 |
Dịch tả heo châu Phi bùng phát mạnh khiến người chăn nuôi ở tỉnh Nghệ An thiệt hại nặng - Ảnh: Khánh Trung |
Nhiều hộ chăn nuôi trắng tay
Cách đây ít ngày, 10 con heo của ông Cao Viết Hùng (xã Nam Đông, TP Huế) lăn ra chết, gồm 8 con heo thịt và 2 con heo nái. Trong chuồng, 15 con còn lại cũng có dấu hiệu nhiễm bệnh, bỏ ăn. “Chỉ 1 tuần, gia đình tôi thiệt hại 150 triệu đồng. Chúng tôi vay ngân hàng đầu tư vào đàn heo này, nay trắng tay rồi” - ông Hùng đau khổ.
Ông Cao Bé - Phó chủ tịch UBND xã Nam Đông - cho biết, toàn xã có 5 thôn bị dịch, 214 con heo đã bị chết và dự báo số heo chết sẽ tiếp tục tăng bởi còn nhiều con đang bị bệnh.
Đàn heo ở xã Cồn Tiên, tỉnh Quảng Trị cũng chết nhiều, chủ hộ nuôi phải thuê máy múc để tiêu hủy. Nông dân Hồ Ngọc Thăng kể, gia đình ông vừa chôn 6 con heo nái và 19 con heo thịt trong vườn cao su. Đàn heo là nguồn thu nhập chính của gia đình nên việc heo chết nguyên chuồng khiến gia đình ông điêu đứng. Theo thống kê sơ bộ, toàn xã Cồn Tiên nuôi 7.000 con heo. Khi xuất hiện dịch tả heo châu Phi, những người chăn nuôi heo như ngồi trên đống lửa.
Tính đến giữa tháng 7/2025, toàn tỉnh Quảng Trị có 14 xã xảy ra dịch tả heo châu Phi với gần 3.000 con mắc bệnh, tổng thiệt hại khoảng 10 tỉ đồng. Nguồn: Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị.
Xã Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi cũng đang bị dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại nặng nề. Theo UBND xã, dịch xảy ra ở 48 hộ dân thuộc 13/15 thôn.
Ông Nguyễn Kim (thôn Hiệp Phổ Bắc) cho biết, trong hơn 40 con heo của nhà ông, 6 con heo nặng từ 30 - 40kg lăn ra chết sau 1 đêm, buộc ông phải báo ngay cho lực lượng thú y tới tiêu hủy cả đàn. Tình trạng heo chết cũng xảy ra ở xã Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
Bà Tiêu Thị Lùng (thôn Tân Hội, xã Tư Nghĩa) buồn rầu: “Tôi mua 1 con heo giống giá 1,4 triệu đồng, nuôi được 9 tháng thì bị dịch, làm cả đàn gồm 2 con nái, 25 con nhỏ chết hết”.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, từ ngày 1/7 đến nay, dịch tả heo châu Phi xảy ra ở 184 cơ sở nuôi thuộc 15 xã, phường với gần 1.300 con bị tiêu hủy. Còn theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Đà Nẵng, toàn thành phố có 4 xã, phường xảy ra dịch, tiêu hủy tổng cộng 125 con heo bệnh.
Nuôi tổng đàn 300 con heo, chỉ trong 1 tuần qua, chị Đinh Thị Thanh Huyền (xã Hoa Quân, tỉnh Nghệ An) đã phải tiêu hủy 80 con heo thịt và chờ tiêu hủy tiếp 32 con, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Chị nhận xét, tốc độ lây lan bệnh trong đợt dịch này rất nhanh. Theo ông Lê Văn Tý - Phó chủ tịch UBND xã Hoa Quân - từ ngày 1/7 đến nay, toàn xã tiêu hủy hơn 1.000 con heo bệnh, heo chết và dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
 |
Lực lượng chức năng kiểm tra thịt heo tại chợ Đông Ba, TP Huế - Ảnh: Thuận Hoá |
Mầm bệnh đang bị phát tán
Ông Tưởng Đăng Hào - Phó chủ tịch UBND xã Đại Đồng, tỉnh Nghệ An - cho biết, trong gần 3 tháng qua, toàn xã tiêu hủy hơn 2.000 con heo với tổng trọng lượng gần 132 tấn. Điều đáng lo là có hộ vứt heo chết ra môi trường thay vì thông báo cho chính quyền địa phương tiêu hủy.
Do đó, bên cạnh việc huy động tối đa lực lượng hỗ trợ dân tiêu hủy heo, tiêu độc, khử trùng chuồng trại bằng vôi bột và hóa chất, UBND xã còn tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tránh để dịch lây lan.
Những ngày qua, chính quyền các xã ven sông Đào (tỉnh Nghệ An) cũng thường xuyên cử lực lượng tuần tra, huy động máy móc vớt xác heo trên sông để tiêu hủy. Bà Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch UBND xã Giai Lạc - cho biết, công tác phòng, chống dịch ở xã đang khó khăn do thiếu nhân lực thú y, kinh phí hạn hẹp, địa bàn rộng, ý thức của một số người dân chưa cao. Theo bà, dịch bệnh đã lan đến 26/34 xóm của xã, hơn 2.600 con heo bị tiêu hủy.
Ở TP Đà Nẵng, có tình trạng vứt xác heo xuống kênh Phú Ninh khiến kênh bốc mùi hôi nồng nặc. Lãnh đạo UBND xã Thăng Bình, TP Đà Nẵng cho biết, đã cử lực lượng vớt xác heo trên kênh để tiêu hủy, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân không giết mổ, buôn bán heo bệnh, không giấu dịch.
Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm tra, phát hiện cơ sở thu mua heo của bà Trần Thị Thùy D. (xã Nghĩa Hành) thu gom, vận chuyển 72 con heo nhiễm dịch. Bà D. thừa nhận, định chở số heo trên vào tỉnh Gia Lai và tỉnh Đồng Nai để giết mổ, bán lại cho các cơ sở làm lạp xưởng. Ngày 18/7, UBND xã Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi cũng xử phạt bà T.T.L.T. (thôn Phúc Minh) 5 triệu đồng do có hành vi vứt heo chết ra môi trường.
Ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An - cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, UBND tỉnh đã ban hành công điện khẩn yêu cầu chủ tịch UBND các xã, phường huy động mọi nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, kéo dài; thành lập các tổ kiểm tra lưu động để kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các vi phạm.
Tuy nhiên, ông thừa nhận, chính quyền một số xã còn lúng túng trong công tác phòng, chống dịch do thiếu lực lượng thú y. Để giải quyết, chi cục cử cán bộ phối hợp với các ngành liên quan đến các địa phương hỗ trợ. Ông mong chính quyền các xã sớm phối hợp với các lực lượng liên ngành để kiểm soát chặt hoạt động vận chuyển heo giữa các vùng, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm như giấu dịch, vứt xác heo ra môi trường và giết mổ heo chết, heo dịch.
Ông Trần Công Tám - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị - cho hay, đã cử cán bộ, cấp trang thiết bị để hỗ trợ các địa phương khống chế dịch. Ông nhận định: “Dịch tả heo châu Phi lây lan nhanh là do nắng nóng gay gắt xen mưa giông, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển; một số cơ sở chăn nuôi chưa kiểm soát chặt con giống, phương tiện ra vào, tỉ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh còn thấp; một số hộ chăn nuôi chưa chủ động khai báo khi phát hiện heo nghi mắc bệnh”.
Ngày 16/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 109 yêu cầu triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Thủ tướng yêu cầu các địa phương ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển heo bệnh, vứt xác heo ra môi trường, giấu dịch; chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn heo.
 |
Tiểu thương kinh doanh thịt heo ở chợ Chùa, xã Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đóng cửa sạp vì ế ẩm - Ảnh: Đình Dũng |
Vứt heo chết bừa bãi có thể bị phạt đến 7 năm tù Hành vi vứt xác heo bệnh ra môi trường là vi phạm pháp luật, cần bị xử lý nghiêm, nhất là khi đang có dịch. Hành vi này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm cho dịch bệnh lây lan nhanh hơn, rộng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Theo Nghị định 14/2021/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng; nếu cố tình vứt xác để tránh tiêu hủy hoặc không hợp tác phòng dịch, mức phạt có thể lên đến 15 triệu đồng. Theo điều 248 Bộ luật Hình sự, người có hành vi làm dịch bệnh lan rộng, gây thiệt hại lớn cho người khác có thể bị xử lý hình sự với mức án cao nhất 7 năm tù. Trong lúc dịch tả heo châu Phi bùng phát, mỗi người dân nên chủ động hợp tác với cơ quan chức năng, xử lý heo bệnh đúng quy trình. Luật sư VÕ THỊ TUỆ MINH (Công ty Luật hợp danh An Doanh, TP Huế) |
Cần sớm chuyển đổi mô hình chăn nuôi Để hạn chế thiệt hại do dịch tả heo châu Phi gây ra, mỗi hộ chăn nuôi phải trở thành “pháo đài phòng dịch”, tuyệt đối không tái đàn khi chưa đủ thời gian cách ly, không mua giống không rõ nguồn gốc và nên thực hiện đúng khuyến cáo của cơ quan thú y. Sau khi chính quyền địa phương công bố hết dịch, người chăn nuôi cần vệ sinh chuồng trại, khử trùng bằng vôi và hóa chất, xây dựng hầm biogas trước khi nuôi lại heo. Chỉ nên nuôi 10% tổng đàn để theo dõi rồi mới tăng dần số lượng. Qua kiểm tra, dịch bệnh xuất hiện phần lớn ở các hộ, trang trại chăn nuôi có quy mô nhỏ, điều kiện vệ sinh chuồng trại kém, chưa chú trọng tiêm vắc xin cho heo. Do đó, về lâu dài, người dân cần chuyển đổi mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn, sinh học để giảm nguy cơ bùng phát dịch. Ông ĐẶNG VĂN MINH - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An |
Thuận Hóa - Phan Ngọc - Đình Dũng