Mạng xã hội sẽ quyết định thắng thua trong cuộc đua vào Nhà trắng?

22/09/2020 - 15:55

PNO - Trang mạng HuffPost hôm 21/9 cho biết hơn 3 triệu người Mỹ đã đăng ký bỏ phiếu bầu tổng thống qua mạng xã hội, đây là số người dùng Facebook (bao gồm cả Instagram, Messenger) và Snapchat. Ngoài ra, còn 9/10 số người dùng Twitter ở Mỹ đăng ký bỏ phiếu trước Ngày Đăng ký Cử tri Quốc gia 22/9.

Facebook đặt mục tiêu sử dụng phạm vi tiếp cận kỹ thuật số rộng lớn của mình để đăng ký 4 triệu cử tri Mỹ đủ điều kiện trước ngày bầu cử tổng thống 3/11 - Ảnh: British Journal
Facebook đặt mục tiêu sử dụng phạm vi tiếp cận kỹ thuật số rộng lớn của mình để đăng ký 4 triệu cử tri Mỹ đủ điều kiện trước ngày bầu cử tổng thống 3/11 - Ảnh: British Journal

Trang mạng HuffPost dẫn nguồn Facebook công bố hôm 21/9, ước tính 2,5 triệu người đăng ký trong năm nay sau khi đồng loạt gửi tín hiệu quảng bá trên các nền tảng Facebook, Instagram và Messenger. Facebook đặt mục tiêu đăng ký 4 triệu cử tri Mỹ đủ điều kiện trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11.

Đó là chưa kể 39 triệu người đã truy cập “Trung tâm thông tin bỏ phiếu” của Facebook, nơi cung cấp thông tin về cách đăng ký và bỏ phiếu. Bắt đầu từ tuần sau, trung tâm sẽ cung cấp thêm thông tin về địa điểm, ngày và giờ bỏ phiếu sớm.

HuffPost cho biết, ngoài Facebook, hơn 740.000 người đã đăng ký bỏ phiếu thông qua app nhắn tin đa phương tiện Snapchat.

Emily Dalton Smith, Giám đốc sản phẩm tác động xã hội của Facebook, cho biết công ty cũng sẽ bổ sung thông tin về cách thức trở thành tình nguyện viên tại điểm bỏ phiếu, một động thái nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân viên bầu cử trên toàn quốc trong năm nay do đại dịch COVID-19.

Không rõ có bao nhiêu cử tri mới đăng ký này sẽ thực sự đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử, nhưng hơn một nửa số người dùng Snapchat đăng ký qua ứng dụng này năm 2018 đã thực sự đi bầu. Con số đó có thể sẽ tăng cao hơn vào năm 2020, vì số cử tri tham gia bầu cử tổng thống thường vượt xa các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Mạng xã hội Twitter cũng đang lên kế hoạch cho chiến dịch tiếp cận cử tri tương tự vào 22/9, trùng với Ngày Đăng ký Cử tri Quốc gia. Một phát ngôn viên của Twitter nói với HuffPost rằng chín trong số mười người dùng (Mỹ) của trang web nói rằng họ đã đăng ký bỏ phiếu; do đó, chiến dịch của Twitter sẽ nhấn mạnh cách bỏ phiếu thay vì hướng người dùng đến cổng đăng ký của các tiểu bang.

Cần phân biệt việc cử tri Mỹ đăng ký bầu cử thông qua nền tảng mạng xã hội với mục đích tạo thuận lợi cho người đi bầu và nắm bắt ước lượng số người thực sự sẽ bỏ phiếu và việc bỏ phiếu bầu cử bằng hệ thống máy điện tử.

Liên quan đến việc bỏ phiếu bầu cử bằng hệ thống máy điện tử, kênh truyền hình Anh BBC ngày 8/5/2020 có bài phân tích, theo đó các chuyên gia nhận định bầu cử bằng hệ thống điện tử sẽ ngăn ngừa được các vấn đề có thể xảy ra tại các điểm bầu cử.

Mặc dù Mỹ đang lên kế hoạch áp dụng hệ thống bầu cử điện tử và Ấn Độ đã áp dụng cách thức bỏ phiếu này được một thời gian, nhưng Ủy ban bầu cử Anh Quốc bày tỏ quan ngại về “vấn đề an ninh” của hệ thống này.

Gần đây, cuộc bầu cử ở Anh năm 2010 “thất bại” đối với những ai không bỏ phiếu kịp giờ, do người xếp hàng đăng ký cử tri và trực tiếp bỏ phiếu quá dài.

Trước thực tế đó, David Monks - lãnh đạo điều hành một chính quyền địa phương kiêm chủ tịch hội Solace qui tụ các lãnh đạo địa phương quan tâm đến bầu cử nói rằng: "Chúng ta đang có hệ thống (bầu cử) từ thời Nữ hoàng Victoria, và một số thành viên Solace cho rằng hệ thống này cần phải được hiện đại hóa”. Ông ngụ ý, nước Anh “cần một hệ thống cho Thế kỷ 21, phù hợp với cuộc sống hiện đại”.

Một chuyên gia kỹ thuật phân tích rằng vấn đề ở các điểm bầu cử "sẽ kéo theo áp lực đòi phải có hệ thống bầu cử điện tử". Không rõ các vấn đề trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa rồi ở Anh có ảnh hưởng đến kết quả ở bất kỳ địa bàn nào liên quan đến việc hết giờ bỏ phiếu hay không, nhưng một số quan sát viên gợi nhớ lại vụ "treo" do tranh chấp luật bầu cử ở Florida năm 2000, đã đưa tổng thống George W Bush lên nắm quyền khi diễn ra nhiều tranh cãi về bầu cử. Sau cuộc khủng hoảng đó, hệ thống bầu cử điện tử được lắp đặt trên khắp nước Mỹ, một phần để ngăn tái diễn sự cố bầu cử.

Ấn Độ áp dụng bầu cử điện tử từ 2004 - Ảnh: Getty Images
Ấn Độ áp dụng bầu cử điện tử từ 2004 - Ảnh: Getty Images

Ở Ấn Độ - nền dân chủ lớn nhất thế giới - đã dùng hệ thống bỏ phiếu điện tử trên toàn quốc kể từ cuộc bầu cử Quốc hội năm 2004. Phe tán thành nói bỏ phiếu điện tử tiết kiệm thời gian đối với cử tri, tránh được phiếu bị hư, và có thể kiểm phiếu ngay lập tức.

Một phát ngôn viên Ủy ban Bầu cử Anh Quốc cho biết ủy ban này  từng "đề nghị quốc hội nên cân nhắc cải tổ hệ thống bầu cử". Từ năm 2000, chính phủ Anh đề nghị các chính quyền địa phương thử nghiệm một số các giải pháp thay thế cho phiếu bầu bằng giấy.

Vào tháng 5/2007, có 5 chính quyền địa phương ở Anh thử dùng hệ thống bỏ phiếu điện tử, bao gồm cả bỏ phiếu qua mạng Internet, tức là cử tri có thể bỏ phiếu từ bất kỳ nơi nào. Nhưng trong báo cáo đánh giá các thử nghiệm đó, Ủy ban bầu cử nhận thấy "có các vấn đề về an ninh và minh mạch về giải pháp và khả năng kiểm soát của chính quyền địa phương đối với quá trình bầu cử".

Gần đây cũng có cáo buộc rằng các máy bỏ phiếu điện tử của Ấn Độ dễ bị tấn công.

Nhưng ông Andy Williamson, giám đốc phụ trách điện tử ở một cơ quan nghiên cứu không đảng phái có tên là Hansard Society lập luận rằng "thiếu ý muốn thay đổi" thực tế lớn hơn lo ngại về an ninh. Ông thừa nhận bầu cử điện tử cũng có nguy cơ, nhưng lưu ý rằng "nguy cơ do thiếu xác định danh tính của người bỏ phiếu không lớn hơn nguy cơ di chuyển phiếu bầu đến nhiều điểm và những sai sót do kiểm đếm bằng tay”.

 

Hòa Ninh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI