Mũi tiêm bổ sung sau nhiễm kém tác dụng trước Omicron

04/05/2022 - 12:26

PNO - Các bác sĩ cảnh báo liều vắc xin bổ sung có thể không tăng cường khả năng bảo vệ chống lại biến thể Omicron ở người từng nhiễm COVID-19.

COVID-19 làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn ở trẻ em

Một báo cáo trên Tạp chí Dị ứng và Miễn dịch học Lâm sàng đã nghiên cứu gần 62.000 trẻ em Mỹ mắc bệnh hen suyễn được xét nghiệm PCR vào năm đầu tiên của đại dịch, trong đó gồm hơn 7.700 trẻ có kết quả dương tính.

Những đứa trẻ bị nhiễm bệnh có số lần khám suyễn, nhập viện, sử dụng ống hít khẩn cấp và điều trị steroid nhiều hơn đáng kể trong sáu tháng sau khi bị bệnh so với những đứa trẻ mắc hen suyễn nhưng chưa từng có kết quả dương tính với COVID-19.

Tiến sĩ Christine Chou thuộc Cơ quan Y tế Trẻ em Quận Cam, California cho biết thêm, những đứa trẻ có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 thậm chí còn cải thiện khả năng kiểm soát bệnh hen suyễn trong vòng sáu tháng nghiên cứu, đồng nghĩa với việc chúng ít phải đến khoa cấp cứu và nhập viện điều trị bệnh hen suyễn.

Kết quả từ các nghiên cứu trước đây cho thấy sự cải thiện trong kiểm soát hen suyễn vào giai đoạn đầu của đại dịch, dường như là do các biện pháp y tế công cộng như ở nhà và đeo khẩu trang góp phần hạn chế việc trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây hen suyễn.

Tiến sĩ Chou kết luận, mặc dù nhìn chung, trẻ em mắc bệnh hen suyễn vẫn sống ổn trong năm đầu tiên của đại dịch, nghiên cứu mới cho thấy "tác hại lâu dài hơn của COVID-19 đối với việc kiểm soát bệnh hen suyễn ở trẻ em".

Trẻ hen suyễn nhiễm COVID-19 có thể phát triển bệnh nặng hơn sau nhiều tháng kể từ lúc âm tính
Trẻ hen suyễn nhiễm COVID-19 có thể phát triển bệnh suyễn nặng hơn sau nhiều tháng kể từ lúc âm tính

Mũi bổ sung sau nhiễm giảm hiệu quả trước Omicron

Trong số những người từng nhiễm COVID-19, liều thứ ba của vắcxin mRNA từ Pfizer/BioNTech hoặc Moderna có thể không tăng cường khả năng bảo vệ của họ trước biến thể Omicron.

Các nhà nghiên cứu từ Mỹ đã theo dõi gần 130.000 người được xét nghiệm COVID-19 ở Connecticut từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2022, trong đó có 10.676 người nhiễm chủng Omicron. Khoảng 6-8% số người tham gia từng nhiễm các biến chủng trước của COVID-19.

Thành viên nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Margaret Lind từ Đại học Yale cho biết, hai liều vắc xin mRNA tiêu chuẩn đã giúp bảo vệ chống lại Omicron ở những người từng nhiễm bệnh trước đó, nhưng "chúng tôi không phát hiện ra lợi ích bổ sung của việc tiêm liều tăng cường thứ ba trong nhóm đối tượng này".

Một nghiên cứu riêng biệt từ Canada, được đăng trên trang medRxiv và chưa trải qua đánh giá ngang hàng, cho thấy kết quả tương tự rằng tiêm nhiều hơn hai liều vắc xin "có ít giá trị" trong việc bảo vệ những người từng nhiễm COVID-19 chống lại Omicron.

Tiến sĩ Lind kết luận: "Mọi người nên tiêm hai liều vắc xin mRNA bất kể họ từng nhiễm bệnh trước đó hay chưa. Riêng những người chưa từng mắc COVID-19 nên tiêm thêm một liều bổ sung. Những người từng nhiễm bệnh có thể xem xét liều tăng cường, đặc biệt nếu họ thuộc nhóm nguy cơ cao đối với các biến chứng đe dọa tính mạng, nhưng cần lưu ý rằng mũi tiêm thứ ba có thể không cung cấp sự bảo vệ bổ sung đáng kể chống lại nhiễm trùng như hai liều đầu tiên".

Tấn Vĩ (theo Reuters, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI