Một loại nấm có thể “ăn mòn” con người từ trong ra ngoài

26/05/2025 - 06:48

PNO - Các nhà khoa học cảnh báo, loại nấm gây chết người có khả năng “ăn mòn chúng ta từ trong ra ngoài” sẽ lan rộng khắp Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nga khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên. Cụ thể, nấm Aspergillus fumigatus có thể ​​sẽ mở rộng phạm vi hoạt động gấp 3 lần trong những năm tới và có khả năng khiến hàng triệu người mắc các bệnh nhiễm trùng phổi nghiêm trọng, có tỉ lệ tử vong từ 20 - 40%.

Nấm Aspergillus có mặt ở khắp mọi nơi, phát triển trong các môi trường đất, phân trộn và nước. Chúng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái nhưng có thể có tác động tàn phá đến sức khỏe con người. Theo thống kê, nhiễm trùng nấm giết chết hơn 2,5 triệu người mỗi năm.

Một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Manchester (Anh) đã sử dụng mô phỏng và lập bản đồ khả năng lây lan trong tương lai của Aspergillus - nhóm nấm phổ biến được tìm thấy trên khắp thế giới có thể gây ra bệnh aspergillosis - căn bệnh đe dọa tính mạng chủ yếu ảnh hưởng đến phổi. Từ đó, họ phát hiện, một số loài Aspergillus sẽ mở rộng phạm vi của chúng khi cuộc khủng hoảng khí hậu gia tăng, xâm nhập vào các vùng mới của Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nga.

Tiến sĩ Norman van Rijn - một trong những tác giả của nghiên cứu, nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Manchester (Anh) - cho biết: “Những bản đồ này cho thấy các tác nhân gây bệnh nấm có khả năng sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các khu vực trên thế giới trong tương lai”.

Khí hậu ấm lên có thể là môi trường thích hợp cho loại nấm “ăn mòn chúng ta từ bên trong” phát triển - ẢNH: JIM REED/CORBIS
Khí hậu ấm lên có thể là môi trường thích hợp cho loại nấm “ăn mòn chúng ta từ bên trong” phát triển - Ảnh: Jim Reed/Corbis

Nấm Aspergillus phát triển như những sợi nhỏ trong đất trên khắp thế giới. Chúng giải phóng một lượng lớn bào tử nhỏ phát tán trong không khí. Con người hít phải bào tử mỗi ngày nhưng hầu hết mọi người sẽ không gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Tuy nhiên, chuyện sẽ khác đối với những người mắc các bệnh về phổi như hen suyễn, xơ nang, người có hệ miễn dịch suy yếu, người từng bị cúm nặng.

Tiến sĩ Norman van Rijn cho biết, nếu hệ thống miễn dịch của cơ thể không loại bỏ được bào tử, bệnh nhân sẽ mắc bệnh aspergillosis. Lúc đó, nấm “bắt đầu phát triển và về cơ bản sẽ ăn mòn bạn từ trong ra ngoài” - ông nói. Bệnh aspergillosis có tỉ lệ tử vong rất cao, khoảng 20 - 40%. Bệnh này cũng rất khó chẩn đoán vì bác sĩ không phải lúc nào cũng để ý đến bệnh và bệnh nhân thường có biểu hiện sốt và ho - các triệu chứng thường gặp ở nhiều bệnh khác. Ngoài ra, các tác nhân gây bệnh nấm cũng ngày càng kháng thuốc.

Điều đáng lo ngại mà các nhà khoa học cảnh báo là biến đổi khí hậu mở ra những khu vực mới cho nấm Aspergillus xâm lấn. Kết quả nghiên cứu phát hiện loài nấm Aspergillus flavus có xu hướng thích khí hậu nóng hơn. Loài này có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng ở người và kháng nhiều loại thuốc chống nấm. Từ năm 2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thêm Aspergillus flavus vào nhóm tác nhân gây bệnh quan trọng vì tác động của nó đối với sức khỏe cộng đồng và nguy cơ kháng thuốc.

Aspergillus fumigatus là loài ưa khí hậu ôn hòa, được dự đoán sẽ lan rộng về phía bắc hướng tới Bắc Cực khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên. Ngoài việc mở rộng phạm vi sinh trưởng, thế giới ấm lên cũng có thể làm tăng khả năng chịu nhiệt của nấm, cho phép chúng tồn tại tốt hơn bên trong cơ thể con người. Elaine Bignell - đồng Giám đốc Trung tâm Y học về nấm MRC tại Đại học Exeter (Anh) - cho biết: “Nghiên cứu mới về Aspergillus thực sự làm sáng tỏ mối đe dọa của nấm tồn tại trong môi trường tự nhiên của chúng ta và chúng ta chưa chuẩn bị đầy đủ để đối phó với sự thay đổi về mức độ phổ biến của chúng”.

Justin Remais - giáo sư khoa học sức khỏe môi trường tại UC Berkeley (Mỹ) - cho biết, mặc dù bệnh aspergillosis có tính chất gây chết người, nhưng vẫn thực sự thiếu dữ liệu về nơi mầm bệnh xuất hiện trong môi trường và ai bị nhiễm bệnh. Ông đang chỉ đạo một nghiên cứu trên hơn 100 triệu bệnh nhân khắp nước Mỹ, xác định được hơn 20.000 trường hợp mắc bệnh aspergillosis từ năm 2013 đến 2023. Ông cho biết, số ca mắc bệnh này tăng khoảng 5% mỗi năm. “Các tác nhân gây bệnh nấm ngày càng phổ biến và kháng thuốc, chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu được tác động của biến đổi khí hậu. Có một nhu cầu cấp thiết là phải đảo ngược xu hướng này do tính tử vong của nó. Bất kỳ ai trong chúng ta tương lai cũng có thể bị ảnh hưởng”.

Lệ Chi (theo PNC, CNN, Perplexity)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI