những thử nghiệm đó giúp kiểm tra phương pháp này như một giải pháp ngắn hạn cho số bệnh nhân bị bệnh nặng - cho đến khi họ nhận được một quả thận người, hoặc như một phương pháp cấy ghép vĩnh viễn nếu đảm bảo độ an toàn. Những người tham gia thử nghiệm có thể là bệnh nhân có tỷ lệ nhận thận thấp và tiên lượng xấu khi chạy thận.

Heo được chọn làm loài vật nuôi cấy nội tạng cho người do những yêu cầu về đạo đức và sự tương thích kích thước cơ quan
Heo được chọn làm loài vật nuôi cấy nội tạng cho người do những yêu cầu về đạo đức và sự tương thích kích thước cơ quan

Giấc mơ cấy ghép nội tạng từ động vật sang người - hay còn gọi là cấy ghép ngoại lai (xenotransplantation) - có từ thế kỷ XVII với những nỗ lực bất thành trong việc truyền máu động vật cho bênh nhân. Vào thế kỷ XX, các bác sĩ phẫu thuật đã cố gắng cấy ghép nội tạng từ khỉ đầu chó vào người, nổi tiếng nhất là Baby Fae, một đứa trẻ sơ sinh sắp chết, sống được thêm 21 ngày với trái tim của khỉ đầu chó.

Vì không có thành công lâu dài và vấp phải sự chỉ trích từ dư luận, các nhà khoa học đã chuyển mục tiêu cấy ghép từ động vật linh trưởng sang heo, nghiên cứu gen của chúng để thu hẹp khoảng cách giữa các loài.

Heo khác xa với con người về mặt di truyền, nhưng chúng có lợi thế hơn khỉ và vượn, đó là lý do tại sao chúng trở thành mục tiêu cho việc cấy ghép ngoại lai. Nội tạng của heo có kích thước tương tự như người và chúng là loài động vật quen thuộc trong chăn nuôi, vì vậy việc sử dụng heo làm nguồn cung nội tạng ít tạo ra mối quan tâm về đạo đức hơn

Van tim heo từng được sử dụng thành công trong các ca cấy ghép tim. Heparin làm loãng máu có nguồn gốc từ ruột heo. Thủ thuật ghép da từ heo giúp điều trị vết bỏng và các bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc từng sử dụng giác mạc heo để phục hồi thị lực thành công cho bệnh nhân.

Karen Maschke - một học giả nghiên cứu tại Trung tâm Hastings về đạo đức sinh học (Mỹ) - cho biết, việc nuôi heo để lấy nội tạng dường như là sai trái đối với một số người, nhưng nó có thể trở nên dễ chấp nhận hơn nếu những lo ngại về quyền lợi động vật có thể được giải quyết.

Tấn Vĩ (theo Reuters, NY Times, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI