Miền Trung căng mình chống bão giữa đại dịch COVID-19

18/09/2020 - 08:08

PNO - Gần 1,2 triệu người từ tỉnh Quảng Bình đến TP. Đà Nẵng phải sơ tán trước giờ bão số 5 (bão Noul) đổ bộ. Hiện các tỉnh ven biển miền Trung phải chạy nước rút phòng tránh bão bởi theo dự báo, tốc độ di chuyển của cơn bão này rất nhanh.

Sáng 17/9, khoảng 300 khách du lịch vừa đến đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã phải vội vã quay về đất liền để tránh bão số 5. Nhiều hoạt động du lịch, kinh doanh ở các tỉnh miền Trung chưa kịp gượng dậy sau những đợt dịch COVID-19 đã phải căng mình chống chọi thiên tai.
 

Ngư dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa thuyền vào bờ để trá nh bão số 5 - ẢNH: THUẬN HÓA
Ngư dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa thuyền vào bờ để trá nh bão số 5 - ẢNH: THUẬN HÓA

 

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 5 sẽ đổ bộ vào miền Trung ngày 18/9 với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13. Hiện hàng chục ngàn lao động cùng hàng ngàn phương tiện trên biển trong khu vực nguy hiểm đã và đang khẩn trương di chuyển vào bờ hoặc chuyển hướng để tránh bão. Để đảm bảo an toàn, UBND TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế đã cấm ra khơi từ ngày 16/9; các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi cấm đánh bắt hải sản từ ngày 17/9.

Tại TP. Đà Nẵng, các hàng quán mới được mở vài ngày, nay phải dọn dẹp để tránh bão. Anh Hồ Sỹ Cần - chủ một nhà hàng trên đường Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê - cho biết: “UBND thành phố vừa cho phép nhà hàng hoạt động lại sau đợt dịch COVID-19 thứ hai được mấy ngày thì giờ bão vào, phải đóng quán”. Cũng như anh Cần, hàng loạt quán, nhà hàng, khách sạn ở TP. Đà Nẵng mới hoạt động trở lại vài ngày, chưa đón được bao nhiêu khách thì phải dọn dẹp để chạy bão.

Hiện UBND các quận, huyện ở TP. Đà Nẵng đang rà soát kỹ những vùng nguy hiểm ven biển, sông suối có nguy cơ cao như ven biển phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), vịnh Mân Quang (quận Sơn Trà), ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê… để sẵn sàng sơ tán người dân đến nơi an toàn, đồng thời đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ chỉ huy Quân sự, Công an, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) TP. Đà Nẵng đã được điều động hỗ trợ người dân di dời tài sản, chằng chống nhà cửa.

Công ty Công viên cây xanh TP. Đà Nẵng đang ráo riết hoàn tất việc cắt tỉa, chằng chống cây xanh đường phố để hạn chế ngã đổ. Công ty cổ phần Cấp nước TP. Đà Nẵng cũng đang triển khai tháo dỡ đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ. Hàng loạt công trình nhà cao tầng, khách sạn, nhất là ở hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, được yêu cầu gia cố giàn giáo thi công, cần trục tháp, cẩu và các thiết bị thi công trên cao.
 

Ngư dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa thuyền vào bờ để tránh bão số 5 - Ảnh: Thuận Hóa
Ngư dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa thuyền vào bờ để tránh bão số 5 - Ảnh: Thuận Hóa

Tại tỉnh Quảng Nam, tuyến đê ngầm dài 220m cách bờ biển Cửa Đại 200m vừa hoàn thành cơ bản đang là mối lo ngại trước khi bão tràn vào. Đại diện đơn vị thi công công trình này cho biết, đê ngầm Cửa Đại xây xong 90%. Do bão sắp đến, tàu bè và các trang thiết bị phục vụ công trình tạm thời vào Cửa Đại trú bão. Bão đến có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó chủ tịch UBND TP. Hội An - cho biết, trong ngày 17/9, chính quyền thành phố cử lực lượng đến hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa. Hội An sẽ thực hiện phương châm di dời tại chỗ đối với hầu hết các xã, phường có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão. Đối với P.Cửa Đại, nếu có nguy cơ không an toàn, sẽ cho di dời tập trung. 

Để ứng phó bão số 5, chiều 16/9, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân và các cơ quan tổ chức kiểm tra, chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, có các biện pháp bảo vệ trụ ăng-ten, biển hiệu quảng cáo, chặt tỉa cành cây, khai thông cống rãnh để hạn chế thiệt hại do mưa bão.

UBND tỉnh yêu cầu tập trung chỉ đạo thu hoạch lúa vụ hè thu năm 2020, chủ động tiêu thoát nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng; tổ chức kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du hồ chứa; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra, trong đó đặc biệt lưu ý đến các hồ chứa thủy lợi đã tích đầy nước.

Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi cho đến khi bão tan, tiếp tục thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của bão để chủ động vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn. Sáng 17/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã gửi công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học một ngày (ngày 18/9) để phòng tránh bão số 5.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, chính quyền đã ban hành lệnh cấm tất cả phương tiện ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 13g ngày 17/9 cho đến khi có thông báo mới. Ông Huỳnh Công Trí - Giám đốc Ban quản lý cảng Lý Sơn - cho biết, sáng 17/9, đã bố trí hai chuyến tàu đưa khoảng 300 du khách rời đảo Lý Sơn, đồng thời cũng bố trí hai chuyến tàu đưa khoảng 150 hành khách từ đất liền về lại Lý Sơn. Tất cả các hành khách đều được tạo mọi điều kiện thuận lợi để ra vào đảo ngay trong sáng 17/9.

Đồng thời, lực lượng chức năng vẫn tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; tất cả người dân, hành khách khi ra đảo đều phải khai báo y tế mới mua được vé tàu về đảo, đồng thời phải đo thân nhiệt, đeo khẩu trang. Các huyện ven biển lên phương án sơ tán dân; thành lập ban chỉ huy tiền phương để chỉ đạo triển khai công tác ứng phó bão, lũ. 

UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân chằng chống, gia cố nhà cửa, phối hợp với BĐBP, ban quản lý các cảng cá và Chi cục Thủy sản tỉnh hướng dẫn, sắp xếp chỗ neo đậu tàu thuyền, lồng bè, tránh va đập và bị đứt neo khi có gió mạnh; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện ở các khu vực neo đậu; sẵn sàng vật tư, phương tiện, hậu cần để kịp thời ứng phó thiên tai.

Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã triển khai hệ thống thông tin tìm kiếm, cứu nạn phối hợp với đài canh cộng đồng để kết nối và duy trì liên lạc với 1.141 tàu cá cùng 8.930 ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển, thường xuyên cập nhật và thông tin cho ngư dân về diễn biến của bão số 5, hướng dẫn ngư dân trong vùng bị ảnh hưởng của bão di chuyển vào khu vực trú tránh an toàn.

Các đơn vị BĐBP của tỉnh hiện đang tổ chức trực 24/24 giờ, tiến hành thống kê, kiểm đếm số phương tiện và ngư dân đã vào bờ neo đậu, đồng thời theo dõi chặt chẽ các phương tiện trong vùng ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý những tình huống xấu có thể xảy ra.

Tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thông báo cho học sinh nghỉ học trong hai ngày (18 và 19/9).
 

Bộ đội giúp dân chèn chống nhà cửa để chống bão - Ảnh: Thuận Hóa
Bộ đội giúp dân chèn chống nhà cửa để chống bão - Ảnh: Thuận Hóa

 

Riêng tỉnh Quảng Trị có 169.000 học sinh nghỉ học để tránh bão. UBND tỉnh yêu cầu hoàn thành công tác sơ tán dân trước 20g ngày 17/9 với tổng số dự kiến di dời là 94.089 người, thuộc 125 xã, phường, thị trấn. Tỉnh Quảng Trị hiện đã thu hoạch được 21.658ha lúa hè thu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch gần 1.000ha lúa còn lại và hoa màu nhằm hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra. 

Đến chiều 17/9, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, vẫn còn 38 phương tiện cùng 330 lao động ngoài biển. Ghi nhận tại cảng cá ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, có hàng trăm lượt tàu cá cập bờ bán hải sản sau những ngày ra khơi. Sau đó, các tàu này đã đến các cảng neo đậu an toàn trước khi bão vào. Trong khi đó, người dân vùng biển thuộc thị trấn Thuận An, xã Phú Thuận, Phú Hải cũng khẩn trương đưa ghe lên bờ an toàn. Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã liên lạc và hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển khẩn cấp vào bờ tránh bão.

Trưa 17/9, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đến tỉnh Thừa Thiên - Huế để kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 5. Kiểm tra trực tiếp tại khu neo đậu tàu thuyền cảng cá Thuận An, ông Dũng nói với lãnh đạo tỉnh này: “Đây là khoảng thời gian vàng để các đồng chí giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho người dân”. Ông yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẩn trương rà soát tất cả tàu thuyền còn hoạt động trên biển, có biện pháp kêu gọi, hướng dẫn để ngư dân vào nơi tránh trú an toàn. 

“Bão thường gây mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống nên chúng ta cần tập trung rà soát lại các khu dân cư miền núi. Thừa Thiên - Huế có tổng diện tích 5.000km2, trong đó, khu vực miền núi chiếm phần lớn nên phải rà soát và cho sơ tán các hộ dân ở khu vực xung yếu, dễ bị ảnh hưởng” - Phó thủ tướng nói. 

Các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng đã có kế hoạch sơ tán 295.859 hộ với 1.177.486 người dân nếu xảy ra bão cấp 10-11. Trong đó, tỉnh Quảng Bình sơ tán 208.979 hộ/835.917 người, tỉnh Quảng Trị 23.522 hộ/94.089 người, tỉnh Thừa Thiên - Huế 28.128 hộ/106.612 người, TP. Đà Nẵng 35.229 hộ/140.868 người. Hiện, các tỉnh, thành đang tiếp tục rà soát, cập nhật phương án sơ tán dân theo diễn biến thực tế của bão. Quân khu 4, Quân khu 5, các bộ chỉ huy BĐBP hiện đang duy trì 256.700 cán bộ, chiến sĩ, 2.611 phương tiện các loại; Quân chủng Hải quân duy trì 6 tàu trực tìm kiếm, cứu nạn để phòng, chống bão Noul.

 

Lê Đình Dũng - Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI