Lo ngại với xu hướng “sống không màng sự đời”

19/04/2023 - 07:22

PNO - Hikikomori từng là một hiện tượng ở Nhật Bản vào những năm 1990, chỉ những hành vi “rút lui xã hội”, sống ẩn dật cực đoan của người trẻ. Tuy nhiên, hiện tượng này đang có xu hướng ngày càng tăng trên toàn cầu.

Trong hội nghị chuyên đề về Hikikomori diễn ra vào cuối năm 2022, các bác sĩ lâm sàng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore đã thống nhất xem đây là xu hướng rút lui khỏi xã hội ở những người trưởng thành, là hiện tượng mới nổi.

Hikikomori là một hiện tượng sức khỏe tâm thần văn hóa xã hội, trong đó các cá nhân trải qua các hình thức xa lánh xã hội nghiêm trọng (từ 6 tháng trở lên), gây ra đau khổ cho chính họ và những người xung quanh. Một số quốc gia - đặc biệt là ở Đông Á - đã ghi nhận tỉ lệ Hikikomoris ngày càng tăng.

Theo một khảo sát của Chính phủ Nhật Bản hồi đầu tháng Tư, gần 1,5 triệu người trong độ tuổi lao động ở nước này đang sống ẩn dật. Rất đông người bị hội chứng Hikikomori cho biết họ đã bắt đầu rút lui khỏi xã hội do các vấn đề về mối quan hệ trong gia đình, xã hội, bạn bè và sau khi mất việc hoặc nghỉ việc, đặc biệt là trong 3 năm đại dịch vừa qua.

Hiện tượng Hikikomori đang ngày càng tăng trên toàn cầu - ẢNH: ISTOCK
Hiện tượng Hikikomori đang ngày càng tăng trên toàn cầu - Ảnh: ISTOCK

Trong khi đó, theo Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, khoảng 3,1% người từ 19-39 tuổi ở nước này đang là “những người trẻ cô đơn ẩn dật”. Con số này tương ứng 338.000 người trên cả nước, với 40% bắt đầu bị cô lập ở tuổi thiếu niên. Nhiều yếu tố được xem là nguyên nhân của tình trạng này như khó khăn tài chính, bệnh tâm thần, các vấn đề gia đình (trong đó bạo lực gia đình cũng là phần nổi trội) hoặc các thách thức về sức khỏe. 

Tiến sĩ Patrick Lin - giảng viên cao cấp về tâm lý học tại Đại học James Cook ở Singapore - cùng nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này cho biết: “Hiện tượng sống ẩn dật, không màng sự đời phản ánh các yếu tố kinh tế và xã hội, chẳng hạn như niềm tin hoặc quan điểm về bản thân và xã hội, khả năng tiếp cận hỗ trợ xã hội suy giảm. Ngoài ra, văn hóa địa phương và cấu trúc xã hội có những sắc thái đặc biệt có thể ảnh hưởng đến hành vi liên quan đến Hikikomori. Ví dụ, Singapore có diện tích đất nhỏ và nhiều yếu tố góp phần khiến việc di chuyển ra ngoài gặp nhiều khó khăn, điều này có thể dẫn đến hành vi Hikikomori cao”. 

Với những nỗ lực đưa lực lượng này “bước ra khỏi nhà, hòa nhập xã hội” nhiều nước đã thực hiện những chiến lược cụ thể. Chính quyền quận Edogawa ở Tokyo cho biết sẽ tổ chức các sự kiện xã hội để tạo cơ hội cho mọi người kết nối với cộng đồng bằng những cuộc gặp gỡ, trao đổi cũng như tìm kiếm việc làm.

Riêng Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc tuần qua cũng đã thông báo sẽ cung cấp tới 650.000 won (khoảng 500 USD) mỗi tháng cho những người sống ẩn dật nhằm hỗ trợ “sự ổn định về tâm lý và cảm xúc cũng như sự phát triển lành mạnh” của họ. Khoản trợ cấp hằng tháng sẽ dành cho những thanh thiếu niên chọn lối sống cô đơn ẩn dật từ 9-24 tuổi, sống trong một hộ gia đình 4 người có thu nhập dưới mức trung bình (khoảng 5,4 triệu won tương đương 4.165 USD mỗi tháng). Thanh niên có thể tự đăng ký tham gia chương trình tại trung tâm phúc lợi địa phương hoặc người giám hộ, cố vấn hoặc giáo viên của họ cũng có thể thay mặt nộp đơn. “Thanh niên sống ẩn dật có thể phát triển thể chất chậm hơn do lối sống không điều độ và dinh dưỡng không cân bằng, đồng thời có khả năng gặp khó khăn về tinh thần như trầm cảm do mất vai trò xã hội và chậm thích nghi” - đại diện Bộ Bình đẳng giới và Gia đình cho biết. 

 

Thảo Nguyễn (theo Guardian, CNN)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI